Tờ New York Times vừa cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ không tuân theo thông lệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc xây dựng quá trình chuẩn bị chuyển giao quyền lực và sẽ trì hoãn việc chỉ định người kế nhiệm cho đến sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2017.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: THX/TTXVN)
Ông Tập Cận Bình dường như có ý định phá tiền lệ và bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình mà không chỉ định một người kế nhiệm.
Trong bối cảnh ông Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ lãnh đạo Trung Quốc thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa, việc chậm trễ trong việc lựa chọn người kế nhiệm sẽ giúp ông có thêm thời gian để kiểm tra khả năng và lòng trung thành của các ứng cử viên.
Tuy nhiên, cũng có nhiều lời đồn đoán rằng ông Tập Cận Bình đang muốn tập trung quyền lực vào bản thân và tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ ba.
Theo ông Christopher K.Johnson, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington (Mỹ), cho dù ông Tập Cận Bình trì hoãn việc lựa chọn người kế nhiệm, điều đó không có nghĩa là ông muốn tiếp tục nắm quyền sau khi nhiệm kỳ Chủ tịch nước thứ hai kết thúc vào năm 2022, khi ông 69 tuổi.
Bên cạnh đó, cũng có tin đồn cho rằng ông Tập Cận Bình có thể sẽ điều chuyển Thủ tướng Lý Khắc Cường sang một vị trí thấp hơn. Theo đó, ông Tập Cận Bình sẽ nâng tuổi về hưu của Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc để Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn, một trong 7 người có quyền lực lớn nhất Trung Quốc, có thể tiếp tục nắm quyền và thậm chí trở thành ứng cử viên thay thế ông Lý Khắc Cường.
Dù vậy, kế hoạch của ông Tập Cận Bình sẽ vấp phải sự phản đối của nhiều quan chức cấp cao trong đảng cũng như những lãnh đạo đã về hưu.
Nếu buộc phải chọn một ai đó, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài có thể là cái tên được ông Tập Cận Bình lựa chọn.