Tuesday, January 7, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiNhật Bản đang làm gì trước TQ?

Nhật Bản đang làm gì trước TQ?

Nhật Bản đang từng bước tự chủ hoàn toàn quốc phòng, chuẩn bị kịch bản với Trung Quốc trên biển.

Nhật Bản sẽ cung cấp đạn dược cho Mỹ trong các chiến dịch phi quân sự. Ảnh: Bublbe

Nhật sản xuất đạn, cung ứng cho Mỹ

Hôm 27/9, Nhật Bản đã điều chỉnh thỏa thuận trao đổi dịch vụ (ACSA) với Mỹ nhằm tăng cường hợp tác hậu cần quân sự với đồng minh thân cận.

“Thỏa thuận mà chúng ta ký kết hôm nay (26/9) sẽ giúp đôi bên áp dụng suôn sẻ các hợp tác an ninh mới giữa Nhật – Mỹ”, Japan Times dẫn lời Ngoại trưởng Fumio Kishida tại sự kiện ở Tokyo.

Nhật Bản vốn đã hợp tác với Mỹ thông qua thỏa thuận ACSA với việc cung cấp nhiên liệu, thực phẩm và các dịch vụ hậu cần, cũng như những vật phẩm không gây sát thương trong các cuộc tập trận chung, những chiến dịch gìn giữ hòa bình do LHQ dẫn đầu và các sứ mệnh tìm kiếm và giải cứu quốc tế.

Nhưng tới tháng 3 năm nay, Tokyo đã thông qua 2 bộ luật cho phép Nhật Bản thực hiện cơ chế phòng thủ tập thể và cho phép mở rộng đáng kể các hoạt động của lực lượng vũ trang nước này sang các sứ mệnh ở nước ngoài.

Thêm với việc thỏa thuận ACSA được điều chỉnh giờ đây đã giúp tăng cường các cơ hội hợp tác song phương với việc mở rộng các dạng chiến dịch và hỗ trợ, theo đó bao gồm cả cung ứng đạn dược.

Trong khi thỏa thuận sửa đổi ASCA chưa cho phép việc cung cấp vũ khí thì nó đã cho phép Nhật Bản cung cấp đạn dược cho lực lượng Mỹ trong các hoạt động tập trận, chống cướp biển hay thu thập thông tin.

Tokyo hy vọng cơ chế hợp tác mới sẽ củng cố quan hệ liên minh quân sự song phương trong bối cảnh nước này đối mặt với tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng tại châu Á, bắt nguồn từ tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc và những mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.

Xoay chuyển cực nhanh

Cũng cần nói thêm, các chiến lược của Nhật Bản trong lĩnh vực quân sự đã được chuẩn bị từ lâu nay, đặc biệt là Sách Trắng Quốc phòng được công bố chính thức từ ngày 2/8 vừa qua.

Tài liệu 484 trang, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đặc biệt quan tâm tới các hoạt động gây hấn của Trung Quốc và cáo buộc Trung Quốc “ngoài miệng thì khẳng định là trỗi dậy hòa bình, nhưng mặt khác lại coi thường luật pháp quốc tế”.

Bản tài liệu cũng thông tin về ngân sách Quốc phòng 2016 của Nhật Bản đã tăng lên 4,86 nghìn tỉ yen (48 tỉ USD), do nước này phải đầu tư cho trang thiết bị quân sự mới và chi phí liên quan tới quân Mỹ đồn trú tại Nhật Bản đồng thời  cũng đề cập tới sự bất tiện mà căn cứ Mỹ ở Okinawa gây ra cho cư dân ở đây.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản sau đó cũng đã đệ trình ngân sách kỷ lục 5,17 nghìn tỷ yen (51 tỷ USD) cho năm tài khóa 2017, tăng 2,3% so với năm tài khóa 2016.

Trong Sách Trắng năm nay, Nhật Bản dành hẳn 1 chương để trình bày về Luật Hòa bình và An ninh, liên quan tới sự thay đổi trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản thời hậu chiến. Theo đó, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) có quyền thực thi quyền phòng vệ tập thể và hỗ trợ trong trường hợp các quốc gia đồng minh bị tấn công.

Nhật Bản cũng sẽ tăng số lượng nữ quân nhân trong lực lượng SDF và xem xét lại những hạn chế liên quan tới việc triển khai nữ quân nhân trong các vị trí lái máy bay tuần tra và trực thăng tấn công.

Trước đó, Nhật Bản không có quân đội thường trực mà chỉ tồn tại lực lượng phòng vệ thường trực. Theo Hiến pháp, Nhật không được sử dụng vũ lực trong tranh chấp quốc tế và bị giới hạn rất nhiều về chức năng của bộ binh, không quân và hải quân.

Tự sản xuất vũ khí, mua thiết bị tối tân và đổi mới cả con người 

Nhật Bản đã cho thấy một sự chuẩn bị kỹ càng cho bất kỳ cuộc đối đầu nào với nước láng giềng to lớn Trung Quốc khi chuẩn bị mua sắm vũ khí và tự sản xuất  vũ khí của mình.

Hồi cuối tuần vừa rồi, Lực lượng Phòng vệ Trên không của Nhật Bản (JASDF) đã đón nhận những chiếc F-35 đầu tiên của Tập đoàn Lockheed Martintừ Mỹ và là siêu chiến đấu cơ mà Tokyo đã lựa chọn là vũ khí chủ lực để đối đầu với một Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh và ngày càng trở nên hung hăng.

Tướng Yoshiyuki Sugiyama – Tư lệnh Lực lượng JASDF tuyên bố: “F-35A có một hệ thống tối tân nổi bật. Loại chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 có độ tinh vi cao này sẽ đem đến một sự phát triển rất lớn cho các chiến dịch trên không của chúng tôi. Nó sẽ là thứ vũ khí làm thay đổi cuộc chơi”.

Ngay cả các vũ khí của Anh cũng được Nhật Bản chọn lựa như xe thiết giáp tấn công đổ bộ AAV7, máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-35 giống hạm đội máy bay của quân đội Hoàng gia Anh cùng với một loạt máy bay chiến đấu tối tân khác như Osprey V-22 hay trực thăng Chinook.

Hồi đầu tháng 1 năm nay, Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi đã công bố mẫu máy bay chiến đấu tàng hình tự sản xuất đầu tiên nhằm phục vụ cho quân đội Nhật Bản.

Tổng chi phí cho dự án này vào khoảng gần 40 tỉ Yên và bắt đầu được triển khai từ năm 2009.

Sự đầu tư mạnh tay cho thấy Nhật Bản đang ngày càng thể hiện quan điểm cứng rắn hơn trước những ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc và bất an dưới ô bảo hộ của Mỹ.

Sự thay thế Bộ trưởng Quốc phòng cũng thể hiện rõ điều này.

Nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Nhật Bản xuất thân là luật sư, sau đó trở thành nghị sỹ, bà Tomomi Inada là một trong những chính trị gia thân cận của ông Abe.

Vốn là người có quan điểm “diều hâu” trong giới chính trị gia Nhật Bản, bà Tomomi Inada được cho rằng sẽ thể hiện quan điểm cứng rắn nhất định đối với những mối đe dọa của Trung Quốc.

Nữ bộ trưởng 57 tuổi của Nhật Bản cũng mong muốn thay đổi hiến pháp hiện tại của Nhật Bản, trong đó phủ nhận quyền của Tokyo trong việc phát động chiến tranh.

Cứng rắn ép 8 máy bay Trung Quốc quay đầu

Hôm 25/9, Nhật Bản đã triển khai ít nhất một máy bay tiêm kích sau khi 8 máy bay của Trung Quốc, trong đó có 2 máy bay chiến đấu đi qua eo biển phía đông quần đảo tranh chấp Senkaku do Tokyo kiểm soát mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.

Trung Quốc coi lần xuất kích ồ ạt 40 máy bay này là thực hiện cho mục đích tập trận và không xâm phạm hải phận Nhật Bản song phía Tokyo cho rằng, “không thể chấp nhận sự ám chỉ rằng không phận trên quần đảo Senkaku, vốn là một phần lãnh thổ Nhật Bản, lại thuộc về phía Trung Quốc”.

Phía Nhật Bản cũng bác bỏ cái Trung Quốc gọi là vùng nhận diện phòng không mà Trung Quốc đơn phương áp đặt trên vùng Senkaku.

Phản ứng nhanh gọn và đầy quyết liệt này cho thấy một quan điểm mạnh mẽ của bà Tomomi Inada đối với phép thử Trung Quốc.

Người tiền nhiệm bà Tomomi Inada giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng là ông Gen Nakatani, cũng được cho là có quan điểm cứng rắn. Cựu Bộ trưởng Nakatani từng phục vụ nhiều năm trong quân ngũ và có năng lực “tiên hạ thủ vi cường” trước những mối đe dọa trong khu vực.

Tờ báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cho rằng, ông Gen Nakatani vốn là một chính trị gia phe “diều hâu” khi từng phát biểu rằng “thiết lập thể chế an ninh tập thể tại Đông Á, bao gồm cả Trung Quốc, là sự nghiệp cả đời của tôi”.

Tất cả các yếu tố kết hợp giữa chính sách, hiến pháp, con người đã dần tạo nên một chiến lược của Nhật Bản trong việc tự chủ về quân sự, quốc phòng, tự bảo vệ đất nước và dần thoát ra khỏi ô bảo hộ của Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới