Hoa Kỳ không có khả năng rõ ràng để ngăn chặn Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở khu vực (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp trên Biển Đông là bằng chứng rõ nét.
Tàu Mỹ tuần tra ở Biển Đông không ngăn nổi bước chân bành trướng của Trung Quốc, ảnh: The New York Times.
Simon Tisdall, biên tập viên The Guardian ngày 25/9 bình luận trên báo này, chính sách “xoay trục sang châu Á” của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thất bại. Trung Quốc đang trong thời kỳ (hoàng kim của) quyền uy.
Ví dụ điển hình được Simon Tisdall đưa ra để chứng minh cho nhận định của mình, là trường hợp nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Bà đã đánh mất 25% sự ủng hộ sau vài tháng ngắn ngủi lên cầm quyền bằng một chiến thắng vang dội, chỉ vì Trung Quốc.
Cho rằng Dân tiến đảng và bà Thái Anh Văn theo đuổi chương trình “Đài Loan độc lập”, Bắc Kinh đã đình chỉ chính thức đường dây nóng khẩn cấp, ngừng các hoạt động đàm phán với Đài Bắc, nơi Trung Nam Hải vẫn coi là một “tỉnh nổi loạn” của Trung Quốc, đang chờ thống nhất.
Nghiêm trọng hơn, Trung Quốc đã có chính sách hạn chế khách du lịch sang Đài Loan. Hoạt động đầu tư kinh doanh giữa hai bờ eo biển gần đây cũng bị đình trệ, thay vì phát triển như dưới thời ông Mã Anh Cửu.
Bà Thái Anh Văn phải đối mặt với áp lực mâu thuẫn.
Dân chúng Đài Loan thì mong muốn quan hệ hợp tác kinh tế qua hai bờ eo biển chặt chẽ hơn, nhưng lại giữ ý thức mình là người Đài Loan chứ không phải Trung Quốc, một điều Bắc Kinh không chấp nhận.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo, thống nhất Đài Loan không thể trì hoãn vô thời hạn. Bắc Kinh phát triển sức mạnh quân sự và những gợi ý của cánh diều hâu rằng, có thể sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan, chuyện mâu thuẫn mà bà Thái Anh Văn phải đối mặt là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan này – làm thế nào để phát triển quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc mà không ảnh hưởng hoặc phải từ bỏ lợi ích quốc gia – đang dần trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn.
Điều này được chia sẻ bởi các quốc gia trên toàn khu vực Đông Á, từ Indonesia đến Philippines, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Singapore. Tình thế lưỡng nan là tương tự nhau, nhưng cách ứng phó của mỗi nước thì có khác nhau.
Dẫn đến tình trạng này theo Simon Tisdall, nguyên nhân chú yếu là vai trò và ảnh hưởng của Hoa Kỳ đã suy giảm, biểu hiện qua chiến lược “xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương” và TPP.
Việc Hoa Kỳ không có khả năng rõ ràng để ngăn chặn Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở khu vực (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp trên Biển Đông là bằng chứng rõ nét nhất cho thấy, chiến lược xoay trục sang châu Á là rỗng tuếch.
Tin tức về các hoạt động xây dựng mới của Trung Quốc ở khu vực này xuất hiện (dày thêm) mỗi tuần. Bất chấp luật pháp, bỏ qua các nước láng giềng, Trung Quốc đơn phương đòi 80% diện tích Biển Đông.
Các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải mà Mỹ tiến hành ở Biển Đông hầu như rất ít tác dụng. Phán quyết Trọng tài bị Bắc Kinh bác bỏ thẳng thừng.
Một số nhà quan sát còn phát hiện thêm các động cơ thầm kín khác của Trung Nam Hải. Việc xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa cũng như khiêu khích Nhật Bản ở Hoa Đông còn nhằm mục đích cô lập Đài Loan, chuẩn bị không gian chiến lược cho khả năng sử dụng vũ lực.
Nhận thức được sự yếu kém của Mỹ đã khiến các đồng minh của Hoa Kỳ phải tìm cách tự lo cho mình.
Tuần trước quân đội Đài Loan bắt đầu tham gia vào hoạt động bảo vệ đảo Ba Bình (Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam, đảo bị Đài Loan chiếm đóng trái phép), thay vì giao cho hải tuần.
Đáng kể hơn là Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuần trước tuyên bố, chấm dứt hợp tác hàng hải với Mỹ ở Biển Đông. Những phát biểu chỉ trích Hoa Kỳ của ông có thể chưa chắc đã phải là một chiến lược, nhưng chắc chắn Bắc Kinh hài lòng.
Sự “bất lực” của ông Obama trước Trung Nam Hải cũng khiến ông Shinzo Abe phải thúc đẩy nhanh chóng tái trang bị khả năng tác chiến cho quân đội. Đối phó với Bắc Triều Tiên chỉ là cái cớ. Mối quan tâm thực sự của Tokyo chính là Trung Quốc.