Friday, November 29, 2024
Trang chủĐiểm tinDuterte sẽ mất uy thế nói về Biển Đông trước TQ

Duterte sẽ mất uy thế nói về Biển Đông trước TQ

Chuyến thăm sắp tới Trung Quốc và Nhật Bản trong tuần này của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ là phép thử liệu những tuyên bố chống Mỹ của ông này có thể tạo ra những biến động an ninh trên Biển Đông.

Tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công tàu cá Philippines gần bãi cạn Scarborough trên Biển Đông hồi năm ngoái. 

Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Philippines hồi tháng Sáu, ông Duterte đã nhiều lần có những tuyên bố nhấn mạnh giảm dần mối quan hệ đồng minh lâu đời với Washington để kết thân với Trung Quốc. Động thái của Philippines sẽ tạo ra tác động lớn đối với vấn đề chủ quyền biển đảo trong khu vực khi mà Bắc Kinh vẫn không ngừng cải tạo và xây dựng trái phép trên Biển Đông. 

Theo một số nhà phân tích, thực tế, ông Duterte cũng không kỳ vọng nhiều vào việc Trung Quốc sẽ trao cơ hội gì cho Philippines song ông này vẫn muốn làm dịu đi căng thẳng giữa hai nước liên quan tới vấn đề tranh chấp Biển Đông bằng cách công khai chỉ trích Mỹ. 

Ông Richard Javad Heydarian, phó Giáo sư tại Đại học De La Salle ở Manila nhận định Tổng thống Duterte muốn “mặc cả” với Trung Quốc. Cụ thể, Philippines giảm dần quan hệ an ninh với Mỹ đổi lại Trung Quốc sẽ hỗ trợ tài chính và nhượng bộ Manila trong khu vực đang tranh chấp chủ quyền. 

“Tôi nghi ngờ về việc Trung Quốc sẽ đưa ra một thỏa thuận làm hài lòng đôi bên với Philippines. Ông Duterte dường như quá ngây thơ khi cho rằng Trung Quốc sẵn lòng và đánh giá cao những lời công kích Mỹ, mà ngay lập tức trao cho ông này cái gì đó”, tờ Financial Times dẫn lời ông Heydarian.  

Trong tuần này, ông Duterte sẽ thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc và Nhật Bản trên cương vị Tổng thống Philippinjes. Phát biểu tại Manila hồi đầu tháng 10, ông Duterte từng tuyên bố Tổng thống Mỹ Barack Obama nên “xuống địa ngục” khi cho rằng Washington không chịu bán vũ khí cho Manila đồng thời xem xét lại việc nên hay không tiếp tục hiệp ước an ninh song phương mà hai nước ký kết hồi năm 1951 cũng như tìm kiếm nguồn cung vũ khí từ Nga và Trung Quốc. 

Tuy nhiên, lâu nay, giới lãnh đạo Philippines vẫn nhiều lần có những tuyên bố trái chiều nhau. Ngay cả bản thân ông Duterte hồi tuần trước cũng cam kết duy trì các hiệp ước và liên minh quân sự hiện thời song khẳng định thi hành một chính sách đối ngoại “độc lập” cũng như chấm dứt các cuộc tập trận chung quân sự với Mỹ. 

Theo ông Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực châu Á, Manila sẽ đưa ra quyết định về các mối liên minh của mình “một cách thận trọng và có tính toán” bất chấp những ồn ào hiện tại. 

Còn theo Giáo sư Dennis Wilder thuộc Đại học Georgetown ở Washington, những lời chỉ trích Mỹ của Tổng thống Duterte dường như đang làm ông này bị yếu thế trong các cuộc thảo luận với Bắc Kinh. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Philippines cũng nên ghi nhớ cuộc xung đột năm 2012 giữa Manila và Bắc Kinh tại bãi cạn Scarborough trên Biển Đông. Và kể từ đó, Trung Quốc đã có hành động ngăn cản không cho tàu thuyền và ngư dân Philippines tới gần khu vực này. 

“Trung Quốc vẫn chưa cho rút hạm đội tàu cá khỏi bãi cạn Scarborough. Ông Duterte cũng sẽ khôn ngoan không nhanh chóng tiến tới ký kết thỏa thuận với Trung Quốc”, Giáo sư Wilder nói. 

Trong khi đó, Trung Quốc dường như đang hy vọng Tổng thống Duterte sẽ không công nhận phán quyết hồi tháng Bảy của Tòa trọng tài quốc tế phủ nhận chủ quyền phi lý “đường chín đoạn” của Bắc Kinh trên Biển Đông. Ngoài ra, chính quyền của ông Tập Cận Bình cũng kỳ vọng chính sách ngoại giao độc lập mới của Philippines sẽ giúp Bắc Kinh mở rộng quyền lực.  

Trước đó, chính quyền của cựu Tổng thống Benigno Aquino đã gửi đơn kiện Trung Quốc lên Tòa quốc tế hồi năm 2013 để phản đối hành động Bắc Kinh ngang nhiên xâm chiếm chủ quyền Biển Đông, tuyến đường biển mang lại giá trị thương mại hơn 5 ngàn tỷ USD/năm. 

“Việc đạt được bất cứ kết quả mang tính đột phá trong các tranh chấp chủ quyền Biển Đông vào thời điểm hiện tại là phi thực tế. Điều mà hai nước có thể kỳ vọng chỉ có thể là cùng hợp tác đánh bắt và khai thác khí đốt, cũng như xây dựng một mô hình phát triển trên Biển Đông cho các quốc gia khác”, nhà nghiên cứu Xu Lipin tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc nhấn mạnh. 

Ông Walden Bello, cựu quan chức Philippines cho biết ông kỳ vọng Tổng thống Duterte “sẽ cố gắng dàn xếp với Trung Quốc” mặc dù Philippines vẫn đang bị ràng buộc vì các cam kết an ninh và quốc phòng với Mỹ. 

Tuyên bố “xích lại gần Trung Quốc” của Tổng thống Duterte cũng đang khiến Nhật Bản vô cùng lo lắng. Trong hàng thập niên qua, cơ quan viện trợ quốc tế của Nhật Bản đã đổ hàng tỷ yên nhằm giúp chính phủ Philippines chấm dứt cuộc xung đột kéo dài với nhóm phiến quân trên hòn đảo phía nam Mindanao. 

Thậm chí, Tokyo coi Philippines là một trong những đối tác ưu tiên chiến lược hàng đầu đồng thời xây dựng quan hệ hợp tác kinh tế và quốc phòng. Cùng có tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông với Trung Quốc, Nhật Bản sẵn lòng đứng về phía nhóm các quốc gia đối đầu với Bắc Kinh trong khu vực. Còn trong tháng này, Tổng thống Philippines đã gửi lời “cảm ơn chân thành” tới Tokyo khi gửi 10 tàu tuần tra đầu tiên cho Manila. 

Còn theo Financial Times, Nhật Bản xem những lời chỉ trích Mỹ của Tổng thống Duterte chỉ nhằm thể hiện chủ nghĩa dân tộc chứ không phải là chiến lược dịch chuyển sang Trung Quốc. Tuy nhiên, các quan chức Bộ ngoại giao Nhật Bản quan ngại sự bất hòa giữa Manila và Washington sẽ khiến cuộc chiến chống lại hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông ngày càng gian nan. 
RELATED ARTICLES

Tin mới