Xứ kim chi là quốc gia châu Á duy nhất trong danh sách các nước phát triển có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng nhất.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố bảng xếp hạng hàng năm tình trạng tham nhũng của các quốc gia trên thế giới. Danh sách này được xây dựng từ một loạt các cuộc phỏng vấn của WEF với lãnh đạo của 15.000 doanh nghiệp từ 141 nền kinh tế toàn cầu trong nửa đầu năm nay.
Xếp hạng tham nhũng của các quốc gia trên thế giới dựa trên câu trả lời cho ba câu hỏi chính; với câu trả lời được đưa ra theo bậc thang từ 1 đến 7; trong đó, mức 1 thể hiện tham nhũng ở mức độ thấp nhất và mức 7 là cao nhất.
1. Tại quốc gia của bạn, việc phân bố các nguồn vốn công một cách bất hợp pháp cho các công ty , cá nhân và nhóm có diễn ra thường xuyên không?
2. Tại quốc gia của bạn, bạn bình chọn tiêu chuẩn đạo đức của các chính trị gia ở mức nào?
3. Tại quốc gia của bạn, các khoản chi ngoài nguồn hoặc hối lộ có diễn ra thường xuyên không?
Danh sách của WEF cũng đã hé lộ 11 quốc gia phát triển có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng nhất trên thế giới.
Theo bảng xếp hạng này, Mexico có số điểm tham nhũng thấp nhất (2,5 điểm). Tội phạm có tổ chức, hối lộ và thao túng truyền thông là những hiện tượng khiến quốc gia Nam Mỹ này trở nên kém tin cậy trong mắt các nhà đầu tư. Có đến 9/11 quốc gia trong danh sách này nằm ở châu Âu. Slovakia, Italy, Hungary, Hy Lạp, CH Czech, Tây Ban Nha, Latvia, Ba Lan lần lượt giữ các vị trí tiếp theo sau Mexico.
Với 34 triệu USD tiền thuế bị thất thu mỗi năm, tại Hy Lạp, trốn thuế được miêu tả như một “môn thể thao quốc gia”. WEF đánh giá mức độ tham nhũng tại đây là 3,2 điểm. Xếp ngay sau đó là CH CZECH với mức độ tham nhũng là 3,3 điểm. Cựu Thủ tướng CH Czech, ông Petr Necas – người từng tự gọi bản thân mình là “Ngài với bàn tay sạch”, năm 2013 đã bị buộc phải từ chức sau một scandal tham nhũng với 6,5 triệu USD và 10 kg vàng thỏi được cho là thuộc quyền sở hữu của ông này.
CH Czech có số điểm tham nhũng được WEF đánh giá là 3,2
Hàn Quốc là quốc gia châu Á duy nhất nằm trong top 11, có số điểm 3,5 – xếp ở vị trí thứ 3, bằng với Latvia và sau Ba Lan. Theo WEF, tham nhũng đang là một vấn nạn tại đất nước này – nghiêm trọng đến mức, Hàn Quốc phải ra đạo luật cấm người dân tiêu quá 30.000 won (tương đương với hơn 600.000VNĐ) cho một bữa ăn khi mời các quan chức chính phủ, người làm nhà nước, nhà báo và giáo viên. Những người vi phạm sẽ phải đối mặt với mức án lên tới 3 năm tù.
Người dân Hàn Quốc có thể bị phạt tù nếu tiêu quá nhiều tiền vào việc mời cơm khách
Slovenia đứng đầu trong danh sách các quốc gia phát triển có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng nhất
Đứng đầu bản danh sách với số điểm cho tình trạng tham nhũng cao nhất là Slovenia với 3,7 điểm. Tham nhũng trong bộ máy chính trị và việc phân bổ các nguồn vốn nhà nước bất hợp pháp đang là những vấn nạn nghiêm trọng tại quốc gia Đông Âu này. Tháng Một 2013, hàng trăm nghìn người Slovenia đã tham gia biểu tình phản đối tình trạng tham nhũng của Chính phủ. Một tháng sau đó, Thủ tướng của nước này đã mất chức, và bị bắt giam với những cáo buộc liên quan đến tham nhũng.