Theo tờ SCMP, Trung Quốc đã đưa 8 hệ thống cảm biến đến Biển Đông để thực hiện nhiều mục đích khác nhau, trong đó bao gồm cả mục đích quân sự.
Hệ thống cảm biến Trung Quốc đưa xuống Biển Đông.
Trung Quốc đưa cảm biến đến Biển Đông
SCMP dẫn nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết, nước này có kế hoạch đưa tổng cộng 20 cảm biến xuống Biển Đông. Trong những hệ thống cảm biến này, gồm 8 cảm biến đã đưa đến Biển Đông trong tháng 9/2016 đều nằm trong một dự án quan sát toàn cầu, với sự tham gia của hơn 30 nước. Tổng cộng cả hệ thống có 3.800 cảm biến rải rác trên khắp thế giới.
Theo đó, những thông tin thu thập được chia sẻ cho tất cả các nước trong dự án. Theo SCMP, những cảm biến này có hình trụ dài khoảng 2 mét và nặng tới 30 kg, thường hiện diện ở khu vực sâu 1 km dưới mặt nước. Tuy nhiên, cảm biến này có thể hoạt động sâu hơn hoặc nổi trên mặt nước để thu thập dữ liệu về đại dương, như nhiệt độ nước biển, độ mặn…
Những dữ liệu thu thập được có thể dùng dể dự báo thời tiết, đánh cá và cả hoạt động quân sự. “So với những nơi gần bờ, Trung Quốc chưa có nhiều hiểu biết về Biển Đông”, Giám đốc dự án, Xu Jianping nói và cho biết thêm “Nhưng giờ đây tìm hiểu về Biển Đông đã không còn là nhiệm vụ khó khăn với chúng tôi”.
Theo thiết kế, cứ sau 5 ngày cảm biến của Trung Quốc sẽ tự động lặn xuống dưới 2 km để thu thập thông tin và nổi lên để truyền tín hiệu cho vệ tinh định hướng Bắc Đẩu. Để duy trì hoạt động liên tục của cảm biến này, Trung Quốc sẽ đưa 10 cảm biến mới xuống Biển Đông mỗi năm để thay thế cho những cảm biến cũ hết năng lượng.
Theo Antony Wong Dong, chuyên gia quân sự tại Macau, loạt cảm biến này có khả năng giúp Trung Quốc thu thập thông tin trong hoạt động của tàu ngầm. “Biển Đông rất rộng lớn và Trung Quốc vẫn còn nhiều điểm mù”, ông Wong nói.
Lật tẩy mưu đồ
Như vậy, việc đưa các cảm biến xuống Biển Đông vì mục đích quân sự của Trung Quốc đã khá rõ ràng, động thái này được trang The Diplomat nhận định rằng, thực chất Bắc Kinh đang hiện thực hóa mưu đồ xây dựng “vạn lý trường thành” tại Biển Đông. Thành phần của hệ thống này là các cảm biến, ngư lôi, thiết bị không người lái…
The Diplomat dẫn phân tích của một số chuyên gia: “Vạn lý trường thành” dưới Biển Đông sẽ được Trung Quốc ngụy trang dưới chiêu bài là nhưng dự án nghiên cứu khoa học “phát triển tài nguyên thiên nhiên”. Xây dựng “vạn lý trường thành” tại Biển Đông được cho là nằm trong giai đoạn 3 trong mưu đồ bất chính tại Biển Đông của Trung Quốc.
Trong giai đoạn đầu, Bắc Kinh xây dựng các tiền đồn trên các đảo chiếm đóng, bồi đắp phi pháp, đưa vũ khí – thiết bị quân sự. Ở giai đoạn 2 sẽ là lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ).
Và ở giai đoạn 3, Trung Quốc sẽ trở nên manh động hơn khi nhắm tới mục đích có thể tấn công tên lửa từ tàu ngầm cũng như các cuộc tấn công khác của tàu chiến Hải quân Mỹ. Cách “phòng thủ” như vậy vốn được coi là nhược điểm của quân đội Trung Quốc.
Như vậy, cái Trung Quốc gọi là những dự án nghiên cứu khoa học biển được coi là cái neo cho “vạn lý trường thành ở Biển Đông”, từ đây Bắc Kinh sẽ vận hành một hệ thống các cảm biến cả nổi lẫn chìm nhằm đối phó với mục tiêu của những quốc gia đối địch tại Biển Đông – theo cách gọi của Trung Quốc.