Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển nóngNga –Trung vào hùa

Nga –Trung vào hùa

Ngày 7/10/2016, có tin Nga đang xem xét kế hoạch mở lại căn cứ quân sự tại cảng Cam Ranh. Nhưng trước đó, Việt Nam và thế giới bị một phen ngỡ ngàng về việc Trung-Nga lại có cuộc tập trận chung lần đầu tiên trên Biển Đông.

Cho dù giới chức Nga giải thích cách nào thì dư luận Việt Nam, vốn còn giữ nhiều cảm tình đối với Liên Xô (cũ), vẫn thấy chới với. Quan hệ quốc tế là vậy! Không có bạn bè vĩnh viễn… Các nước nhỏ/ trung bình chỉ là quân cờ trong “ma trận” của thế “Tam quốc chí” mới giữa Nga – Mỹ – Trung.

Hôm 6/10, Nga vừa đình hoãn thỏa thuận với Mỹ về việc tiêu hủy plutonium. Đối chọi lại, Mỹ bỏ đàm phán với Nga về Syria. Nhân dịp Tổng thống Putin được Chủ tịch Tập Cận Bình đón rước như một thượng khách hàng đầu tại G20. Cả hai vị nguyên thủ cùng quảng bá về một “quan hệ song phương tốt đẹp hơn bao giờ hết”. Cả Nga lẫn Trung Quốc đều cho rằng, giữa hai nước đã đạt tới “một sự tin tưởng cao độ chưa từng có”. Ông Putin mô tả bang giao Nga – Trung là một loại quan hệ “đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược”.

Quan sát và bàn luận, GS. Thayer từ Đại học New South Wales (Úc), cho rằng, lợi ích của Nga và Trung Quốc không phải luôn hòa hợp với nhau như thế. Nga lo lắng trước dự án “Một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh, vốn nhằm mở rộng sang Trung Á. Mátxcơva cũng đối mặt với thách thức khó khăn là làm thế nào xúc tiến quan hệ với Bắc Kinh mà không làm phương hại đến quan hệ truyền thống với một số nước châu Á, trong khi các nước này đều chịu áp lực nặng nề của Trung Quốc.

Tại sao cả Trung lẫn Nga lại “hùa” nhau đẩy các nước như Việt Nam hay Philippines vào một tình thế bất lợi về mặt pháp lý sau một phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) mà chính Tổng thống khó đoán định như Duterte vẫn từng đánh giá là “thắng lợi lịch sử”?

Còn nhớ hôm 5/9/2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin gây ngạc nhiên đối với toàn thế giới khi ông tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc không công nhận Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague trong vụ kiện biển đảo của Philippines: “Chúng tôi đoàn kết và ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong việc không công nhận phán quyết của Tòa trọng tài”. Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi Hội nghị G20 kết thúc ở Trung Quốc, ông Putin cũng nói can thiệp của các nước ngoài vào khu vực Biển Đông chỉ gây hại cho tình hình. Đây là lần đầu tiên Nga công khai ủng hộ Bắc Kinh trong vấn đề này.

Những người quan tâm chưa quên, cách đấy không lâu, tại buổi họp báo thường kỳ vào cuối tháng 6/2016, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova còn tuyên bố:“Chúng tôi cho rằng các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nên tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc không sử dụng vũ lực và tiếp tục tìm kiếm các giải pháp ngoại giao, chính trị để giải quyết các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế… Nga không phải là một bên tham gia vào tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và sẽ không bị lôi kéo vào những tranh chấp này. Chúng tôi không đứng về phía nào”. 

Thật là lưỡi không xương!

Không dừng lại ở đó, Trung Quốc và Nga còn công bố về một kế hoạch tập trận “chiếm lại các đảo trên Biển Đông”. Cả hai đều khẳng định cuộc tập trận chung lần này không nhằm vào bên thứ ba nào cả. Tuy nhiên, giới chuyên gia từ cả hai phía lại ra sức cổ súy cho “sự phối hợp chiến lược” giữa hai nước. Trong bài bình luận đăng trên Hoàn cầu Thời báo, Giáo sư La Anh Kiệt thuộc Đại học Quan hệ quốc tế (Trung Quốc) tuyên bố cuộc tập trận “cho thế giới thấy Nga đã đứng về phía Trung Quốc”. Giáo sư Lý Hưng thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh thì hung hăng hơn: “Cuộc tập trận chung chứng minh Trung Quốc có khả năng, lẫn quyết tâm bảo vệ những lợi ích cốt lõi và sẽ không bao giờ trao đổi chủ quyền với nước khác”. 

Phải chăng nước Nga đã thay đổi lập trường so với trước đây? Nay Mátxcơva không còn trung lập trên vấn đề Biển Đông, mà đã đứng về phía Trung Quốc, làm cho so sánh lực lượng quân sự trong vùng thay đổi theo chiều hướng có lợi cho Bắc Kinh? Trên vấn đề này, bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS ở Washington tỏ ra rất dè dặt. Trả lời nhật báo Mỹ New York Times ngày 29/7, chuyên gia này cho rằng cuộc tập trận hải quân chung Nga – Trung có lẽ nhằm mục tiêu phô trương quan hệ gắn bó giữa hai nước có liên can vào một thời điểm căng thẳng, hơn là một sự thay đổi quân sự đáng kể trong khu vực.

Như vậy, từ G20, qua việc chống phán quyết của Tòa trọng tài, đến tập trận chung… tất cả những sự kiện này chỉ như “cuộc tình một đêm”, chỉ là biện pháp nhất thời Nga ủng hộ Trung Quốc trong việc diễu “cơ bắp” nhằm thể hiện tham vọng biển đảo của Bắc Kinh, qua đó chủ yếu nhằm đối phó với sức ép từ công chúng cũng như giới quân đội. Không ngẫu nhiên, truyền thông Trung Quốc nói nhiều về cuộc tập trận này. Tuy nhiên, khác với Trung Quốc, sớm tuyên bố sẽ tập trận chung với Nga ở Biển Đông (từ ngày 28/7), phía Nga im lặng khá lâu về vấn đề này, gần một tháng sau mới xác nhận thông tin về kế hoạch liên quan.

Hiện tại giữa hai nước vẫn tồn tại cạnh tranh chiến lược tại khu vực Trung Á và châu Á – Thái Bình Dương. Mátxcơva không nguôi lo ngại khi Bắc Kinh tăng cường hiện diện ở các quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô trước đây cũng như khu vực Siberia. Mặt khác, Nga cũng có quan hệ hợp tác thân thiết với nhiều đối tác quan trọng ở Đông Nam Á nên nước này vẫn rất thận trọng trong việc tỏ thái độ liên quan trực tiếp đến tranh chấp trên Biển Đông. Theo giới chuyên gia, đó là lý do khu vực tập trận vừa qua nằm ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, không thuộc vùng tranh chấp và Nga chỉ huy động một số tàu chiến cũ từ thời Liên Xô tham gia tập trận, và không đưa tàu ngầm tham gia.

Mặt khác, tờ South China Morning Post dẫn lời nhà phân tích Antony Wong ở Macau chỉ ra rằng hệ thống thông tin chung mà hai bên sử dụng trong tập trận chỉ giới hạn cho việc trao đổi radar và dữ liệu sonar. “So sánh với hệ thống kết nối dữ liệu mà Mỹ chia sẻ với các đồng minh NATO, có thể thấy gần như không có sự tin tưởng giữa Trung Quốc và Nga”. Ông Wong nhận định…. Có một giải thích rất đơn giản cho câu hỏi tại sao Nga lại đột ngột thay đổi lập trường: Nga có thể sắp lâm vào tình trạng bị phân xử tương tự với Ukraine. Hồi cuối tháng 8/2016, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho hay Ukraine đang cân nhắc việc kiện Nga lên PCA theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS-1982) về Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Crimea. Khiếu nại có thể bao gồm các vùng biển Azov, Biển Đen và eo biển Kerch cùng tài nguyên tại các vùng biển ở đó…

Quan hệ Trung – Nga vốn “đồng sàng dị mộng” là cách nói của giới bình luận quốc tế khi mổ sẻ chất lượng của mối bang giao khá nhiều duyên nợ này trong lịch sử. Mỹ được cho là nhân tố thúc đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau. Tương tác tay ba Trung – Nga – Mỹ hiện nay thường được ví như một thế “tam quốc chí” mới. Mới vì nó khác xa với những năm trước khi Liên Xô sụp đổ.

Thời bấy giờ Mỹ chơi con bài Trung Quốc chống Xô Viết. Nay Liên Xô không còn nữa, Trung Quốc đang “ôn cố tri tân”, chơi con bài Nga để chống Mỹ (giống như trước đây, Bắc Kinh từng chơi con bài Mỹ để đối trọng lại Liên Xô). Trước những khó khăn hiện nay của Nga, cạnh tranh Mỹ – Nga sẽ ngày càng quyết liệt, Quốc hội Mỹ mới đây đã thông qua các biện pháp trừng phạt nặng nề hơn nhằm gây áp lực lên Nga. Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung – Nga sẽ tiếp tục, việc Trung Quốc duy trì mối quan hệ như thế nào với Mỹ và Nga trong tam giác “bất cân đối” này không chỉ phải tính đến các yếu tố lịch sử đã qua, mà chủ yếu phải xuất phát từ nhu cầu lợi ích quốc gia sắp tới.

Động thái vừa qua của Trung Quốc và Nga đã xâm hại đến lợi ích an ninh của Việt Nam và các nước liên quan trong khu vực. 

Và rất cần phải tỏ thái độ.

RELATED ARTICLES

Tin mới