Tại Ấn Độ, một chiến dịch tẩy chay hàng “Made in China” trên các mạng xã hội đang cho thấy kết quả rõ rệt.
Các tiểu thương Ấn Độ trong một cuộc vận động tẩy chay hàng Trung Quốc
ở thành phố Ahmedabad, miền Tây Ấn Độ ngày 3/5/2013. (Ảnh: AFP)
Tiểu thương tại các chợ bán buôn lớn nhất đất nước cho biết nhu cầu mua hàng Trung Quốc có giá rẻ hơn đã giảm từ 10 đến 20%.
Theo India Times, chiến dịch tẩy chay này được khởi xướng cách đây không lâu, do Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ với Pakistan – vốn có quan hệ phức tạp với Ấn Độ – và thể hiện quan điểm không phù hợp với các lợi ích của Ấn.
Nhu cầu hàng nội địa Ấn tăng mạnh
Tổng thư ký Liên đoàn Thương nhân Ấn Độ (CAIT) Praveen Khandelwal cho biết: “Nếu người dân quyết tâm dạy Trung Quốc một bài học, hành động này có thể gây ra nhiều hậu quả về thương mại.”
Ông Khandelwal cũng nhận định rằng, đang tồn tại một làn sóng yêu nước khắp Ấn Độ và thị trường không tránh khỏi việc bị ảnh hưởng.
Ấn Độ là thị trường tiêu thụ hàng Trung Quốc rất lớn, do có giá rẻ hơn hàng nội địa. Phần lớn các mặt hàng này là đồ chơi, đèn, quà lưu niệm, đồ nhựa, đồ trang trí v.v…
Rameshwar Goyal, một tiểu thương buôn bán đồ trang trí tại Sadar Bazar – khu chợ bán buôn lớn nhất phía bắc Ấn Độ – cho biết :”Thương nhân bán lẻ nói rằng khách của họ bắt đầu hỏi mua hàng Ấn Độ.”
Goyal cũng đã nhận được tin nhắn điện thoại kêu gọi tẩy chay các loại đèn của Trung Quốc trong ngày lễ Diwali (lễ hội đèn rất quan trọng trong văn hóa Ấn Độ giáo, cử hành vào mùa thu hàng năm – PV).
Anh nói: “Tôi nghĩ chiến dịch đã tạo nên sự khác biệt. Mọi người trở nên cởi mở hơn về việc tẩy chay hàng Trung Quốc.”
Một tiểu thương khác tại Sadar Bazar cho hay: “Nhiều nhà bán lẻ đến đây lấy hàng. Trước đây nhu cầu hàng Trung Quốc rất cao vì giá rẻ hơn. Nhưng lần này họ lấy ít hàng Trung Quốc hơn, mà đặc biệt yêu cầu nhập hàng Ấn Độ.”
Chiến dịch bắt đầu từ một lá thư giả mạo
Mọi chuyện bắt đầu khi một lá thư giả mạo chữ ký của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lan truyền trên các mạng xã hội, kêu gọi người tiêu dùng Ấn Độ dùng hàng nội địa trong dịp lễ Diwali và từ chối hàng hóa Trung Quốc.
Lá thư giả bùng nổ trên Facebook và Twitter, thậm chí cả WhatsApp. Văn phòng Thủ tướng Modi đã nhanh chóng khẳng định lá thư trên là giả mạo qua một bài đăng trên Twitter. Ngoài lá thư, cư dân mạng Ấn Độ còn chế hình và góp sức lan tỏa chiến dịch trên Internet.
Trả lời báo chí, nhiều tiểu thương đồng tình với quan điểm rằng một chiến dịch tẩy chay như vậy có thể gây hại đến kinh doanh trong năm nay, nhưng về lâu dài sẽ có lợi cho doanh nhân và công nghiệp Ấn Độ.
Ông Khandelwal nhận định: “Các tiểu thương sẽ phải quyết định không nhập hàng Trung Quốc, còn người tiêu dùng cần dứt khoát không mua hàng Trung Quốc.”
“Điều này sẽ có lợi nếu người dân chấp nhận dùng hàng Ấn Độ”.