Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPakistan đem TQ ra để “dọa” Ấn Độ

Pakistan đem TQ ra để “dọa” Ấn Độ

Cố vấn Thủ tướng về Ngoại giao và An ninh của Pakistan đã “dọa” rằng, nếu Ấn Độ chặn nguồn nước vào Pakistan thì Bắc Kinh sẽ làm điều tương tự với New Delhi.

Một phái đoàn do Tổng chưởng lý Pakistan, ông Ashtar Ausaf Ali, đã gặp các quan chức cấp cao của Ngân hàng Thế giới tại trụ sở chính của cơ quan này ở Washington, Mỹ để thảo luận về các vấn đề liên quan đến yêu cầu xin trọng tài tranh chấp giữa nước này và Ấn Độ theo Điều IX của Hiệp ước nước Indus năm 1960.

Trước đó, ngày 19/9, Pakistan đã chính thức yêu cầu Ấn Độ giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc New Delhi xây dựng các nhà máy thủy điện Kishenganga trên sông Neelum và Ratle trên sông Chenab, bằng cách đưa các vấn đề này ra phân xử tại tòa trọng tài, theo Điều IX của Hiệp ước nước Indus. Theo hiệp ước này, Ngân hàng Thế giới sẽ đóng vài trò quan trọng trong việc thành lập một Tòa án trọng tài, bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình bổ nhiệm 3 vị trọng tài của tòa án. Ngoài ra, mỗi quốc gia tham gia vụ kiện có quyền được chỉ định 2 trọng tài viên.

Sự việc đã vượt ra khỏi khuôn khổ tranh chấp pháp lý khi Cố vấn Thủ tướng về Ngoại giao và An ninh của Pakistan, ông Sartaj Aziz tuyên bố: Một nỗ lực của Ấn Độ nhằm chặn nguồn nước vào Pakistan có thể được xem như là một hành động chiến tranh.

Phát biểu tại Quốc hội nước này, ông Aziz thậm chí còn đem Trung Quốc ra “dọa” Ấn Độ khi nói rằng: Trung Quốc sẽ có cớ để chặn nguồn nước vào Ấn Độ nếu New Delhi làm điều tương tự với Pakistan.

Theo ông Aziz, luật pháp quốc tế cấm Ấn Độ đơn phương thay đổi Hiệp ước nước Indus năm 1960. Ngay cả trong các cuộc chiến tranh Kargil và Siachen, nó cũng không bị mất đi hiệu lực.

Về phía New Delhi, hôm 26/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thảo luận với các quan chức của nước này để xem xét các quy định của Hiệp ước nước Indus với Pakistan và tăng cường sử dụng nước sông ở Ấn Độ. Trong cuộc họp này, ông Modi đã nhấn mạnh “nước và máu không thể chảy cùng một lúc”.

Hiệp ước nước Indus năm 1960 đã được Ấn Độ và Pakistan đàm phán dưới sự bảo trợ của Ngân hàng Thế giới. Theo hiệp ước, Ấn Độ có quyền đầy đủ để sử dụng nước của các sông phía Đông (Ravi, Chenab và Beas) và Pakistan có quyền với các sông phía Tây (bao gồm Indus, Jhelum, Chenab) với sự cho phép hạn chế của Ấn Độ về sử dụng nước từ các con sông miền Tây cho các mục đích như phát điện.

Geo News cho biết, Hiệp ước nước Indus cung cấp tiêu chuẩn thiết kế riêng cho các nhà máy thuỷ điện được xây dựng bởi Ấn Độ. Trong khi đó, các nhà máy thủy điện Kishenganga và Ratle do Pakistan xây dựng đã vi phạm thông số thiết kế của hiệp ước này.

Về phía Trung Quốc, khi tranh chấp giữa Pakistan và Ấn Độ còn chưa ngã ngũ, nếu Bắc Kinh lên tiếng hay có bất kỳ động thái nào thể hiện sự ủng hộ với đồng minh Pakistan, hay quyết định nào (nếu có) của tòa trọng tài, thì chẳng khác nào “há miệng mắc quai”. Bởi, Trung Quốc đã bác bỏ thẩm quyền và phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện Philippines – Trung Quốc thì không có tư cách để ủng hộ phán quyết của một tòa trọng tài khác.

RELATED ARTICLES

Tin mới