Các nhà khoa học Trung Quốc đang chế tạo một thiết bị có khả năng phát hiện tàu ngầm từ vũ trụ bằng cách dò sóng phát ra từ tàu ngầm. Hôm qua, Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Thần Châu XI mang theo 2 phi hành gia.
Một chiếc tàu ngầm của Hải quân Mỹ. Ảnh: Navy Seals
Các phi hành gia Trung Quốc đã đóng nhiều vai trò trong vũ trụ, như giáo viên, thợ cơ khí, khách du lịch… Nhưng tất cả các lớp học về khoa học, các sứ mệnh sửa chữa thiết bị hay đi bộ, vẫy cờ trong không gian cũng đều nhằm che đi một sự thật, rằng họ đều là quân nhân, báo Hong Kong South China Morning Post đưa tin ngày 17/10. Đến nay, chương trình vũ trụ có người lái của Trung Quốc chưa mang lại nhiều cơ hội cho các phi hành gia nước này thực hiện vai trò quân sự, nhưng điều đó sẽ thay đổi khi trạm vũ trụ của Trung Quốc hoàn thiện trong 6 năm tới.
Giá trị quân sự tiềm năng
Một nhiệm vụ nổi bật mà Trung Quốc xác định cần sớm hoàn thành là phát hiện, theo dấu các tàu ngầm hạt nhân từ vũ trụ, dựa trên một bước đột phá về công nghệ mà giới khoa học nước này đã đạt được. Xinhua đưa tin, tàu vũ trụ Thần Châu XI mang theo 2 phi hành gia được phóng lên từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền vào sáng qua sẽ sớm cập bến phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung-2, nơi đang có chiếc đồng hồ nguyên tử lạnh đầu tiên của thế giới.
Chiếc đồng hồ cực kỳ chính xác đó được trang bị công nghệ lõi giống như những chiếc giao thoa kế nguyên tử lạnh, có thể đo lường những thay đổi nhỏ nhất trong lực hấp dẫn nhờ độ nhạy chưa từng có. Một trong những thiết bị như vậy sẽ được chế tạo và đưa vào trạm vũ trụ của Trung Quốc và có khả năng được sử dụng để truy tìm dấu vết của các tàu ngầm hạt nhân.
Tàu ngầm hạt nhân thường có kích thước lớn, có thể dài tới hơn 170m và lượng choán nước 48.000 m3. Khi chạy dưới mặt nước biển vài trăm mét, tàu ngầm hạt nhân tạo ra nhiều sóng hấp dẫn. Một thiết bị cảm biến cực kỳ nhạy có thể nắm bắt và phân tích những sóng vô hình này để xác định vị trí và đi theo tàu ngầm. Sử dụng giao thoa kế nguyên tử lạnh để phát hiện tàu ngầm vốn là một công nghệ gây tranh cãi.
Một số nhà khoa học cho rằng, những thách thức kỹ thuật to lớn khiến công nghệ này không thể hoạt động hiệu quả, đặc biệt từ vũ trụ. Những người khác cho rằng, công nghệ này rất đáng thử. Trung Quốc có thể là nước đầu tiên thử làm điều này, South China Morning Postdẫn lời một nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ vũ trụ Trung Quốc, trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết. Đây là cơ quan đề xướng và thiết kế hầu hết các dự án vũ trụ của Trung Quốc.
Giao thoa kế nguyên tử lạnh có thể là một phần của phòng thí nghiệm nguyên tử siêu lạnh trong module thí nghiệm của trạm vũ trụ, nhà khoa học giấu tên cho biết. “Giá trị quân sự tiềm năng của công nghệ này không được thảo luận công khai, nhưng đó là bí mật ai cũng biết trong cộng đồng nghiên cứu”, ông nói.
Phát triển hải quân viễn dương
GS Tu Liangcheng, người từng nghiên cứu về đo lường trọng lực tại ĐH Khoa học Công nghệ Huazhong tại Vũ Hán, cho biết, chính phủ Trung Quốc những năm gần đây đã tăng đáng kể mức đầu tư cho công nghệ phát hiện tàu ngầm. “Có một sự chuyển đổi trong thái độ của hải quân đối với chiến tranh tàu ngầm”, GS Tu nói. Nhà khoa học này đã tham gia nhiều dự án nghiên cứu quân sự.
Trước đây, Trung Quốc chú ý nhiều hơn đến việc tự chế tạo tàu ngầm và công nghệ để khiến chúng trở nên tĩnh lặng hơn, mạnh mẽ hơn và có khả năng hoạt động dưới nước lâu hơn, trong khi không chú ý đến hoạt động của tàu ngầm của các nước khác, trừ khi tàu ngầm nước ngoài đi vào vùng biển của Trung Quốc. Nhưng việc đầu tư cho công nghệ săn tàu ngầm, trong đó có kỹ thuật đo trọng lực, đang ngày càng được chú ý, GS Tu cho biết.
Sự thay đổi này cho thấy tham vọng của Trung Quốc trong việc phát triển lực lượng hải quân viễn dương để bảo vệ lợi ích quốc gia của họ dọc các tuyến thương mại biển quan trọng khắp toàn cầu. GS Tu nói rằng, hải quân Trung Quốc rất muốn phát hiện các tàu ngầm hạt nhân nước ngoài, nhưng họ đang đi sau Mỹ khoảng 30 năm trong lĩnh vực này. “Giờ đây, chúng tôi đã có đủ tiền, và sức mạnh của Trung Quốc trong nghiên cứu đã ngang hàng với Mỹ và châu Âu. Nhưng áp lực rất lớn vì có kỳ vọng cao vào việc đạt đột phá nhanh chóng, và chúng tôi thiếu nhân lực”, ông Tu nói.
Có nhiều cách để đo dao động trọng lực. Một tàu vũ trụ Grace do Mỹ và Đức phóng năm 2002 sử dụng một cặp vệ tinh để đo lường những dao động trong trường hấp dẫn của Trái đất. Nhưng giao thoa kế nguyên tử lạnh sắp được đưa lên trạm vũ trụ của Trung Quốc sẽ chính xác hơn vì có thể đo lường dao động ở cấp độ nguyên tử.