Wednesday, January 8, 2025
Trang chủBiển nóngTàu cá TQ thấy chỗ nào đánh bắt được là kéo đến

Tàu cá TQ thấy chỗ nào đánh bắt được là kéo đến

Vụ 3 thuyền viên Trung Quốc thiệt mạng trong cuộc đối đầu với cảnh sát biển Hàn Quốc ngày 29-9 một lần nữa cho thấy sự khốc liệt trong cuộc chiến chống đánh bắt cá trái phép.

Khi bị truy bắt, các tàu Trung Quốc kết lại thành nhóm để gây khó khăn và thoát thân khỏi lực lượng chức năng nước sở tại – Ảnh: AFP

Tuy nhiên, ngư dân Trung Quốc cũng không phải dạng dễ bị ức hiếp và sự việc phải đến một mức độ nào đó mới buộc lực lượng tuần duyên Hàn Quốc mạnh tay.

Từ các vùng biển châu Á đến tận cực nam châu Phi và bên kia bờ đại dương châu Mỹ, đâu đâu người ta cũng thấy tàu cá Trung Quốc xuất hiện. Không chỉ vài chục mà là hàng trăm chiếc sẵn sàng xâm nhập và đánh bắt cá trộm trong vùng biển của 
nước khác.

Chiến thuật “biển tàu”

Thực tế, các vùng biển tại Trung Quốc từ lâu đã “không còn cá” vì kiểu khai thác tận diệt của chính ngư dân nước này, đặc biệt tại biển Hoa Đông.

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc hồi tháng 8 đã yêu cầu ngư dân nước này không đóng thêm tàu để “bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong nước”.

Không đánh bắt được cá ở vùng biển gần, các tàu Trung Quốc bắt đầu tiến ra các vùng biển xa hơn, xâm nhập vùng biển của nước khác.

Để đối phó với lực lượng tuần duyên các nước, các tàu Trung Quốc thường đi thành nhóm với số lượng hàng chục chiếc và thường nhân đêm tối lẻn vào đánh bắt trộm.

Khi bị phát hiện và bị truy đuổi, các tàu này sẽ chạy ra vùng biển quốc tế hoặc kêu gọi những tàu gần đó “hợp lực” liên kết thành một chiếc bè khổng lồ đối phó với lực lượng nước sở tại.

Đối với các nước có lực lượng tuần duyên quy mô nhỏ, vùng biển rộng thì chiến thuật “khắc nhập khắc xuất” của tàu Trung Quốc tỏ ra hiệu quả.

Điển hình như tại khu vực Đông Phi và Tây Phi, các nước tại khu vực này gần như bất lực trước đội tàu cá của Trung Quốc bởi không đủ ngân sách và tàu công vụ để ngăn chặn tàu Trung Quốc.

Với các tàu cá bản địa, ỷ thế tàu lớn và số lượng đông, các tàu Trung Quốc thường dùng chiêu quấy rối, xua đuổi hay thậm chí cắt lưới của tàu nước sở tại để giành vùng đánh bắt.

Trong nhiều trường hợp, các tàu Trung Quốc với ưu thế về số lượng còn quay ngược lại tấn công các tàu công vụ của nước sở tại để thoát thân hoặc giải cứu các tàu bị bắt giữ.

Nhiều vụ như thế này đã biến thành bạo lực đổ máu, điển hình như vụ một sĩ quan Hàn Quốc bị thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc đâm chết hồi năm 2011.

Sự việc sau đó đã đẩy quan hệ giữa hai nước Hàn Quốc và Trung Quốc lên mức căng thẳng. Nhiều vụ biểu tình phản đối Trung Quốc diễn ra tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc.

Tại Biển Đông, được sự hỗ trợ của chính phủ về xăng dầu, thiết bị định vị và trợ giá hải sản, hàng trăm thậm chí hàng ngàn tàu cá từ đảo Hải Nam luôn sẵn sàng tràn xuống vùng biển phía dưới.

Đánh bắt trộm đã đành, các tàu Trung Quốc còn tranh thủ vơ vét và khai thác theo kiểu tận diệt, tàn phá hệ sinh thái biển của nhiều nước.

Trước thực trạng này, một số quốc gia, điển hình như Indonesia, bất chấp quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc đã thực hiện chính sách mạnh tay với các tàu cá trái phép.

Được bảo kê 
nên càng hung hăng

Nói với báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong, một ngư dân Trung Quốc thừa nhận các chuyến đi ở Biển Đông không lời được bao nhiêu nhưng có chính quyền “bảo kê” nên họ vẫn chấp nhận đi.

“Đúng là có hơi liều lĩnh khi đánh bắt cá ở quần đảo Trường Sa, nhưng chúng tôi ở không xa nơi các binh sĩ đóng trú bao nhiêu. Nếu có bất trắc, chúng tôi sẽ gửi tín hiệu cầu cứu và họ sẽ đến giải cứu ngay lập tức. Không vấn đề gì cả” – ngư dân Fu Zhongzheng tiết lộ.

Nhiều chuyên gia lo ngại một số tàu cá Trung Quốc thực chất là tàu bán vũ trang, tàu trinh sát cải trang làm nhiệm vụ thăm dò các nước khác.

Đáng quan ngại nhất là lực lượng dân quân biển, vốn bị xem là công cụ dân sự để khẳng định chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông.

Như trong tháng 3 vừa qua, chính quyền Indonesia tố một tàu hải cảnh Trung Quốc đã cố gắng giải cứu một tàu cá Trung Quốc đang bị tàu công vụ Indonesia áp tải vì đánh bắt trộm.

Được hỗ trợ về mọi mặt, ngư dân Trung Quốc dường như xem biển của nước khác như ao nhà của họ và ngày càng liều lĩnh.

Không chỉ hung hăng với các tàu cá và tàu công vụ nước khác, ngư dân Trung Quốc còn giở thói hung bạo với chính người Trung Quốc.

Theo SCMP, chỉ tính riêng trong năm 2015 đã có 10 người thiệt mạng trong các vụ tranh giành vùng đánh bắt cá giữa các ngư dân Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới