Báo The Hindu (Ấn Độ) ngày 18/10 cho hay, nước này đã âm thầm hoàn thiện “bộ ba hạt nhân” của mình với việc đưa chiếc tàu ngầm hạt nhân tự đóng INS Arihant vào hoạt động.
Với sự góp mặt của INS Arihant, quân đội Ấn Độ đã có khả năng tấn công hạt nhân từ “bộ ba” trên biển, trên không và trên bộ, đồng thời trở thành quốc gia thứ 6 trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân (bên cạnh Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc).
Đài truyền hình NewsX của Ấn Độ cho hay, hồi tháng 2 năm nay, quân đội Ấn Độ tuyên bố đã thử nghiệm thành công nhiều loại vũ khí trên tàu ngầm INS Arihant.
Theo NewsX, so với các loại vũ khí phóng từ trên không và trên bộ, các vũ khí hạt nhân trên biển như tàu ngầm hạt nhân có ưu thế rất lớn là khó bị đeo bám hoặc tiêu diệt.
(Ảnh: indiatvnews)
The Hindu cho hay, Bộ quốc phòng Ấn Độ từ chối bình luận về thông tin mới liên quan đến INS Arihant.
Tuy nhiên, “nguồn tin thân cận” trong Bộ này tiết lộ vào tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Narendra Modi “lặng lẽ” đưa chiếc tàu ngầm hạt nhân tự đóng vào biên chế quân đội và bắt đầu giai đoạn vận hành toàn diện.
Kế hoạch hạt nhân Ấn Độ là sự lo lắng của Trung Quốc
Một tham luận về đề tài động cơ thúc đẩy Ấn Độ phát triển hạt nhân do Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc thực hiện năm 2014 nhận định, vũ khí hạt nhân là cánh cửa tiến tới vị thế nước lớn đối với chính phủ và người dân Ấn Độ.
Đồng thời, sở hữu vũ khí hạt nhân là lựa chọn bắt buộc để New Delhi tạo được mối đe dọa nhằm vào “liên minh” Trung Quốc-Pakistan.
Từ trước đến nay, chính sách phát triển hạt nhân của Ấn Độ luôn là điều khiến Bắc Kinh bất mãn. Sau khi Ấn Độ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ hai vào năm 1998, chính phủ Trung Quốc đã cáo buộc New Delhi theo đuổi “chủ nghĩa bá quyền Nam Á”.
Trung Quốc cũng phản đối thỏa thuận hạt nhân mà Ấn Độ ký kết với Mỹ vào năm 2008.
Hay gần đây nhất, quan hệ hai bên có phần rạn nứt khi New Delhi không hài lòng với việc Bắc Kinh “ngáng đường” Ấn Độ gia nhập Nhóm các nước cung ứng hạt nhân (NSG).
Trong nhiều năm liền, truyền thông và giới quân sự Trung Quốc cũng thường xuyên cáo buộc Ấn Độ coi Trung Quốc là “kẻ địch giả tưởng” trong quá trình nghiên cứu phát triển hạt nhân. Bắc Kinh cũng chỉ trích chính phủ Ấn Độ mượn cớ “mối đe dọa Trung Quốc”.
Trong vai trò quốc gia láng giềng quan trọng của Trung Quốc, việc Ấn Độ sở hữu khả năng tấn công hạt nhân từ 3 phương diện được cho là sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường chiến lược và chính sách của Bắc Kinh ở Nam Á.
Theo báo Times of India, bên cạnh mối quan ngại của New Delhi về “chính sách hạt nhân không rõ ràng” của Trung Quốc và Pakistan, sự gia tăng hiện diện với tần suất lớn của các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc trên Ấn Độ Dương đã trở thành mối lo lớn đối với vấn đề an ninh quốc gia của Ấn Độ.