Chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Rodrigo Duterte tới Trung Quốc có thể là cơ hội để hai nước thiết lập liên minh mới ở khu vực Đông Á sau khi nhà lãnh đạo Philippines có những tuyên bố ám chỉ ý định “chia tay” Mỹ.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ tới Bắc Kinh từ ngày 19 – 21/10.
Dưới thời Tổng thống Barack Obama, mối quan hệ giữa Philippines và Mỹ được xem là một trong những trụ cột chính trong chiến lược cân bằng sức mạnh quân sự của Washington tại châu Á. Tuy nhiên, quan hệ đồng minh hai nước trở nên căng thẳng kể từ khi ông Duterte lên nắm chức Tổng thống Philippines cách đây 3 tháng. Thậm chí ông Duterte còn có những lời lẽ xúc phạm nặng nề người đồng cấp Mỹ sau khi Tổng thống Obama lên tiếng chỉ trích chiến dịch chống ma túy “hành quyết không qua xét xử” của Tổng thống Philippines khiến hơn 3.100 người thiệt mạng.
Ông Duterte còn nhấn mạnh Philippines sẽ theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập hơn so với người tiền nhiệm. Cụ thể, Manila sẽ xích lại gần Bắc Kinh dù quan hệ hai nước rơi vào căng thẳng trong nhiều năm qua liên quan tới tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Ngoài Trung Quốc, ông Duterte còn có ý định thiết lập liên minh với Nga.
“Kể từ khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền, quan hệ Trung Quốc và Philippines đã trở nên thân thiết hơn. Thời kỳ u ám đã đi qua. Mặt trời đang hé dần phía chân trời và sẽ tỏa sáng khi hai nước bước sang chương mới trong quan hệ song phương”, Reuters dẫn lời đại sứ Trung Quốc tại Manila, ông Zhao Jianhua.
Ông Duterte sẽ thực hiện chuyến thăm Bắc Kinh từ ngày 19 – 21/10 và tham dự các cuộc thảo luận với cả nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường. Tháp tùng ông Duterte trong chuyến thăm lần này là hơn 20 doanh nghiệp Philippines.
Mức độ thành công chuyến thăm của ông Duterte sẽ được xem là thước đo đánh giá khả năng giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa hai nước. Tổng thống Duterte vẫn hy vọng Trung Quốc tuân thủ phán quyết hồi tháng Bảy của Tòa trọng tài đồng thời cho phép ngư dân Philippines quay trở lại đánh bắt ở ngư trường truyền thống gần bãi cạn Scarborough. Song Bắc Kinh vẫn khẳng định không công nhận phán quyết của Tòa trọng tài về việc phủ nhận tuyên bố chủ quyền phi lý “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông.
“Ông Duterte khiến chúng tôi phải suy nghĩ lại chính sách của mình. Chúng tôi cần đáp lại thiện tình của nhà lãnh đạo Philippines”, Reuters dẫn lời một nguồn tin thân cận của nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Việc giành lại quyền khai thác ở bãi cạn Scarborough cho ngư dân Philippines sẽ là chiến thắng lớn đối với ông Duterte khi mà nhà lãnh đạo này nhận được 92% ủng hộ từ người dân trong nước sau một cuộc khảo sát gần đây.
“Khi ông Duterte tới thăm Trung Quốc, chương trình nghị sự của Tổng thống Philippines sẽ tập trung vào lĩnh vực hợp tác thương mại, đầu tư và đánh bắt với Trung Quốc bao gồm khu vực bãi cạn Scarborough”, một quan chức giấu tên trong Bộ Ngoại giao Philippines cho hay.
Còn theo Giáo sư Zha Daojiong tại Đại học Peking Trung Quốc, hoạt động đánh bắt ở bãi cạn Scarborough đối với ngư dân Philippines sẽ có thể được khôi phục sau chuyến thăm của Tổng thống Duterte. Tuy nhiên, thỏa thuận giữa hai nước sẽ chỉ bằng miệng chứ không phải bằng văn bản để tránh phải thừa nhận phán quyết của Tòa trọng tài.
Thực tế, Trung Quốc vẫn chưa lên tiếng xác nhận chuyến thăm của ông Duterte và Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ tuyên bố hoan nghênh nhà lãnh đạo Philippines thực hiện chuyến thăm trong thời gian sớm nhất. Sau khi tới Bắc Kinh, ông Duterte sẽ sang Nhật Bản.
“Về phong cách và đường lối ngoại giao, ông Duterte thể hiện sự khác biệt so với người tiền nhiệm cựu Tổng thống Benigno Aquino III. Ông ấy muốn cân bằng mối quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia thay vì chỉ phụ thuộc vào Mỹ”, ông Zha nói.
Hồi tháng trước, ông Duterte đã có tuyên bố gây sốc cho rằng quân đội Philippines sẽ không tham gia tuần tra chung trên biển với Hải quân Mỹ trong suốt 6 năm nhiệm kỳ của ông này và kêu gọi lực lượng đặc nhiệm Mỹ rút quân khỏi khu vực phía nam Philippines.
Về phần mình, Mỹ khẳng định quan hệ với Philippines vẫn tốt đẹp. “Trong nhiều thập niên, quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines được xem là pháo đài thép”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho hay.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng quan hệ hai nước đang trong thời kỳ rạn vỡ. “Giới chức Washington nên suy nghĩ thận trọng về quan hệ Mỹ – Philippines, đặc biệt là vấn đề liên quân như tập trận quân sự và khả năng Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự ở Philippines. Thậm chí, nếu ông Duterte đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh trên Biển Đông, đây sẽ là cơ hội giúp Trung Quốc tiếp tục khẳng định chủ quyền đơn phương trên vùng biển chiến lược”, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông tại Viện ISEAS Yusof Ishak ở Singapore, ông Ian Storey chia sẻ.