Thursday, January 9, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnThủ tướng Singapore: Không thể để luật rừng thay luật pháp ở...

Thủ tướng Singapore: Không thể để luật rừng thay luật pháp ở Biển Đông

Nếu không có quy tắc quốc tế về pháp luật mà chỉ là luật rừng, những nước lớn sẽ làm những gì họ muốn, còn những nước nhỏ yếu phải chịu.

Nikkei Asian Review ngày 29/9 đưa tin, phát biểu về vấn đề Biển Đông trong một hội thảo do Nikkei tổ chức hôm thứ Năm, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh: Tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế.

“Nhiều khi các biện pháp của ASEAN là không đủ. Ví dụ, vấn đề cần được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế và luật biển”, Thủ tướng Lý Hiển Long chia sẻ.

Theo ông, nếu luật rừng chiếm ưu thế ở Biển Đông thay vì luật pháp, các nước nhỏ sẽ bị đẩy vào thế bị các nước lớn kiểm soát.

ASEAN có 10 nước thành viên, thực tế có những khó khăn trong việc thống nhất một lập trường chung đối với Trung Quốc, vì mỗi nước có lợi ích khác nhau ở Biển Đông và mức độ quan hệ khác nhau với Bắc Kinh. 

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

Channel News Asia ngày 29/9 dẫn lời Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, là điều phối viên quan hệ ASEAN – Trung Quốc, Singapore không thể “ra lệnh” cho tất cả các bên phải thống nhất quan điểm, cũng không thể thay mặt ASEAN đàm phán với Trung Quốc.

“Những gì tốt nhất chúng tôi có thể làm là một trung gian trung thực, cố gắng mang lại sự đồng thuận trong khả năng có thể.

Nếu không có quy tắc quốc tế về pháp luật mà chỉ là luật rừng, những nước lớn sẽ làm những gì họ muốn, còn những nước nhỏ yếu phải chịu, đó là những gì Thucydides đã mô tả.

Vậy thì lúc đó thế giới này sẽ không còn chỗ dung thân cho một nước nhỏ như Singapore.” Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế trong khu vực.

Ông lưu ý thêm, Singapore công nhận một thực tế là các nước lớn không phải lúc nào cũng tuân thủ quy tắc, điều này không chỉ đúng với Trung Quốc, mà còn đã từng xảy ra với Hoa Kỳ, Anh quốc.

Tuy nhiên theo Thủ tướng Lý Hiển Long, một nguyên tắc quan trọng đối với Singapore và hầu hết các nước ASEAN là tôn trọng luật pháp quốc tế.

Mặc dù ASEAN không thể hiện lập trường chung về Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông, nhưng bảy hay tám thành viên đã công khai ủng hộ Phán quyết Trọng tài.

Chính sách đối ngoại độc lập của Singapore

Thủ tướng Lý Hiển Long tin rằng, không có vấn đề duy nhất xác định toàn bộ mối quan hệ với các nước khác. Những gì Singapore đang làm là cố gắng thúc đẩy mọi thứ tiến bộ khi làm việc với các nước.

“Trong trường hợp quốc gia nào đó không đồng ý, chúng tôi cũng chỉ chấp nhận rằng có những quan điểm khác nhau, vì không có vấn đề duy nhất xác định toàn bộ mối quan hệ với các nước khác.”

Một mối quan hệ đối ngoại luôn luôn bao gồm nhiều mặt, bao gồm thương mại, giao lưu nhân dân, hợp tác giáo dục và du lịch…nên cần nhiều nỗ lực để những vấn đề khó khăn không bao trùm toàn bộ gam màu của mối quan hệ đó.

Trước câu hỏi về việc ông có lo ngại Singapore ngày càng bị kêu gọi “chọn bên” trong tranh chấp Biển Đông và các hậu quả nếu Singapore “chơi” với nhiều vai cùng lúc hay không, Thủ tướng Lý Hiển Long trả lời:

“Tôi nghĩ rằng chúng tôi không bao giờ chơi nhiều vai. Chúng tôi phải có một lập trường, quan điểm của mình, và chúng tôi luôn đứng trên lập trường của chúng tôi khi nói chuyện với bất kỳ ai.

Bạn không thể có thông điệp khác nhau cho những nước khác nhau, bởi vì bạn sẽ sớm gặp phải những rắc rối rất nghiêm trọng.

Chính sách đối ngoại cơ bản của Singapore là làm bạn với tất cả các nước sẵn sàng làm bạn với Singapore.

Sẽ dễ dàng hơn nếu họ cũng là bạn bè của nhau, nhưng theo thời gian sẽ có vấn đề giữa những người bạn của chúng tôi.

Và chúng tôi sẽ phải quyết định chọn nơi chúng tôi sẽ đứng và làm thế nào chúng tôi có thể cố gắng hết mình, gìn giữ tình bạn của chúng tôi với tất cả các bên.”

Bắc Kinh “khó chịu”

South China Morning Post ngày 30/9 cho biết, nhưng tranh cãi bất ngờ giữa Đại sứ Singapore tại Trung Quốc Stanley Loh với Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu Hồ Tích Tiến cho thấy Bắc Kinh đang “thất vọng sâu sắc” về Singapore. [3]

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhảy vào cuộc khẩu chiến bằng cách, đổ lỗi cho một “quốc gia cá biệt” không nêu đích danh, đã khuấy động căng thẳng ở Biển Đông tại Hội nghị cấp cao Phòng trào Không liên kết (NAM) ở Venezuela.

Hu Bo, một nhà nghiên cứu từ Đại học Bắc Kinh cho rằng, cả Trung Quốc và Singapore đều rất quan tâm đến việc bảo vệ thể diện cho đối phương và hiếm khi những bất đồng, khác biệt được tranh luận công khai trên mặt báo.

Tranh cãi giữa ông Stanley Loh với ông Hồ Tích Tiến chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến “hình ảnh Singapore trong mắt người dân Trung Quốc”, Hu Bo nói.

Trương Minh Lượng từ Đại học Kỵ Nam cho hay, ông rất ngạc nhiên khi Đại sứ Singapore công khai đáp lại bài xã luận của Thời báo Hoàn Cầu vốn nổi tiếng “lá cải” mà ai cũng biết.

Hứa Lợi Bình từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng:

“Nếu Singapore không điều chỉnh chính sách (?), tôi e rằng quan hệ song phương sẽ xấu đi. Singapore nên suy nghĩ kỹ về hợp tác an ninh của mình với Hoa Kỳ và một sự cân bằng tốt hơn trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ”.

 

 

RELATED ARTICLES

Tin mới