Ông Duterte có thể rời Trung Quốc ra về mang theo khoảng 50 tỉ USD giá trị của các thỏa thuận hợp tác.
The Straits Times ngày 15/10 đưa tin, hôm thứ Tư vừa qua Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ có chuyến thăm chính thức Trung Quốc 4 ngày, bắt đầu từ thứ Ba tuần tới theo lời mời của ông Tập Cận Bình.
Trong khi ông Rodrigo Duterte nói rằng ông sẽ không đụng chạm gì đến Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông, Tổng thống Philippines đang hy vọng có thể thuyết phục ông Tập Cận Bình “cho phép” ngư dân Philippines quay trở lại đầm phá Scarborough đánh bắt như trước.
Giáo sư Li Kaisheng từ Đại học Hạ Môn nhận định: “Nếu Bắc Kinh đồng ý với yêu cầu này thì sẽ rất khó khăn, vì Trung Quốc đã công khai tuyên bố không chấp nhận Phán quyết Trọng tài. Đồng ý với yêu cầu này là mặc nhiên thừa nhận Phán quyết Trọng tài.”
Trước chuyến thăm, ông chủ Điện Manacanang nhiều lần đưa ra những tuyên bố gây sốc chỉ trích Hoa Kỳ và Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên giới phân tích Trung Quốc cho rằng, mong đợi Manila có bất kỳ thay đổi thực sự nào trong quan hệ với Washington là không thực tế.
Ông Hứa Lợi Bình. |
Hứa Lợi Bình, một nhà nghiên cứu Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng, cơ bản Rodrigo Duterte đang áp dụng chiến lược cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Những phát ngôn gây sốc vừa qua chỉ là xu hướng, tính cách cá nhân.
Chuyên gia Đông Nam Á từ Đại học Kỵ Nam, ông Trương Minh Lượng thì nhận xét, Bắc Kinh nhận thức rõ rằng mặc dù Tổng thống Philippines đe dọa kết thúc các cuộc tập trận chung với Mỹ ở Biển Đông, các nguyên tắc cơ bản của quan hệ Mỹ – Philippines sẽ không thay đổi.
Tiến sĩ Zha Wen đến từ Đại học Ngoại giao Trung Quốc lại đưa ra nhận định hơi khác, Bắc Kinh cũng chẳng mong cầu Philippines thoát khỏi vòng tay của Mỹ. Trung Quốc không quan tâm đến giả định về một trò chơi có tổng bằng không.
Một điểm nổi bật trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Rodrigo Duterte là tăng cường hợp tác kinh tế. Theo ông Hứa Lợi Bình, ông Duterte có thể rời Trung Quốc ra về mang theo khoảng 50 tỉ USD giá trị của các thỏa thuận hợp tác.
“Đã đến lúc Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế – thương mại với Philippines, thúc đẩy sáng kiến Một vành đai, một con đường”, ông Bình chia sẻ.
Tuy nhiên dư luận Philippines không phải ai cũng lạc quan với chuyến thăm Trung Quốc như Tổng thống Rodrigo Duterte.
Thẩm phán Tòa án tối cao nước này, Antonio Carpio đã cảnh báo ông chủ Điện Manacanang rằng, Trung Quốc có thể yêu cầu Manila phải thừa nhận cái gọi là “chủ quyền” của họ ở Biển Đông trước khi đồng ý bất kỳ giao dịch, dự án nào tiến hành khai thác chung.
Ông cho biết, trong chuyến đi phá băng của cựu Tổng thống Fidel Ramos đến Hồng Kông gặp đại diện Trung Quốc, Ngô Sĩ Tồn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông đã nói với ông Ramos rằng, trước khi diễn ra bất kỳ hoạt động khai thác chung nào, Philippines phải thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Scarborough.
“Trước tiên, các ông phải thừ nhận rằng chúng tôi sở hữu nó, sau đó chúng tôi sẽ chia sẻ với các ông theo tỉ lệ 50-50.
Tổng thống Philippines sắp đến đó, tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ ra điều kiện như thế. Vì vậy nếu Tổng thống trở về nước với những thỏa thuận, chúng tôi muốn biết điều khoản của những thỏa thuận đó”, ông Carpio giải thích.
Người viết cho rằng bình luận của những học giả Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh không chỉ “bắt bài” ông Rodrigo Duterte, mà còn tương kế tựu kế từng bước thực hiện việc triển khai chiến lược Một vành đai, một con đường, tạo thành những gọng kìm kinh tế từng bước gắn chặt Philippines vào Trung Hoa đại lục.
Bởi lẽ Trung Quốc đã tạo ra cái gọi là “trạng thái bình thường mới” ở Biển Đông mà ngay cả Hoa Kỳ cũng chẳng làm gì được. Giờ có lẽ chưa phải lúc Bắc Kinh manh động, liều lĩnh hơn nữa ở Biển Đông.
Ngược lại, Trung Quốc sẽ dùng “lạt mềm kinh tế” để từng bước buộc Philippines vào quỹ đạo. Nhiều khả năng ông Rodrigo Duterte sẽ mang về những món quà từ Bắc Kinh mà không phải “hứa” điều gì.
Scarborough thì Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát rồi, đảo nhân tạo và 3 đường băng quân sự bất hợp pháp họ cũng đã xây xong ở Trường Sa.
Điều tiếp theo Trung Quốc sẽ làm, theo người viết là dùng sợi lạt mang tên Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 để cột cả đối tác lẫn đối thủ vào vòng ảnh hưởng của mình.
Tuy nhiên ông Rodrigo Duterte đã không giấu giếm mục đích kiếm tìm các kế hoạch, thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và mở cửa thị trường của Bắc Kinh.
Người viết chỉ hy vọng rằng ông Rodrigo Duterte và các nhà lãnh đạo Philippines có thể rút ra các bài học về đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài, tránh để đội vốn, chậm tiến độ và rất nhiều hệ lụy khác từ nhà thầu Trung Quốc như đã và đang diễn ra tại hầu hết các quốc gia trong khu vực.
Bởi lẽ bên cạnh chiến lược tranh giành vị thế siêu cường về kinh tế, Trung Quốc cũng đang phải lo xử lý tái cơ cấu nền kinh tế từ công xưởng hàng giá rẻ của thế giới sang nền kinh tế dịch vụ, những công nghệ và nhà máy lạc hậu, gây ô nhiễm sẽ được họ chuyển ra nước ngoài qua các định chế tài chính như AIIB, Quỹ Con đường tơ lụa…