Friday, November 15, 2024
Trang chủĐiểm tinẤn Độ đã có một lựa chọn khác để tiếp cận Đông...

Ấn Độ đã có một lựa chọn khác để tiếp cận Đông Nam Á

Bỏ qua Singapore, Ấn Độ đã có một lựa chọn khác để tiếp cận Đông Nam Á.

Gần đây, tập đoàn đa quốc gia Tata của Ấn Độ đã khánh thành một văn phòng mới ở Myanmar và nhiều khả năng sẽ mở rộng hoạt động sang các nước Đông Nam Á khác. Rất nhiều công ty con của Tata đã có mặt tại Myanmar.

Tata đã hành động rất “có chiến lược” khi tiếp cận các thị trường mới với nhiều loại hình kinh doanh ngoài tài nguyên thiên nhiên. 

Bằng cách thâm nhập vào những lĩnh vực như công nghệ thông tin và nông nghiệp, Tata đã đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng: Không như các công ty Trung Quốc, công ty của Ấn Độ không chỉ quan tâm tới tài nguyên thiên nhiên mà còn muốn tạo điều kiện cho người dân bản địa.

Vốn duy trì quan hệ gần gũi trong suốt thập kỷ qua, Myanmar đang đóng vai trò “cầu nối” giữa Ấn Độ và Đông Nam Á. Hiện nay, Chính phủ Myanmar đang nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận. Myanmar chắc chắn sẽ trở thành một điểm đến đầu tư quan trọng. 

Theo Diplomat (Nhật Bản), với nhiều đặc tính địa lý tương đồng, cùng mối quan hệ chính trị giữa hai bên và sự e ngại ngày càng gia tăng trước các doanh nghiệp Trung Quốc, các nhà đầu tư Ấn Độ đang có cơ hội dẫn đầu tại Myanmar.

Hiện tại, đầu tư Ấn Độ thấp hơn Trung Quốc rất nhiều. Trong giai đoạn 2015-2016, đầu tư Ấn Độ ở vào khoảng 224 triệu USD, còn đầu tư của Trung Quốc lên đến hơn 3 tỉ USD.

Tuy nhiên, Myanmar lại quyết tâm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc và tìm kiếm một phương án thay thế. Khác với Trung Quốc, các nhà đầu tư Ấn Độ không gây bất mãn cho các nước sở tại ở Đông Nam Á và châu Phi bởi chí ít, hoạt động kinh doanh của họ còn tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Một số dự án hạ tầng quan trọng đang được thi công như đường cao tốc Ấn Độ – Myanmar – Thái Lan và dự án vận tải liên quốc tế Kaladan sẽ nâng cao khả năng kết nối và lưu thông giữa Ấn Độ với Myanmar, từ đó tới các nước Đông Nam Á khác. Các kế hoạch tăng cường kết nối đường không cũng đang được tính đến.

Nhưng Myanmar không phải là tất cả những gì New Delhi có.

Mối quan hệ kinh tế với ASEAN nói chung và các nước CMLV (Campuchia, Myanmar, Lào và Việt Nam) nói riêng đã có những bước tiến mạnh mẽ. Quan hệ song phương giữa 2 bên vào năm 2000 chỉ ở mức 460 triệu USD nhưng tới năm 2014 đã tăng lên 11,85 tỉ USD.

Chính phủ Ấn Độ cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này. New Delhi đã thông qua Quỹ Phát triển Dự án trị giá 75 triệu USD để thúc đẩy đầu tư.

Những công ty tư nhân như Tata được ưu tiên đặc biệt và họ nhận thấy được tiềm năng ở các nước CMLV. Bởi trên thực tế, các nước này là bộ máy tăng trưởng với yếu tố nhân khẩu phù hợp.

Đây là một sự thay đổi rõ nét trong chiến lược của Ấn Độ. Trước kia, New Delhi coi Singapore là “cửa ngõ” vào Đông Nam Á của mình vì mối quan hệ chính trị và kinh tế chặt chẽ giữa hai bên. Giờ đây, với một Myanmar đầy triển vọng, liệu Ấn Độ có thực hiện được chính sách hướng Đông “Act East” của mình?

RELATED ARTICLES

Tin mới