Monday, November 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiĐối tượng "mập mờ" giữa quân sự và dân sự trên Biển...

Đối tượng “mập mờ” giữa quân sự và dân sự trên Biển Đông

Học giả Singapore nhận định việc các nước đầu tư vào lực lượng “mập mờ” giữa quân sự và dân sự đang khiến tiến trình giải quyết xung đột trên Biển Đông ngày càng trở nên khó khăn.

Tàu cá Philippines thả neo tại thị trấn ven biển Infanta, Pangasinan, phía bắc nước này.  

Trong nhiều năm qua, các quốc gia Đông Nam Á đã cố gắng đàm phán để đi tới ký kết Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) liên quan tới hoạt động giao thương, đánh bắt và khai thác dầu khí. Ngoài ra, COC còn là cơ sở để tránh xung đột giữa các nước có cùng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Song, giới chuyên gia khu vực nhận định dường như COC không có giá trị thực thi. 

Học giả Collin Koh Swee Lean tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho rằng nguyên nhân khiến COC bị xem như không có hiệu lực thi hành là do phần lớn các nước có chủ quyền chồng lấn trên Biển Đông xem hành động quân sự hóa tại vùng biển này là điều chính đáng. 

Cũng theo ông Koh, trong những năm gần đây, hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông ngày càng trở nên “mập mờ”. Từ hải tặc tới ngư dân đều cho rằng nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến giành quyền kiểm soát các hòn đảo và vùng biển trên Biển Đông giữa các nước trong khu vực là hiện hữu. 

“Tôi cho rằng thật khó để xác định chính xác thế nào là hành động quân sự hóa trên Biển Đông”, VOA dẫn lời ông Koh phát biểu trong hội thảo hồi tuần trước ở thành phố Hồ Chí Minh.  

Trong khi đó, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích và phản đối không công nhận phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế phủ nhận tuyên bố chủ quyền phi lý “đường chín đoạn” của Bắc Kinh trên Biển Đông. Philippines là quốc gia đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa quốc tế ở The Huage, Hà Lan hồi năm 2013. 

Ngoài Trung Quốc, các nước tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông cũng đang có những hành động nhằm củng cố chủ quyền như điều động máy bay trinh thám. Song, Trung Quốc là nước duy nhất đưa máy bay ném bom tới Biển Đông.  

Học giả Koh nhấn mạnh thông thường các nước tăng cường sức mạnh bằng cách triển khai quân đội và vũ khí nhưng nay họ đã chuyển sang đầu tư vào những lực lượng “mập mờ” giữa ranh giới quân sự và dân sự như hải cảnh. 

Cụ thể, hành động quân sự hóa trên Biển Đông được các nước triển khai gồm xây dựng cơ sở hoạt động cho ngư dân cũng như bến tàu phục vụ quân đội. Ngay cả các đường băng vốn được sử dụng phục vụ mục đích tìm kiếm và cứu hộ, cũng có thể được dùng để triển khai vũ khí. 

Theo ông Koh, một dấu hiệu quân sự hóa “mập mờ” khác trên Biển Đông là việc lực lượng tàu đánh cá sơn màu tàu giống tàu tuần tra của hải quân. Ông Koh đặt ra câu hỏi liệu rằng lực lượng này đang đảm trách nhiệm vụ như dân phòng biển?

Trong khi đó, một số nước trong khu vực hy vọng Washington có thể kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh. Tuy nhiên, theo nhà sử học Edward Miller tại Cao đẳng Dartmouth, tình hình hiện nay rất khó khăn trước sự xuất hiện của lực lượng bảo vệ bờ biển và các hạm đội tàu cá thay vì triển khai lực lượng quân sự như truyền thống. “Xung đột trong khu vực đang chuyển dần theo hướng Mỹ không thể can thiệp trực tiếp”, ông Miller chia sẻ.

Điển hình như việc chính phủ Malaysia đề nghị người dân báo cáo về những sai phạm trên Biển Đông. Theo ông Koh, xét trên bề nổi, chương trình này đề nghị ngư dân báo cáo về những dấu hiệu xuất hiện cướp biển, buôn lậu hay đánh bắt trái phép. Nhưng nó cũng hàm ý để người dân tham gia vào chuyện quân sự. 

RELATED ARTICLES

Tin mới