Sunday, January 5, 2025
Trang chủBiển nóngMỹ đã sẵn sàng chặn đứng tham vọng của TQ ở Biển...

Mỹ đã sẵn sàng chặn đứng tham vọng của TQ ở Biển Đông

Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục thực thi quyền đi lại tự do ở Biển Đông để đáp trả việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa các đảo nhân tạo trong khu vực.

Siêu máy bay ném bom chiến lược tàng hình tầm xa B-2 Spirit sẽ là “đòn răn đe” mạnh
nhất mà Mỹ sử dụng nhằm đối phó với tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: AP

Theo National Interest, thông tin trên được Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah James đưa ra trong bối cảnh giới chức Mỹ coi hành động phi pháp nói trên của Trung Quốc là “rất đáng lo ngại” và tuyên bố mối quan hệ Mỹ-Trung hiện nay là “hết sức phức tạp”.

Răn đe tham vọng cải tạo đảo của Trung Quốc

Bà James cáo buộc Trung Quốc không ngừng mở rộng quy mô cải tạo đảo trái phép ở Biển Đông và xây dựng rất nhiều công trình phi pháp trên đó. Theo đó, Trung Quốc được cho là đã hoàn tất việc cải tạo hơn 16km2 đảo nhân tạo và xây dựng trên đó đường băng, sở chỉ huy, trạm kiểm soát không lưu. Ngoài ra, Trung Quốc còn điều các máy bay chiến đấu, pháo phòng không và tên lửa đất đối không ra các đảo nói trên.

“Trung Quốc là một nước lớn quan trọng trong khu vực và trên thế giới và đang rất muốn mở rộng tầm ảnh hưởng về quân sự của mình. Chúng tôi đã nhận được những thông tin về các sở chỉ huy, trạm kiểm soát không lưu và đường băng nói trên”, bà James nói.

Bà James cho biết, trong 2 tuần qua, bà đã liên tục công du các nước đồng minh của Mỹ tại châu Á. “Tại bất kỳ nước nào chúng tôi đến, chúng tôi cũng đều tiến hành các cuộc trao đổi về tình hình Biển Đông. Hành vi cải tạo đảo phi pháp của Trung Quốc dường như không có dấu hiệu suy giảm và đó là điều rất đáng lo ngại”, bà James nói.

Theo bà James, trước những hành vi cố ý khiêu khích của Trung Quốc, Mỹ sẽ tiến hành các hoạt động nhằm thực thi quyền tự do đi lại của các tàu chiến và máy bay chiến đấu của nước này trong khu vực.

Để thể hiện rõ hơn quan điểm của mình, bà James dẫn lại việc vài năm trước, Trung Quốc ngang nhiên thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông bất chấp sự phản đối của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đáp lại, Mỹ đã điều các máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52 bay qua khu vực này để thể hiện quyền tự do đi lại trên không mà không hề vấp phải bất kỳ sự phản đối và phản ứng nào của Trung Quốc như nước này vẫn đe dọa khi thiết lập ADIZ tại đây.

“Chúng tôi muốn duy trì quan hệ tốt đẹp và cân bằng với Trung Quốc nhưng chúng tôi cũng muốn Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế. Rõ ràng, việc tiến hành thêm các chiến dịch tương tự là hoàn toàn có thể xảy ra”, bà James cảnh báo.

Thách thức ý đồ thiết lập ADIZ ở Biển Đông

Trước đó, tờ South China Morning Post dẫn lời quan chức ngoại giao Trung Quốc tuyên bố nước này đang có ý định đơn phương thiết lập thêm ADIZ ở Biển Đông.

Trước thông tin đó, bà James khẳng định, Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục phản ứng mạnh mẽ trước “hành vi mang nặng tính khiêu khích” của Trung Quốc.

Điều này là bởi, theo bà James, ADIZ mà Trung Quốc dự định đơn phương thiết lập ở Biển Đông sẽ bao trùm tuyến đường biển quan trọng về cả an ninh và thương mại toàn cầu. Theo đó, có tới 80% lượng khí đốt trên toàn cầu được vận chuyển qua đây.

“ADIZ mà Trung Quốc muốn thiết lập ở Biển Đông có ý đồ vượt xa ý nghĩa biểu tượng thông thường”, bà James cảnh báo.

Theo bà James, các đồng minh của Mỹ trong khu vực đang yêu cầu Không quân Mỹ tăng cường sự hiện diện trong khu vực. Hiện Không quân Mỹ có khoảng 45.000 binh sĩ ở nhiều căn cứ trên khắp Thái Bình Dương và Mỹ sẽ tiếp tục điều các “máy bay ném bom chiến lược tầm xa” như B-1, B-2 và B-52 tham gia các chiến dịch thực thi quyền đi lại tự do ở Biển Đông.

“Tất cả các đồng minh của chúng tôi đều muốn Không quân Mỹ hỗ trợ huấn luyện các binh sĩ của họ và tiến hành các cuộc tập trận chung một cách thường xuyên hơn”, bà James cho biết.

Vô hiệu hóa yêu sách “đường 9 đoạn” trên thực địa

Không chỉ phản đối âm mưu thiết lập ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ và đồng minh còn lên án mạnh mẽ yêu sách “đường 9 đoạn” của nước này trong khu vực vốn bị phán quyết từ Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) khẳng định là “vô giá trị và không có bằng chứng lịch sử hay pháp lý”.

Cũng theo phán quyết này, các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông không được coi là “đảo thực sự” để có thể xác định chủ quyền lãnh thổ 12 hải lý trên biển.

Phán quyết từ PCA viện dẫn Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, trong đó một thực thể được xác định là “đảo” khi đó là “một vùng đất được hình thành một cách tự nhiên và nổi trên mặt nước khi thủy triều lên”. Cũng theo Điều 60 của UNCLOS: “Các đảo nhân tạo không được tính làm căn cứ để xác định chủ quyền lãnh thổ trên biển”.

Chính vì thế, các quan chức Hải quân Mỹ khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục điều các tàu Hải quân của mình áp sát các đảo nhân tạo nói trên như trước đây đã từng làm bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Trước đó, cùng với các máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52, Mỹ cũng đã điều các tàu khu trục USS Wilbur Smith, USS Lassen và USS William P.Lawrence đến tuần tra quanh các đảo nhân tạo nói trên.

Người phát ngôn Hải quân Mỹ, Đại úy Terry Loren nhấn mạnh: “Biển Đông là vùng biển quốc tế và Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành mọi hoạt động của mình tại đây.

Mỹ ủng hộ mạnh mẽ việc tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và thực hiện quyền tự do hàng hải, hàng không và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”.

RELATED ARTICLES

Tin mới