Theo tạp chí Chính sách Đối ngoại (FP) của Mỹ, Washington và Moscow đã từng cùng nhau tuân theo những quy tắc bất thành văn, những ranh giới rõ ràng, nhưng thời kì đó đã qua. Giờ đây, có quá nhiều yếu tố nguy hiểm đang ẩn chứa trong mối quan hệ này.
Các lực lượng Nga tại Crimea hồi năm 2014.
Hàng loạt quy tắc bị vứt bỏ
Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ “thừa hưởng” mối quan hệ căng thẳng với Nga, trong đó những nỗ lực của Washington nhằm ngăn chặn Nga đã gần như thất bại. Theo FP, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin hủy các thỏa thuận hạt nhân với Mỹ đang đẩy Mỹ vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, nguy hiểm. Hay việc Nga triển khai các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới Kaliningrad ở Baltic đã cho thấy ông Putin đang thể hiện sức mạnh của Nga theo những cách thức mới và không thể lường trước được.
Các quan chức Mỹ cho biết họ thất vọng với quyết định hủy hàng loạt thỏa thuận hạt nhân của Moscow và vô cùng lo ngại về những hành động sau đó. FP dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay: “Việc Nga triển khai tên lửa Iskander đến Kaliningrad ở Baltic là biểu hiện mới nhất trong một loạt những tuyên bố và hành động của Nga, dẫn đến những hoài nghi về cam kết của Nga trong việc giảm thiểu các vật liệu hạt nhân nguy hiểm nhất thế giới và phá hoại con đường dài hướng tới giải trừ quân bị”.
Julianne Smith, cựu quan chức Nhà Trắng, hiện là học giả cấp cao của Trung tâm nghiên cứu về An ninh Mới của Mỹ (Center for a New American Security), nhận định: “Cảm giác giống hệt như chúng ta đang bước vào một giai đoạn vô cùng khó khăn và nguy hiểm của mối quan hệ song phương này. Tân tổng thống sẽ phải đối mặt với một số lựa chọn chiến lược lớn”. Hơn nữa, những lựa chọn đó đều nguy hiểm và không hề dễ chịu bởi nó có mục tiêu không hề đơn giản là đối đầu với một nước Nga đang trỗi dậy, khó đoán.
Sau khi chính quyền Obama thất bại trong việc thiết lập lại chính sách với điện Kremlin sự trở lại với vai trò Tổng thống Nga của ông Putin năm 2012, nước Nga đã tham gia vào ngày càng nhiều vấn đề trên thế giới cũng như từ chối hợp tác với Washington, thậm chí cả trong những lĩnh vực mà Moscow cũng có lợi nhằm buộc Mỹ phải nhượng bộ.
Điều đó trái ngược với những gì đã xảy ra trong thời kỳ hai siêu cường có vẻ hòa thuận vào những năm 1970 khi họ cùng tuân theo những quy tắc bất thành văn và những ranh giới rõ ràng. Ví dụ, khi đó, những quyết định về vũ khí hạt nhân luôn tách biệt hẳn những vấn đề và tranh chấp trên toàn cầu.
Theo FP, những quy tắc giữa hai cường quốc bắt đầu bị vứt bỏ sau khi điện Kremlin sáp nhập Crimea và can thiệp quân sự vào Syria. Chúng đánh dấu một sự “chia tay” dứt khoát giữa Moscow và Washington.
Khi tuyên bố hủy thỏa thuận năm 2009 giữa hai nước về loại bỏ plutonium ở cấp độ vũ khí hôm 3/10, Moscow cho biết sẽ chỉ xem xét phục hồi thỏa thuận nếu Mỹ giảm quy mô hiện diện quân sự gần biên giới với Nga, gỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt chống lại nước Nga, và trả tiền bồi thường cho những thiệt hại kinh tế mà Nga phải gánh chịu vì những biện pháp trừng phạt đó. Những điều kiện trên được đánh giá là “khó như lên trời”.
Chính sách mềm mỏng của Mỹ sẽ “ra đi” cùng ông Obama?
Hiện tại, chính quyền Obama giải quyết mối quan hệ với Nga bằng chính sách mập mờ giữa đối đầu và thỏa hiệp bởi cho rằng ngăn chặn Nga đòi hỏi một sự kiên nhẫn chiến lược. Các biện pháp trừng phạt kinh tế, chứ không phải dùng vũ lực, là “vũ khí” mà Mỹ đã lựa chọn sau khi Moscow sáp nhập Crimea. Tuy nhiên, tác động của chúng đối với Nga được cho là không đáng kể. Ngược lại, chúng còn chia rẽ châu Âu.
Các quan chức Mỹ và châu Âu ngày càng lo sợ rằng ông Putin đang sẵn sàng đối đầu quân sự và sử dụng vũ khí hạt nhân để giải quyết những vấn đề mâu thuẫn với phương Tây và Mỹ. Chính vì vậy, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã, đang và khó tìm được biện pháp hiệu quả để ứng phó với những chiến thuật táo bạo của ông Putin. Cho đến giờ, Washington vẫn chưa thể làm được gì khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 hay hỗ trợ cho quân chính phủ Syria.
Mặc dù Mỹ vẫn đang dùng chiến lược khá mềm mỏng với Nga, nhưng trong tương lai, điều đó có thể thay đổi bởi các biện pháp trừng phạt kinh tế dường như đang vô tác dụng. “Mồi lửa” có thể dẫn đến chiến tranh Nga – Mỹ hiện nay là việc Mỹ áp đặt vùng cấm bay ở Syria. Theo giới chuyên gia, khả năng trên không hề khó xảy ra, đặc biệt là nếu bà Hillary Clinton trở thành tân Tổng thống Mỹ bởi bà đã từng tuyên bố ủng hộ kế hoạch đó.