Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển nóngCuộc so găng quân lực khốc liệt Trung-Mỹ

Cuộc so găng quân lực khốc liệt Trung-Mỹ

Chiến lược xoay trục của Mỹ và sức mạnh quân sự không ngừng gia tăng của Trung Quốc trở thành một cuộc đối đầu khốc liệt ở châu Á-Thái Bình Dương.

Mỹ tập trung 60% quân lực về châu Á-Thái Bình Dương

Truyền thông Mỹ vừa qua dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết, kế hoạch “Xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương” nằm trong chiến lược “Tái cân bằng” của Mỹ đã bước vào giai đoạn 3 – giai đoạn quyết định sự đối đầu quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc.

Sau khi chiến lược “Tái cân bằng” được Tổng thống Mỹ Barak Obama đề xướng vào năm 2011, giai đoạn 1 của chiến lược này chú trọng vào việc điều chỉnh cơ cấu quân lực toàn cầu, dịch chuyển quân số và trang bị quân sự đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đến năm 2015, Lầu Năm Góc bước vào giai đoạn 2 của chiến lược “Tái cân bằng” với mục tiêu là nâng cao chất lượng vũ khí trang bị, đồng thời nỗ lực tăng cường và mở rộng quan hệ với các đồng minh và đối tác của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương.

Hiện nay, Lầu Năm Góc bắt đầu bước vào giai đoạn 3 của chiến lược “Tái cân bằng”, với mục tiêu trọng điểm là nâng cao và củng cố ưu thế về lực lượng quân sự Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời tiếp tục kiến tạo một cấu trúc an ninh khu vực toàn diện và đúng nguyên tắc.

Theo đó, quân đội Mỹ sẽ tiếp tục củng cố và phát triển những thành quả đã có được trong giai đoạn 2, đồng thời điều động nhiều hơn nữa các loại trang bị quân sự và vũ khí đến khu vực này, hoàn thiện việc bố trí lực lượng, hoạch định các kế hoạch tác chiến cơ bản.

Theo các quan chức Lầu Năm Góc, đây sẽ là kế hoạch điều chỉnh quân lực lớn nhất của Mỹ trong nửa thế kỷ qua. Dự kiến, 60% lực lượng hải quân và không quân đồn trú ở nước ngoài của Mỹ sẽ được triển khai tại khu vực châu Á Thái Bình Dương trước năm 2020.

Các trang bị tiên tiến nhất của quân đội Mỹ sẽ được điều động về đây bao gồm các chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II, máy bay trinh sát chống ngầm P-8A Poseidon, máy bay trinh sát không người lái chiến lược RQ-4 Global Hawk, siêu khu trục hạm lớp Zumwalt.

Bên cạnh đó, Washington sẽ nỗ lực hoàn tất việc phát triển một thế hệ máy bay ném bom chiến lược công nghệ tiên tiến, các thiết bị lặn không người lái thế hệ mới và kỹ thuật không gian và kỹ thuật thông tin mạng hiện đại để tăng cường sức mạnh tuyệt đối cho quân đội Mỹ ở khu vực này.

Trước đó, Mỹ đã điều động đến chiến trường châu Á-Thái Bình Dương các chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 là F-22 Raptor; tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia phiên bản nâng cấp; tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz; các khu trục hạm lớp Arleigh Burke và tuần dương hạm lớp Ticonderoga trang bị hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa Aegis…

Truyền thông Nhật Bản dẫn lời ông Carter rằng, Mỹ sẽ thông qua các cuộc diễn tập quân sự phối hợp giữa hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương với hải quân các nước châu Á nói chung và ASEAN nói riêng, mục đích trọng điểm là chia sẻ những thông tin quan trọng, giúp các nước Đông Nam Á nâng cao năng lực cảnh giới, thông tin và chỉ huy trên biển.

Có thể nhận định rằng, bước sang thế kỷ 21, trọng tâm tác chiến của quân đội Mỹ sẽ là khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chỉ nhìn nhận việc khu vực này có sự tập trung hơn nửa quân lực Mỹ, non nửa còn lại dàn trải đều trên khắp thế giới là chúng ta đã nhận thấy điều này.

Mục đích của kế hoạch tái điều chỉnh cơ cấu quân lực toàn cầu của Lầu Năm Góc là nhằm đối phó với sự tăng trưởng cực kỳ nhanh chóng của Quân Gải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), mà trọng tâm là lực lượng hải quân (PLAN) và không quân (PLAAF).

Trung Quốc đầu tư không giới hạn cho quân lực

Tờ Financial Times của Anh dẫn nguồn từ một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế, có trụ sở ở Washington/Mỹ cho biết, trong một thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành quốc gia có chi phí ngân sách quân sự lớn nhất châu Á.

Đặc biệt là trong vài năm gần đây, số tiền Bắc Kinh thực chi phát triển quân đội không còn ở mức “nhỉnh hơn” các cường quốc trong khu vực mà nó đã tăng với tỷ lệ kinh hoàng, ví dụ như ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2015 đã gấp 5 lần so với Nhật Bản.

Theo dự tính của Bộ quốc phòng Mỹ, ngân sách đầu tư thực tế cho quân đội Trung Quốc năm 2015 là 180 tỉ USD, cao hơn 27% so với tổng ngân sách quốc phòng mà Bắc Kinh chính thức công bố (141,4 tỉ USD). Ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2016 dự kiến sẽ còn cao hơn nữa.

Đó là chưa kể đến nguồn kinh phí không lồ không được công bố cho các kế hoạch phát triển Hàng không-Vũ trụ, mà mục đích chính của nó là quân sự, được che dấu dưới vỏ bọc phát triển công nghệ không gian, sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học và đời sống dân sinh.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã nỗ lực xây dựng lực lượng không quân mạnh mẽ nhất châu Á với hàng loạt chiến đấu cơ hiện đại thế hệ thứ 4 như JH-7, J-10, J-11, J-15, J-16 và 2 kế hoạch phát triển chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 là J-20 (hạng nặng) và J-31 (hạng nhẹ).

Song song với đó, Bắc Kinh cũng nỗ lực nâng cấp các máy bay ném bom già cũ H-6K và H-6M (phiên bản không quân và không quân của hải quân), trang bị các tên lửa hành trình CJ-10, giúp loại máy bay ném bom này có thể vươn tầm tấn công ra các đảo của Mỹ ngoài “Chuỗi đảo thứ 2”, uy hiếp các căn cứ quân sự ở giữa Thái Bình Dương.

Sự gia tăng ồ ạt của máy bay chiến đấu Trung Quốc đã khiến cán cân quân sự khu vực châu Á-Thái Bình Dương thay đổi theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.

Các chuyên gia quân sự nhận định rằng, hiện lực lượng không quân Trung Quốc đã có khả năng đối phó với sự hợp lực của không quân các nước đồng minh của Washington ở xung quanh như Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng với lực lượng không quân Mỹ đồn trú ở khu vực này.

  

Trung Quốc đang nỗ lực phát triển lực lượng không quân và hải quân mạnh

Về hải quân, chiến lược xây dựng “Hạm đội nước xanh” của Bắc Kinh đã bắt đầu gặt hái được những thành quả đầu tiên với việc các biên đội tàu chiến của nước này đã thường xuyên hiện diện ở Thái Bình Dương và triển khai định kỳ hoạt động hộ tống hàng hải ở vịnh Aden-Somalia.

Một thế hệ tàu khu trục mới (Type 052D) và hộ vệ mới (Type 054A) và tàu sân bay huấn luyện CV-16 Liêu Ninh đã khiến lực lượng tàu mặt nước của hải quân Trung Quốc bắt kịp các cường quốc. Đến khi kế hoạch chế tạo 2 tàu sân bay quốc nội hoàn tất, hải quân Trung Quốc đã đủ sức đối phó với hải quân Mỹ và đồng minh ở khu vực này.

Có lẽ một điểm yếu duy nhất của hải quân Trung Quốc là lực lượng tàu ngầm hạt nhân khi nước này mới có khoảng 6 chiếc tương đối hiện đại, trong khi đang rộ lên tin đồn là Bắc Kinh đã bắt tay chế tạo tàu ngầm hạt nhân chiến lược mới Type 096 và tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 095.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn (Type 094) của Trung Quốc được cho là có khả năng mang tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2 (tầm phóng khoảng trên 8000km). Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự vẫn đang nghi ngờ về tính năng của tàu ngầm Type 094 và tên lửa đạn đạo JL-2.

Ngoài ra, khả năng của tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 mang tên lửa hành trình tấn công mặt đất DH-10 (biến thể hải quân của CJ-10) vẫn còn hết sức mù mờ khi những thông tin về các cuộc thử nghiệm của chúng hoàn toàn nằm trong vòng bí mật.

Tuy nhiên, chỉ cần số lượng gần 60 tàu ngầm động cơ thông thường thì lực lượng tác chiến ngầm của hải quân Trung Quốc đã hoàn toàn vượt trội so với các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng với các nước Đông Nam Á nhỏ bé bên bờ biển Đông.

Chiến lược dịch chuyển vũ khí, trang bị về châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ và bước phát triển vũ bão của quân đội Trung Quốc đã biến khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông trở thành một cuộc so găng quân sự khốc liệt giữa 2 cường quốc hàng đầu thế giới.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới