Cố vấn Trung Quốc nói với South China Morning Post về một thỏa hiệp giữa ông Obama với ông Tập Cận Bình xung quanh vấn đề Biển Đông rất đáng lưu tâm.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: SCMP.
South China Monring Post ngày 30/9 đưa tin, một số nhà quan sát Trung Quốc nhận định, dường như Nhà Trắng muốn ổn định quan hệ với Trung Nam Hải trong những tháng cuối cùng của chính quyền Obama.
Việc Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ can thiệp, ra lệnh cho các quan chức Lầu Năm Góc không nhắc đến “cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung” hay những điều tương tự làm nóng quan hệ hai nước, là dấu hiệu cho thấy Washington muốn giảm bớt căng thẳng với Bắc Kinh ở Biển Đông.
Navy Times, ấn phẩm hàng tuần dành cho quân nhân Mỹ và gia đình họ, ngày 26/9 đã dẫn 4 nguồn tin độc lập nói về điều này. Nhà Trắng lệnh cho giới chức Lầu Năm Góc hạn chế bình luận gây căng thẳng quan hệ với Trung Quốc.
Su Hao, một giáo sư về quan hệ quốc tế Đại học Ngoại giao Trung Quốc nhận định, những phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter và các thành viên Lầu Năm Góc thường gây ấn tượng, Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh, đối đầu.
Quan hệ Trung – Mỹ dường như đã bị bao phủ bởi vấn đề Biển Đông, hoặc đối đầu quân sự, mà không lột tả toàn diện quan hệ song phương, ông Su Hao bình luận.
Tổng thống Mỹ Barack Obama không muốn để lại di sản quan hệ Trung – Mỹ hỗn loạn cho người kế nhiệm. Vì vậy Nhà Trắng phải cẩn thận xem xét làm thế nào để ổn định quan hệ.
Lý Kiệt, một chuyên gia về hải quân từ Bắc Kinh nói với South China Morning Post, chỉ thị của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho thấy Nhà Trắng đang lo lắng, thái độ của Lầu Năm Góc có thể phản tác dụng đối với quan hệ Trung – Mỹ.
Một cố vấn chính thức của chính phủ Trung Quốc, chuyên gia quan hệ Trung – Mỹ giấu tên cho biết, Nhà Trắng và Trung Nam Hải đã đạt được một thỏa thuận không kích hoạt xung đột trực tiếp ở Biển Đông.
Ví dụ ông cho biết là, Mỹ rút tàu sân bay USS John C. Stennis về Hawaii ngày 5/7, một tuần trước khi PCA công bố Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đã cam kết một số thỏa hiệp, không chắc họ sẽ xây dựng đảo nhân tạo ở Scarborough hoặc tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.
Cả hai bên đều không muốn leo thang căng thẳng, muốn đàm phán thông qua các quan chức dân sự, giải quyết vấn đề Biển Đông bằng con đường ngoại giao.
Cá nhân người viết cho rằng, thông tin từ cố vấn Trung Quốc nói với South China Morning Post về một thỏa hiệp giữa ông Obama với ông Tập Cận Bình xung quanh vấn đề Biển Đông rất đáng lưu tâm.
Nó phù hợp với những gì đã diễn ra ngoài thực địa, đồng thời cũng phù hợp với một báo cáo của Reuters, rằng các quan chức Mỹ như Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại trưởng đã điện đàm trực tiếp với lãnh đạo một số nước trước hôm 12/7 lưu ý, đừng làm mất mặt Trung Quốc.
Tuy nhiên với những gì đang diễn ra trong cuộc đua vào Nhà Trắng và thái độ công khai ủng hộ bà Hillary Clinton của ông Obama, có thể thấy:
Không loại trừ khả năng ông chủ Nhà Trắng cần sự hỗ trợ của Trung Nam Hải, để bà cựu Ngoại trưởng có thể kế nhiệm mình một cách thuận lợi, trước sự xuất hiện đầy bất ngờ và khó dự đoán của Donald Trump.
Như vậy, người viết cho rằng có thể lý giải được những quyết sách đối ngoại của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là có căn cứ.
Ông Rodrigo Duterte không lịch thiệp như ông Obama, cũng không biết hoặc không muốn xây dựng hình ảnh như ông chủ Nhà Trắng. Đó là một thực tế rõ ràng.
Nhưng người viết thiết nghĩ rằng, Rodrigo Duterte hiểu đâu là lợi ích quốc gia, dân tộc Philippines hơn là Barack Obama.
Cũng như thế, phần đông dư luận truyền thông quốc tế và Việt Nam không ưa Donald Trump, nhưng nếu người Mỹ có chọn Trump làm Tổng thống thứ 45 thì là do họ có cái lý của họ.