Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển nóng“Đuổi” Mỹ, Philippines bất lực trước nguy cơ bị Trung Quốc xâm...

“Đuổi” Mỹ, Philippines bất lực trước nguy cơ bị Trung Quốc xâm lấn

Theo nhận định của giới chuyên gia, việc Tổng thống Rodrigo Duterte dọa “đuổi” quân đội Mỹ ra khỏi Philippines sẽ khiến nước này bất lực trước nguy cơ xâm lấn tiềm tàng của Trung Quốc.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Nhận định nói trên được đăng tải hôm 4.10 trên website của CNBC – RFI đưa tin.

Phát biểu với đài CNBC ngày 4.10, ông Ernest Bower, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành văn phòng cố vấn rủi ro chính trị BowerGroupAsia (BGA), nhận xét: Lật lại lịch sử sẽ thấy hậu quả tai hại tiềm tàng nếu Manila trục xuất lực lượng quân sự Mỹ.

Sau khi Philippies đóng cửa các căn cứ của Mỹ ở vịnh Subic và Clart vào năm 1991, Trung Quốc bắt đầu xác quyết các yêu sách chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough, một vùng đất ở Biển Đông mà cả Bắc Kinh và Manila đòi chủ quyền.

Yêu sách này của Bắc Kinh đạt được kết quả vào năm 2012 khi Trung Quốc cấm mọi tàu cá của Philippines hoạt động trong khu vực Scarborough và các hành động thực thi pháp luật tại bãi cạn. Điều này buộc Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài quốc tế The Hague.

Ông Richard Bush, một thành viên cao cấp tại Viện Brookings, cảnh báo vào tuần trước: Rất khó đoán được liệu Bắc Kinh có tận dụng bối cảnh Mỹ vắng mặt tại khu vực để tăng cường hiện diện tại vùng Biển Đông đang có tranh chấp. Hành động hiếu chiến ngày càng leo thang của Trung Quốc trong bối cảnh địa chính trị vốn đã căng thẳng chắc chắn là trường hợp xấu nhất.

Việc Mỹ rút quân cũng có thể tác động đến tình hình khủng bố tại Philippines. Mindanao là một vùng đất màu mỡ cho tổ chức Hồi Giáo cực đoan Abu Sayyaf. Một cơ quan truyền thông địa phương nhận định, quân nhân Mỹ có mặt tại đây để hỗ trợ lực lượng địa phương với nhiều hoạt động chống khủng bố, như giám sát, tập huấn và chia sẻ thông tin.

Thế nhưng, tháng 9.2016, Tổng thống Duterte lại kêu gọi quân nhân Mỹ rời khỏi vùng này vì cho rằng họ là mục tiêu của Abu Sayyaf. Sau đó, chính Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana lại phải lên tiếng cải chính, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lực lượng Mỹ. Ngày 15.9, ông phát biểu: “Chúng tôi vẫn cần đến họ vì họ có những khả năng giám sát mà quân đội của chúng tôi không có”.

Cuối cùng, tổng thống Duterte có thể gây tổn hại cho mức độ tín nhiệm rất cao của chính mình, nếu ông đẩy lực lượng quân sự Hoa Kỳ ra khỏi Philippines.

Ông Ernest Bower nhận định: “Người dân Philippines không bầu ông Duterte để giải quyết chính sách đối ngoại. Những luận điệu chống Mỹ là quan điểm chính trị hay ở Philippines nhưng nếu ông đuổi quân Mỹ ra khỏi đất nước và mở cửa cho Trung Quốc, thì người Philippines sẽ chống lại (ông Duterte) và nếu điều đó xảy ra, ông ấy sẽ gặp rắc rối”.

Rốt cuộc, các chiến lược gia không chắc về việc liệu nhà lãnh đạo Philippines có thực hiện những lời đe dọa của mình hay không. Ngày 30.9, các nhà phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến jược và Quốc tế (CSIS) đưa ra nhận định: “Còn quá sớm để nói liệu Washington chấp nhận quan điểm mới về chính sách đối ngoại của Manila hay không. Không nghi ngờ là ông Duterte đang theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập hơn, ít nhất là khi đề cập đến vấn đề an ninh khu vực, nhưng còn phải xem liệu ông ấy có quyết định xét lại một số lĩnh vực khác trong hợp tác song phương Mỹ-Philippines hay không”.

Về phần mình, ông Boywer không tin là tổng thống Duterte sẽ hành động và cho rằng những phát biểu hùng hổ của ông chỉ là ác khẩu hơn là dã tâm: “Liên minh Mỹ-Philippines sẽ vượt qua cơn bão tố”.

RELATED ARTICLES

Tin mới