Tuesday, November 5, 2024
Trang chủĐiểm tinMỹ sẽ đem vũ khí hạt nhân đến nước đồng minh Hàn...

Mỹ sẽ đem vũ khí hạt nhân đến nước đồng minh Hàn Quốc

Quân đội Mỹ đã rút vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi Hàn Quốc vào năm 1991, nhưng do bán đảo Triều Tiên leo thang căng thẳng, kiến nghị tái bố trí thứ vũ khí siêu nguy hiểm này đã xuất hiện.

Phản ứng trước việc Triều Tiên thử hạt nhân, Mỹ đã cử máy bay ném bom
chiến lược B-52 có thể đánh đòn hạt nhân bay tới Hàn Quốc. Ảnh minh họa.

Mới đây, Hội nghị Tư vấn dân chủ hòa bình thống nhất, một tổ chức tư vấn chính sách về Triều Tiên của Hàn Quốc, đã kiến nghị với Tổng thống nước này, bà Park Geun-hye, về việc tìm kiếm khả năng tái bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật mà quân đội Mỹ đã rút đi từ năm 1991.

Tổ chức trên cho rằng động thái này không chỉ giúp ngăn chặn Triều Tiêu thúc đẩy chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, mà còn có thể sử dụng để gây áp lực hiệu quả, hối thúc Trung Quốc trừng phạt Triều Tiên.

Theo hãng tin Kyodo của Nhật Bản, đề xuất nêu trên của Hội nghị Tư vấn dân chủ hòa bình thống nhất có thể phản ánh ý hướng của Chính phủ Hàn Quốc. Tới nay, bà Park Geun-hye vẫn giữ thái độ phủ định đối với việc tái bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Hàn Quốc.

Tuy nhiên, đề xuất nêu trên có thể sẽ mở đường cho sự thay đổi và đây sẽ là một nội dung rất đáng quan tâm chú ý trong cuộc Đối thoại 2+2 (Ngoại giao-Quốc phòng) cấp Bộ trưởng giữa Mỹ và Hàn Quốc tại Washington kết thúc vào ngày 19/10 tới sau một tuần nhóm họp.

Gần đây, tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng, nhất là sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ 5 và đang có dấu hiệu chuẩn bị là lần thử mới.

Trong bối cảnh đó, mối quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ càng được nhấn mạnh và câu hỏi đặt ra là trong cuộc Đối thoại 2+2 ở Washington, Seoul có nêu yêu cầu thay đổi phương thức nâng cao sức mạnh quân sự cho đồng minh của Mỹ để tăng cường khả năng ngăn chặn hay không. 

Bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật tại các căn cứ Mỹ ở Hàn Quốc là một phương thức hiệu quả để nâng cao sức mạnh của “chiếc ô hạt nhân”, nói cách khác là nội dụng cốt lõi để tăng cường khả năng ngăn chặn. Nhưng nếu vậy, động thái này khó tránh được sự phản đối quyết liệt từ phía Trung Quốc.

Trong một diễn biến liên quan, Đài BBC của Anh cho hay hiện nay, tiếng nói ủng hộ sở hữu hạt nhân ở Hàn Quốc đã tăng lên. Kết quả điều tra dư luận tháng 9/2016 cho thấy 58% số người được hỏi tán thành việc Hàn Quốc sở hữu hạt nhân.

Do lo lắng vũ khí hạt nhân sẽ mở rộng tới Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc), chính quyền của bà Park Geun-hye đã phản đối việc sở hữu hạt nhân, cho nên, sự xuất hiện của kiến nghị tái bố trí vũ khí hạt nhân cũng có thể là nhằm kiềm chế thuyết sở hữu hạt nhân ở nước này.

RELATED ARTICLES

Tin mới