40 máy bay, chiến đấu cơ của Trung Quốc bay ồ ạt, tiếp dầu ngay trên không, truyền thông Trung Quốc đả kích nữ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật.
Reuters đưa tin cho biết hôm 25/9, Trung Quốc đã triển khai hơn 40 máy bay ném bom và các chiến đấu cơ qua eo biển chiến lược Miyako sát quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư để tập trận tại khu vực Tây Thái Bình Dương, đồng thời tuần tra vùng nhận diện phòng không (ADIZ) mà nước này đơn phương thành lập ở biển Hoa Đông.
40 máy bay gồm cả loại ném bom H-6K, chiến đấu cơ Su-30 và máy bay tiếp dầu. Đội máy bay đã tiến hành diễn tập tấn công bất ngờ và có cảnh báo trước, tiếp nhiên liệu trên không, nhằm mục đích kiểm tra khả năng chiến đấu trên biển của các lực lượng Trung Quốc.
Thông báo này được đăng tải trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 25/9 cho biết rõ các cuộc tập trận ở phía tây Thái Bình Dương và tuần tra trên ADIZ là nhằm bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia của nước này.
Ngay sau đó, Nhật Bản đã có phản ứng mạnh mẽ tung chiến đấu cơ ra đối đầu.
Khi nhóm đầu tiên gồm tám máy bay Trung Quốc, trong đó có hai máy bay chiến đấu bay qua eo biển Miyako vào sáng 25/9, Nhật Bản đã đáp trả bằng cách triển khai máy bay chiến đấu, hãng tin Kyodo dẫn lời Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Ngày 26/9, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga nói rõ mặc dù máy bay Trung Quốc không vi phạm không phận Nhật nhưng đây là lần đầu tiên chiến đấu cơ Trung Quốc xuất hiện ở mũi Miyako. Bộ trưởng Suga cũng đồng thời bác bỏ cái Trung Quốc gọi là vùng nhận diện phòng không mà Trung Quốc đơn phương áp đặt trên vùng Senkaku.
Bloomberg dẫn lời ông Suga: “Chúng tôi không thể chấp nhận sự ám chỉ rằng không phận trên quần đảo Senkaku, vốn là một phần lãnh thổ của chúng tôi, lại thuộc về phía Trung Quốc”, ông Suga nói.
Eo biển Miyako là tuyến đường hàng hải, hàng không quốc tế đi ra Tây Thái Bình Dương. Nhưng theo các nhà phân tích quân sự, quy mô của cuộc tập trận hôm qua là “chưa từng có”.
Lý Kiệt, một nhà bình luận quân sự Bắc Kinh nói với South China Morning Post: “Điều này rất hiếm khi xảy ra, số lượng và chủng loại các máy bay quân sự tham gia tập trận lần này chưa từng thấy trước đây.”
Ông Kiệt cho rằng, cuộc tập trận này là một phản ứng với kế hoạch của Nhật Bản dự định tham gia tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông.
Antony Wong Dong, nhà bình luận quân sự Macau cho rằng: “Đó là một cảnh báo từ Bắc Kinh đến Nhật Bản, rằng nếu bạn đang đến và can thiệp vào Biển Đông, sau đó tôi sẽ thể hiện sức mạnh của mình trước cửa ngõ nhà bạn”.
Ông cho rằng, các cuộc tập trận ở Biển Đông và Hoa Đông đang ngày càng trở nên thường xuyên hơn, gia tăng cả quy mô lẫn tần suất.
Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu đã dẫn lại bài xã luận của tờ Nhân Dân nhật báo, trong đó chỉ trích những phát biểu mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tonomi Inada về vấn đề an ninh hàng hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Theo đó, tờ báo ngụy biện vụng về cho hành động chà đạp lên luật pháp quốc tế, thậm chí xuyên tạc về cái gọi là “chủ quyền Trung Quốc ở Biển Đông”.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu còn coi tuyên bố của bà Tomomi Inada là “ngoại giao pháo hạm” và đe dọa, Bắc Kinh có thể phản ứng bằng cách tăng tốc quân sự hóa hoặc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, các tuyên bố gần đây của Tokyo đã thách thức “giới hạn cuối cùng” của Bắc Kinh.
Thời báo Hoàn Cầu đề nghị, Bắc Kinh cần tăng cường sự tuần tra của cảnh sát biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bởi “Tokyo có thể sử dụng tranh chấp ở Biển Đông để tạo ra không gian dành cho Nhật Bản trên biển Hoa Đông”.
Theo TS. Nancy Snow đến từ Đại học Kyoto, chuyên gia về các vấn đề ngoại giao cho rằng, thông báo về hoạt động tuần tra của Nhật Bản ở Biển Đông do bà Tomomi Inada đưa ra khi có mặt ở Washington nhằm cảnh báo các hoạt động của Trung Quốc.
Đồng thời gửi một thông điệp đến Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản rằng, Tokyo sẽ hợp tác với Washington để thể hiện sức mạnh chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh.
South China Morning Post ngày 26/9 cho biết, một nhà khoa học tham gia phát triển công nghệ định vị toàn cầu Bắc Đẩu của Trung Quốc cho hay, hệ thống này đã đạt được độ chính xác tới centimet, ngang ngửa với GPS của Hoa Kỳ.
Hầu hết các đèn biển do Trung Quốc xây dựng, các căn cứ quân sự và tàu cá đã được sử dụng hệ thống định vị Bắc Đẩu từ năm 2012.
Đối với các căn cứ quân sự, hệ thống Bắc Đẩu cung cấp năng lực cải thiện an ninh chống can thiệp và chống đánh chặn. Chuyên gia này cho hay, hiện có khoảng 70% tàu cá Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông được trang bị định vị Bắc Đẩu.
Họ được hưởng lợi từ chức năng giao tiếp của hệ thống này, trong đó cho phép các thiết bị đầu cuối gửi tin nhắn ra ngoài cùng với thông tin, vị trí của họ.
Hệ thống định vị Bắc Đẩu hiện có 23 vệ tinh trong quỹ đạo. Bắc Kinh hy vọng sẽ có thêm 20 vệ tinh được phóng lên vào năm 2020 cho mạng lưới này.
Bắc Kinh đã thuyết phục được một số nước châu Á như Lào và Pakistan sử dụng miễn phí dịch vụ định vị Bắc Đẩu. Trung Quốc đang chào hàng dịch vụ này tới các quốc gia tham gia hệ thống “Một vành đai, một con đường”