Hôm nay (10-10), Diễn đàn an ninh khu vực (còn gọi là Diễn đàn Hương Sơn) lần thứ 7 chính thức khai mạc tại Bắc Kinh và dư luận cho rằng, Trung Quốc sẽ tìm cách lợi dụng diễn đàn này để đề cập tới Biển Đông, việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc theo hướng có lợi cho mình.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc bắt giữ các tàu cá Trung Quốc đánh cá trộm hồi tháng 6-2016.
Bởi Diễn đàn Hương Sơn được Bắc Kinh gọi là “kiến trúc an ninh mới” của châu Á, sẽ thảo luận 4 chủ đề chính, với sự tham dự của đại diện đến từ 60 nước. Trước đó (9-10), tờ South China Morning Post dẫn lời giới phân tích cho rằng, cuộc tranh cãi giữa Singapore và Trung Quốc về phán quyết của PCA và quyết định của Seoul cho phép triển khai THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc sẽ phủ bóng đen lên Diễn đàn Hương Sơn. Tiến sỹ Rajeev Ranjan Chaturvedy, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nam Á tại Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, đại biểu đến từ các nước Đông Nam Á sẽ có những phản ứng khác nhau đối với phán quyết của PCA. Và Bắc Kinh sẽ tìm cách lợi dụng Diễn đàn Hương Sơn để thúc đẩy sáng kiến về chiến lược “Một vành đai, Một con đường”, từng được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đề cập.
Còn bình luận đăng trên tờ Straits Times về mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, Tiến sỹ Tang Siew Mun, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore cảnh báo, quan hệ ASEAN-Trung Quốc đang tồn tại những rạn nứt ngày càng lớn. Và Bắc Kinh đã sử dụng Hội nghị thượng đỉnh Phong trào không liên kết (NAM) lần thứ 17 để chia rẽ ASEAN. Tiến sỹ Tang Siew Mun cũng đề cập tới tuyên bố mới đây của Trung Quốc, khi Bắc Kinh cam kết sẽ hoàn thành bộ khung cho Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) vào giữa năm 2017. Trước đó (8-10), giới truyền thông Đài Loan dẫn lời ông Thái Minh Hiến, cựu lãnh đạo quân đội Đài Loan kêu gọi chính quyền của bà Thái Anh Văn nên đưa vấn đề Biển Đông ra kỳ họp APEC năm nay. ASEAN và Trung Quốc đã thảo luận về COC từ lâu, nhưng Đài Loan không được tham dự, trong khi Đài Loan là một thành viên trong vấn đề này – tranh chấp tại Biển Đông bao gồm “5 nước, 6 bên”. Được biết, bà Thái Anh Văn đã bổ nhiệm ông Tống Sở Du, Chủ tịch đảng Thân dân tham dự APEC sẽ diễn ra tại Lima, Peru vào tháng 11-2016.
Ngày 6-10, Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc, khi ông An Phong Sơn chỉ trích gay gắt với phát biểu hôm 4-10 của bà Thái Anh Văn. Bởi nhà lãnh đạo Đài Loan muốn tránh đối đầu, nhưng lại không cúi đầu trước Trung Quốc. Ông An Phong Sơn thúc giục Đài Loan tôn trọng “Đồng thuận năm 1992”, và nguyên tắc “một Trung Quốc” không thể lay chuyển. Theo tờ The Wall Street Journal, bà Thái Anh Văn muốn hội đàm với ông Tập Cận Bình, nhưng không có điều kiện tiên quyết nào được đưa ra. Và trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Yomiuru Shimbun mới đây, bà Thái Anh Văn cho biết, trong tương lai không xa, Đài Bắc sẽ mở các cuộc đối thoại về hợp tác hàng hải với Tokyo và Đài Loan không loại trừ khả năng cuộc đối thoại sẽ diễn ra trong tháng 10 với Nhật Bản về vấn đề này. Hãng Reuters coi việc Đài Loan muốn hợp tác hàng hải với Nhật Bản là hành động chọc giận Bắc Kinh và là động thái “thoát Trung” của bà Thái Anh Văn.
Mấy hôm trước (7-10) tại Moskva, Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Tình hình ở Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài La Hay, Hà Lan”. Và đa số đại biểu tham dự đều cho rằng, mặc dù Trung Quốc không công nhận, nhưng kể từ sau phán quyết của PCA, tình hình trong khu vực và ở Biển Đông đã bớt phức tạp, các bên liên quan đến tranh chấp ủng hộ đàm phán để tìm kiếm thỏa hiệp. Theo ông Grigory Lokshin, Tổng Thư ký Viện Hòa bình Vienna, quyết định của PCA cho thấy, tuyên bố về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là không có cơ sở.