Monday, November 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiCampuchia trông chờ gì vào chuyến thăm của ông Tập Cận Bình?

Campuchia trông chờ gì vào chuyến thăm của ông Tập Cận Bình?

Hôm nay (13/10), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm chính thức tới Campuchia. Đây được cho là cơ hội đối với Phnom Penh khi giá gạo cũng như đầu tư nước ngoài sụt giảm khiến đất nước này cần đến nguồn trợ giúp khẩn cấp.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Dọc các khu vực ngoại ô thủ đô Phnom Penh, những người nông dân trồng lúa đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Giá gạo đã giảm lần thứ ba kể từ tháng 8 với mục tiêu xuất khẩu một triệu tấn gạo khó trở thành hiện thực, gây tổn hại cho các nhà sản xuất như Path Chanthorn.

“Cuộc sống thật khó khăn. Tôi đã mượn tiền từ ngân hàng để mua đất, hạt giống và phân bón. Rồi chúng tôi mất tất cả lúa gạo và gia đình thì không còn thu nhập”, người nông dân 47 tuổi, cha của ba đứa con cho biết.

Hoàn cảnh của ông Chanthorn càng thêm khốn khó khi trận mưa gần đây khiến ruộng của gia đình ông bị ngập lụt cũng như hai triệu nông dân của Campuchia phải chật vật với cuộc sống. Bởi vậy, họ dồn hết hy vọng vào chuyến thăm hai ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bắt đầu từ hôm nay.

Thủ tướng Campuchia, Hun Sen và đảng cầm quyền Nhân dân Campuchia (CPP) của ông đã đề nghị Bắc Kinh trợ giúp khẩn cấp 300 triệu USD. Nhà lãnh đạo lâu đời nhất châu Á này cũng muốn thúc đẩy thương mại song phương lên mức 5 tỷ USD trong năm tới so với 4 tỷ USD năm 2015. 

Ông Hun Sen cũng đề nghị Chủ tịch Tập Cận Bình mở cửa thị trường Trung Quốc cho sản phẩm chuối của Campuchia, cộng thêm với việc nhập khẩu gấp đôi lượng gạo từ 200.000 tấn/ năm ở thời điểm hiện tại, đồng thời cho Campuchia vay vốn để xây dựng các nhà máy xay sát, lò sấy gạo và các nhà kho cần thiết để đạt được  mục tiêu xuất khẩu.

“So với 6 tháng trước, một năm trước và hai năm trước, giá gạo vẫn đang trên đà giảm. Nó đã giảm xuống mức 30 – 40% mỗi năm. Chúng tôi không có tiền và không có thức ăn, chỉ còn sót lại một chút gạo thừa”, ông Path Chanthorn nói.

Campuchia đã xuất khẩu 538.096 tấn gạo trong năm ngoái giữa lúc giá gạo tiếp tục giảm. Năm nay, giá cũng vẫn giảm, từ 250 USD/ tấn hồi tháng 8 xuống còn 193 USD/ tấn hiện tại. Sự sụt giảm này là do tình trạng tụt dốc của nền kinh tế Trung Quốc, cắt bỏ hỗ trợ cho giá gạo tiêu dùng và những lo sợ về “bong bóng bất động sản” ở Bắc Kinh có nguy cơ tan vỡ. Điều này đã gây áp lực lên ông Hun Sen, người đang bận rộn chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào tháng 6 năm sau và lo sợ sẽ mất đi uy tín trong dân chúng.

Việc ông Hun Sen kiên quyết ủng hộ chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông, đã giúp ông “làm thân” với Bắc Kinh trong những năm trở lại đây cũng như nhận được nhiều hỗ trợ về tài chính. Tuy nhiên, mối quan hệ đồng minh ngoại giao này đã khiến nhiều quốc gia láng giềng không đồng tình với Campuchia, dẫn đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Campuchia từ các quốc gia khu vực Đông Nam Á đã sụt giảm.

Điều này càng làm gia tăng sự lệ thuộc của Phnom Penh vào Bắc Kinh và ông Hun Sen hy vọng sẽ ký kết 28 hiệp định với ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm lần này. Quan trọng nhất trong số đó là gói thu mua lúa gạo nhanh và quyết định cho vay mới.

Nhà phân tích Billy Chia-Lung Tai, thuộc công ty tư vấn CL, nhận định: “Mục đích của chuyến thăm lần này sẽ là Campuchia có thể nhận được một trong những nguồn hỗ trợ tài chính lớn nhất. Tôi không lấy gì làm ngạc nhiên, trên thực tế tôi còn hy vọng có thêm nhiều gói viện trợ sẽ được tuyên bố trong chuyến thăm này”.

Con số chính xác vẫn chưa được tiết lộ nhưng theo Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 10 tỷ USD vào quốc gia này kể từ khi Bắc Kinh tiến hành chính sách “vươn ra toàn cầu” năm 2001. Con số 13 tỷ USD dự kiến sẽ được “rót thêm” trong thời gian tới.

Mới đây Phnom Penh đã nhận được 600 triệu USD hỗ trợ từ Bắc Kinh. Theo các chuyên gia nhận định, Campuchia có được sự hỗ trợ lớn từ Trung Quốc vì né tránh vấn đề Biển Đông trong Hội nghị thường niên của các quốc gia Đông Nam Á.

Theo chuyên gia Chia-Lung Tai, “từ phương diện của Trung Quốc, số tiền này đã được sử dụng đúng đắn, để có được một đối tác tại Đông Nam Á, tất cả là chi phí dành cho những con đường mới và các dự án phát triển khác. Tại sao lại không chứ?”.

Tuy nhiên, nhân tố “mới nổi”, Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte có thể thay đổi tình trạng này. Việc người đứng đầu Philippines “bồi đắp” quan hệ với Bắc Kinh, thay đổi quan hệ đồng minh với Mỹ và phương Tây có thể khiến vai trò của Campuchia trong khu vực ASEAN đối với Trung Quốc bị “lung lay”.

“Vấn đề Biển Đông sẽ tiếp tục là một rào cản trong các cuộc đối thoại chính trị giữa hai nước trong thời gian dài. Trung Quốc có thể vẫn cảm thấy rằng cần thúc đẩy sự ủng hộ từ các nước như Campuchia để duy trì mối quan hệ đồng minh mạnh mẽ hơn trong khu vực Đông Nam Á”, chuyên gia Tai nhận xét.

Trong lúc này, Thủ tướng Hun Sen đã hoàn thành công tác chuẩn bị tổ chức lễ đón Chủ tịch Tập Cận Bình. An ninh được thắt chặt hơn so với hoạt động ngoại giao 3 năm trước, khi Phnom Penh là nước chủ nhà của hội nghị ASEAN, với 7.000 binh lính và nhân viên an ninh đã được triển khai.

Các nhà phân tích cũng cho rằng ông Hun Sen đang hướng đến Trung Quốc như một hình mẫu cho việc thu hút đầu tư và viện trợ nước ngoài tại Campuchia. Ông thường xuyên chỉ trích các chính phủ  phương Tây vì đã thắt chặt đầu tư đối với đất nước mình do những vấn đề liên quan đến nhân quyền.

Cách phát triển kinh tế này rất thu hút Thủ tướng Hun Sen nhưng nó không phải là loại hỗ trợ có thể nhanh đến tay những người nông dân như Path Chanthorn. Ông đã phải để một đứa con gái của mình nghỉ học và làm việc trong nhà máy cùng vợ của mình để trả các khoản nợ cho gia đình.

“Chúng tôi đã cắt giảm chi tiêu hàng tháng nhưng vẫn phải vật lộn để trả tiền cho ngân hàng. Thu nhập từ lúa gạo không đủ để trả khoản tiền lãi”, ông Chanthorn buồn bã nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới