Sunday, November 17, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiBáo Nhật: Trung Quốc nên ngừng sử dụng kinh tế như "dùi...

Báo Nhật: Trung Quốc nên ngừng sử dụng kinh tế như “dùi cui đối ngoại”

Trung Quốc có thể uốn cong nền kinh tế theo ý muốn chính trị, nhưng sẽ không có tác động nhiều đối với quy luật cung – cầu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, ảnh: Reuters / Nikkei Asian Review.

Nikkei Asian Review ngày 26/9 đưa tin, gần 2 tháng đã trôi qua kể từ khi Trung Quốc cảnh báo, những bài hát, phim truyền hình, thậm chí là những nhân vật nổi tiếng trong làng giải trí Hàn Quốc có thể không được hoan nghênh tại quốc gia này.

Đó là một lệnh cấm không chính thức, một ý định trả đũa quyết định của Seoul, triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ THAAD tại Hàn Quốc để đối phó với nguy cơ từ CHDCND Triều Tiên.

Hiện chưa rõ Bắc Kinh có thực sự cố gắng cấm xuất khẩu các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc sang Trung Quốc hay không, nhưng nhiều người sử dụng internet Trung Quốc ủng hộ hoạt động (cấm đoán) này.

Nếu Trung Quốc thực sự muốn trở thành nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, chính phủ nước này cần phải ngừng sử dụng công cụ ngăn chặn xuất nhập khẩu trong một số lĩnh vực kinh tế, thương mại để làm con bài đàm phán những vấn đề đối ngoại.

Sau khi Seoul đồng ý triển khai hệ thống THAAD tại Hàn Quốc trong tháng Bảy vừa qua, đầu tháng Tám, xuất hiện tin đồn lan khắp mạng internet về số phận của các doanh nghiệp, hoạt động giải trí Hàn Quốc tại Trung Quốc.

Một danh sách đen 53 bộ phim truyền hình Hàn Quốc, 42 nhân vật nổi tiếng trong làng giải trí Hàn Quốc đã bị cấm xuất hiện trên hệ thống truyền thông Trung Quốc.

Nhiều người sử dụng internet tại Trung Quốc bình luận rằng, kinh tế Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng, khó khăn hơn. Cách nhìn vấn đề của những người này đang làm cho Bắc Kinh giống như một nhà đàm phán có tài.

Điều tương tự cũng đã xảy ra với Nhật Bản năm 2010. Một cuộc xung đột âm ỉ giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku / Điếu Ngư ở Hoa Đông đã khiến Trung Quốc ngưng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản.

Kết quả là các nhà máy của Nhật Bản gặp khó khăn, sự cố trong sản xuất một số linh kiện cho xe hơi và các sản phẩm công nghệ cao khác, vì thiếu nguồn đất hiếm từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, trái ngược với suy nghĩ của Bắc Kinh rằng sử dụng đất hiếm làm công cụ để đàm phán các vấn đề chính trị có thể khiến đối phương phải nhượng bộ.

Các công ty Nhật Bản đã tìm nguồn cung thay thế từ những nơi khác chứ không đòi hỏi chính phủ phải giúp họ tháo gỡ vấn đề này với đối tác Trung Quốc. Họ cũng theo đuổi hướng phát triển vật liệu thay thế.

Sau khi căng thẳng Senkaku / Điếu Ngư hạ nhiệt cũng là lúc thủ đoạn dùng kinh tế làm đòn bẩy chính trị, ngoại giao kết thúc, số đất hiếm tồn kho của Trung Quốc chất đống khiến giá cả bắt đầu giảm mạnh.

Trong khi đó Nhật Bản vẫn không bao giờ thừa nhận có tranh chấp ở quần đảo Senkaku / Điếu Ngư.

Tương tự như vậy, dùng thủ đoạn cấm đoán và hạn chế ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc sẽ làm cho nhiều doanh nghiệp truyền thông Trung Quốc mất đi cơ hội kinh doanh béo bở.

Trong khi đó người tiêu dùng các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc tại Trung Quốc sẽ phải quay lại với thị trường chợ đen, vi phạm bản quyền để có được các tác phẩm giải trí từ Hàn Quốc.

Những bản sao bất hợp pháp các video ca nhạc, phim truyền hình Hàn Quốc có thể làm suy yếu nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Trung Quốc có thể uốn cong nền kinh tế theo ý muốn chính trị, nhưng sẽ không có tác động nhiều đối với quy luật cung – cầu.

Do đó theo Nikkei Asian Review, Trung Quốc cần phải nhận thức đầy đủ về động lực thị trường, các chính trị gia nên nhìn nhận đầy đủ và hợp lý về nền kinh tế thị trường.

Điều này có nghĩa là sự can thiệp của nhà nước nên giữ ở mức độ nhất định để tránh biến dạng thị trường hoặc thất bại của các chính sách kinh tế.

Can thiệp quá mức vào các hoạt động kinh tế và biến chúng thành công cụ trừng phạt đối thủ trong các hoạt động chính trị, ngoại giao là không thích hợp trong thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau.

RELATED ARTICLES

Tin mới