Thursday, April 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ nghĩ gì khi ép công ty ngoại thể hiện quan điểm...

TQ nghĩ gì khi ép công ty ngoại thể hiện quan điểm Biển Đông

Yêu cầu công ty nước ngoài thể hiện quan điểm về Biển Đông khiến các công ty Singapore nối vào danh sách bị Trung Quốc o ép.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: News China

9/10, tờ Today của Singapore cho hay, các doanh nghiệp ở Quốc đảo sư tử đang làm ăn ở Trung Quốc đã bị nước sở tại o ép và chất vấn liên quan tới lập trường của họ liên quan tới vấn đề Biển Đông.

Các doanh nghiệp Singapore nói với tờ Today rằng cư dân mạng Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi những thông tin tuyên truyền từ Thời Báo Hoàn Cầu liên quan tới vụ tranh cãi với Đại sứ Stanley Loh về Biển Đông và từ đó đòi hỏi các nhận định về vấn đề chủ quyền.

Điều này chẳng sớm thì muộn sẽ ảnh hưởng tới chuyện làm ăn.

Andrew Tjioe, Giám đốc điều hành chuỗi nhà hàng Tung Lok tại Bắc Kinh và Thượng Hải ghi nhận chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng trong xã hội Trung Quốc: “Ở đây, tất cả mọi thứ có vẻ đều liên quan đến chính trị”.

“Tuy nhiên tôi hy vọng, người tiêu dùng Trung Quốc đủ trưởng thành để phân biệt giữa chính trị với kinh doanh”, ông Andrew Tjioe nói.

Còn ông Ho Meng Kit, Giám đốc điều hành Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore đồng ý với ông Andrew và lưu ý thêm: “Nếu điều này kéo dài và sự tức giận lan rộng, gia tăng thành thái độ thù địch với các sản phẩm của Singapore, chúng tôi sẽ rất lo ngại.

Người Trung Quốc rất dân túy. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là những câu chuyện về Singapore phát đi từ Thời báo Hoàn Cầu không công bằng. Chúng tôi hy vọng rằng các công dân Trung Quốc có một cái nhìn khách quan về tình hình.”

Vấn đề này đã được đem ra bàn thảo trong báo cáo của Chính phủ Singapore và trong cuộc họp thường niên giữa các nghị sĩ với lãnh đạo các cơ sở và hiệp hội các gia tộc Trung Quốc.

Ông Koh Chin Yee, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Longus cho biết:

Những câu chuyện này đã dịch chuyển từ cư dân mạng Trung Quốc sang thực tế cuộc sống, gây rối loạn cho các hoạt động của doanh nghiệp Singapore tại Trung Quốc.

“Doanh nghiệp Singapore cho tôi biết, họ đã bị các đối tác Trung Quốc chất vấn về lập trường của mình trong vấn đề Biển Đông.”

Joan Pereira, một nghị sĩ Singapore nằm trong Ủy ban Quốc phòng và đối ngoại của Quốc hội cho rằng, rủi ro với hoạt động thương mại, kinh doanh của doanh nghiệp Singapore làm ăn tại Trung Quốc là có thật.

Bà Joan Pereira bình luận: Trong tranh chấp Biển Đông cũng như bất kỳ vấn đề quốc tế nào khác, lợi ích quốc gia của Singapore không nằm ở hai bên, mà là ủng hộ, bảo vệ một trật tự quốc tế dựa trên nguyên tắc luật pháp.

Rõ ràng những bất mãn đối với Singapore của Trung Quốc là có thật. Bắc Kinh đã tìm cách chào hàng Diễn đàn Hương Sơn như một phương án thay thế cho Hội nghị Thượng đỉnh an ninh châu Á hàng năm tại Singapore, còn được biết đến với tên gọi Đối thoại Shangri-la.

Singapore không phải câu chuyện đặc biệt

Việc các doanh nghiệp nước ngoài chịu ảnh hưởng bởi quan điểm chính trị của Trung Quốc cũng như cách người Trung Quốc làm ăn kinh tế dưới góc nhìn chính trị không phải chỉ xảy ra đối với doanh nghiệp Singapore.

Còn nhớ thương vụ Nhật Bản bị mất hợp đồng cung cấp tàu ngầm  lớp Soryu hàng chục tỷ USD với Australia hồi tháng 4 vừa qua cũng cần phải xem xét đến yếu tố Trung Quốc.

Khó có thể phủ nhận, Trung Quốc có giá trị to lớn như thế nào đối với kinh tế Australia. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, chiếm khoảng 26% tổng kim ngạch thương mại nước ngoài trong năm 2014- 2015 so với 12% của Nhật Bản.

Thương mại của Australia với Trung Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, trong khi thương mại với Nhật Bản đã bị suy giảm tương đối.

Không thể hoàn toàn loại bỏ chuyến thăm của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tới Trung Quốc mới đây đã khiến Úc thay thế nhà thầu Nhật Bản trong thương vụ mua tàu ngầm mà chuyển sang đối tác Pháp với  phiên bản thông thường của tàu ngầm điện hạt nhân lớp Barracuda.

Không những vậy, chính Australia cũng gánh chịu những phản ứng “mặt nặng mày nhẹ” và chỉ trích chính trị của Trung Quốc sau khi từ chối 2 thương vụ lớn của Bắc Kinh là thương vụ mua lại mạng lưới truyền tải điện Ausgrid lớn nhất quốc gia và mua lại công ty gia súc Kidman & Co.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia nói rằng lời từ chối của Australia đối với hai công ty Trung Quốc cho thấy “khuynh hướng bảo hộ rõ ràng” và sẽ có “ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hào hứng” của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Việc Australia khước từ đối tác Trung Quốc trong vụ bán Ausgrid cho thấy môi trường chính trị thay đổi ở nước này kể từ khi một số nghị sỹ theo trường phái bảo hộ được bầu vào Quốc hội nước này hồi tháng trước.

RELATED ARTICLES

Tin mới