“Dự án trạm điện hạt nhân chắc chắn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường nếu Trung Quốc không có những kiểm soát chặt chẽ”.
Mô hình trạm điện hạt nhân nổi của Tập đoàn năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CNG). Ảnh: CNG
Tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 11/10 đăng bài viết với tiêu đề: “Trung Quốc có thể xây dựng trạm điện hạt nhân nhỏ nhất thế giới và đưa nó tới Biển Đông?”.
Theo đó, 1 Viện nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc đang phát triển một trạm điện hạt nhân (ĐHN) nhỏ nhất thế giới với kích cỡ vừa đủ để đặt vào bên trong một container (có chiều dài khoảng 6,1 m và cao khoảng 2,6 m) vận chuyển và có thể được lắp đặt trên các hòn đảo nhân tạo mà Trung quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông trong thời hạn 5 năm.
Đáng chú ý, nó có thể sản xuất được 10 MW nhiệt, trong đó, nếu chuyển đổi thành điện năng, sẽ đủ để cung cấp năng lượng cho 50.000 hộ gia đình.
Trước vấn đề trên, trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt cho biết đã nắm được thông tin trên qua báo chí.
Theo PGS.TS Sinh, chuyện đặt các lò phản ứng hạt nhân công suất nhỏ lên trên các phương tiện dưới dạng nổi như phao, tàu phá băng, trên tàu ngầm thế giới đã sử dụng từ lâu. Cả Mỹ, Anh, Nga đều có các mô hình khác nhau hoạt động trong nhiều năm qua.
“Thời gian gần đây, Nga có phát triển các nhà máy hạt nhân công suất nhỏ đặt trên các phao nổi, bè nổi trên mặt biển, cửa sông. Tôi cũng nghe được thông tin Trung Quốc đã mua bản quyền của Nga trong vấn đề xây dựng các lò phản ứng với công suất nhỏ và đặt nổi ở trên nước.
Tất nhiên việc sử dụng bất cứ một lò phản ứng nào và đặt trên một phương tiện giao thông nào cũng buộc phải tuân thủ các quy định xung quanh về bảo vệ môi trường cũng như có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan năng lượng quốc tế”, PGS.TS Sinh nhấn mạnh.
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt nhận định, các lò phản ứng hạt nhận đặt trên phao nổi, tàu phá băng, trên tàu ngầm có những thuận lợi nhất định. Đầu tiên là sử dụng ngay nước biển để làm mát, làm nguội lò phản ứng. Tuy nhiên việc này cũng tiềm ẩn những nguy cơ về ô nhiễm môi trường xung quanh.
“Dùng nước làm mát thì phải có những biện pháp kỹ thuật để đề phòng việc thất thoát các chất phóng xạ, có thể sinh ra trong quá trình hoạt động của lò phản ứng ra môi trường.
Dự án này chắc chắn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường nếu Trung Quốc không có những kiểm soát chặt chẽ. Theo tôi trong trường hợp này, giới khoa học cũng nên quan tâm đến việc lò phản ứng họ dùng cho mục đích trên là lò phản ứng như thế nào, công nghệ đấy lâu nay đã được sử dụng chưa hay là công nghệ mới hoàn toàn.
Rồi những khả năng thất thoát ra môi trường, những chất sinh ra trong quá trình hoạt động của lò phản ứng có được đảm bảo hay không”, PGS.TS Sinh nói.
Cùng đưa ra ý kiến, PGS.TS Nguyễn Nhị Điền, Viện phó Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt khẳng định, để tiến hành đưa các trạm điện hạt nhân ra khu vực nào đó thì yếu tố đầu tiên phía Trung Quốc cần đảm bảo, đó là kiểm tra tính an toàn thông qua các cơ quan năng lượng ở trong và ngoài nước.
“Về nguyên tắc hoạt động thì trạm điện hạt nhân đặt trên một tàu container thì cũng giống như nhà máy điện hạt nhân trên khô, trên cạn.
Chắc chắn khi đã thiết kế thì Trung Quốc phải đảm bảo vận hành an toàn. Nếu có sự cố thì đương nhiên tùy thuộc vào mức độ để đưa ra các biện pháp xử lý”, PGS.TS Điền nói.
Các nước phải giám sát
Với ý tưởng ban đầu được truyền thông thông Trung Quốc công bố, PGS.TS Nguyễn Nhị Điền cho rằng Bắc Kinh phải chia sẻ thông tin với các nước trong và ngoài khu vực để cùng kiểm soát.
“Tôi nghĩ Trung Quốc có thể thông báo với các nước khác thông qua cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế. Đây là cơ quan theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật cũng như đánh giá tất cả các hoạt động hạt nhân trên toàn thế giới. Nếu như Trung Quốc làm không đúng quy trình quốc tế thì chính cơ quan đó phải lên tiếng trước. Giống như sự cố của Nhật Bản, hạt nhân Iran, Triều Tiên họ đều là những người đi trước.
Vì vậy khi chưa có phát ngôn của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế thì tôi cho rằng cũng không nên quá vội vàng. Chúng ta nên chờ cơ quan này đưa ra đánh giá và có thể dựa vào ý kiến của cơ quan năng lượng nguyên tử thế giới để đưa ra ý kiến của riêng mình”, PGS.TS Điền nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh, nếu Trung Quốc đưa trạm điện hạt nhân ra các khu vực thuộc chủ quyền lãnh thổ của họ thì cơ quan năng lượng quốc tế cũng như các nước xung quanh cần phải giám sát chặt chẽ.
“Nếu như Trung Quốc cứ liều lĩnh đặt gần vùng biển gần Việt Nam thì chúng ta cũng cần phải đặt ra giả thiết về các mức độ ô nhiễm có thể xảy ra và có biện pháp ứng phó.
Từ đó Việt Nam và các nước lên tiếng cảnh báo để phía Trung Quốc phải có các cam kết về đảm bảo môi trường, an toàn xung quanh. Nếu như họ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, chủ quyền của các nước khác thì chúng ta phải theo dõi đồng thời đưa những ý kiến phản đối, yêu cầu Trung Quốc thực hiện nghiêm các vấn đề về chủ quyền lãnh thổ”, PGS.TS Sinh khẳng định thêm.