Tư tưởng sinh một con đã ăn sâu bám rễ vào xã hội Trung Quốc, áp lực kinh tế và học hành đè nặng lên các bậc phụ huynh và con trẻ khiến nhiều người không muốn sinh con thứ hai.
Con trai của Han Jing bắt đầu học thêm khi mới 5 tuổi. Cậu bé học thêm tiếng Anh, toán và vẽ để không tụt hậu so với bạn bè ở trường mẫu giáo, theo Washington Post.
“Tôi không muốn thằng bé xấu hổ hay tự ti trong ngày đầu lên tiểu học”, cô nói, lo lắng con trai sẽ kém cỏi so với các bạn đã biết nói tiếng Anh, nhận biết hàng nghìn ký tự tiếng Hán hoặc thậm chí đã biết chơi dương cầm.
Ba năm sau, áp lực của Han Jing còn lớn hơn. Hai vợ chồng cô tốn hơn 10.000 USD một năm cho con đi học thêm, khoản chi phí lớn trong ngân sách gia đình khi mà thu nhập của chồng cô chưa đầy 35.000 USD một năm.
Căn hộ của họ ở Bắc Kinh quá nhỏ, không đủ chỗ ở nếu sinh bé thứ hai, còn muốn chuyển tới căn hộ lớn hơn thì họ không đủ tiền. Tuy nhiên, tiền không chỉ là vấn đề duy nhất ngăn họ sinh con thứ hai, Han nói. Hai vợ chồng cảm thấy kiệt sức vì đang phải dành tất cả thời gian và sức lực cho con trai.
“Chúng tôi rất buồn khi thấy con phải chịu nhiều áp lực, vì thế tôi không muốn một đứa con nữa cũng phải chịu cảnh này”, Han nói.
“Thằng bé mệt mỏi, chúng tôi cũng mệt mỏi. Bất luận là hai vợ chồng hay con, tôi đều cho rằng không ai có thể chịu đựng thêm nữa”.
Chính sách một con ban hành năm 1979 dẫn tới hàng triệu ca nạo phá thai trong nước, tỷ lệ sinh giảm mạnh. Chính quyền Trung Quốc buộc phải thay đổi trước tình trạng dân số đất nước đang nhanh chóng già hóa, đặt gánh nặng lớn cho nền kinh tế. Chính sách một con được nới lỏng năm 2013 và bị xóa bỏ đầu năm nay.
Ở các địa phương, chính quyền cho phụ nữ nghỉ thai sản lâu hơn, tăng thêm vài tháng so với quy định cũ 98 ngày. Tại nhiều thôn làng, khẩu hiệu cấm sinh đẻ được thay thế bằng khẩu hiệu mới như “Rèn luyện sức khỏe, cơ thể tráng kiện, sẵn sàng sinh con thứ hai!” “Ngủ sớm, không bài bạc, làm việc chăm chỉ để sinh con!” “Không bắt bớ, không trừng phạt, hãy sinh con thứ hai nếu muốn!”
Vấn đề là không có nhiều người muốn sinh con thứ hai nữa, trong bối cảnh tư tưởng chỉ sinh một con đã ăn sâu bám rễ vào văn hóa và xã hội Trung Quốc.
Hồi tháng 9, khi lãnh đạo thành phố Yichang ở tỉnh Hồ Bắc đăng thư kêu gọi đảng viên “đáp lại lời kêu gọi của đảng” và “thực hiện đầy đủ chính sách hai con”, một làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội nổ ra.
“Chúng tôi là người, không phải lợn, không phải bảo cấm là cấm, bảo đẻ là đẻ”, một người viết.
Ngay cả Global Times, một báo nhà nước, cũng cho rằng kiến nghị trên là “vô lý và phạm luật”. Thư kiến nghị lập tức biến mất khỏi trang web của ủy ban sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình thành phố Yichang.
Không chỉ học ở trường, trẻ em Trung Quốc còn phải học thêm ngoài giờ và cả ngày cuối tuần. Ảnh: NG |
Chính phủ Trung Quốc cho biết tỷ lệ sinh cả nước trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả nước ghi nhận hơn 800.000 ca sinh nở. Truyền thông nhà nước đưa tin Bắc Kinh đang “bùng nổ sinh nở”, khi mà các bệnh viện hàng đầu thủ đô đã kín lịch đặt sinh, một số bệnh viện đã được đăng ký tới tận tháng 4 sang năm.
Theo Wang Feng, giáo sư đại học California tại Irvine, quận Cam, bang California, Mỹ, những tin tức đó không chính xác. Tỷ lệ sinh này tuy có tăng nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu tăng thêm 2,5 triệu ca sinh nở năm 2016 của chính phủ, Wang nói. Theo ông, tỷ lệ này còn rất khiêm tốn so với nhu cầu sinh nở bị dồn nén từ lâu do chính sách một con gây ra.
Các bệnh viện hàng đầu thủ đô quá tải thể hiện sự bất cập trong quản lý y tế. Nhiều sản phụ dự sinh năm nay có tuổi cao hơn tuổi sinh đẻ trung bình và đều được khuyến khích sinh ở những bệnh viện tuyến đầu để đề phòng biến chứng.
Trên thực tế, khi chính sách một con được nới lỏng năm 2013, cho phép các cặp vợ chồng có vợ hoặc chồng là con một được phép sinh thêm con thứ hai, chỉ có 18% trong số 11 triệu cặp vợ chồng có đủ điều kiện này quyết định sinh thêm con, Wang cho biết.
Làn sóng di cư hàng loạt tới các đô thị lớn, nơi có chi phí sinh hoạt đắt đỏ, đã làm suy giảm tỷ lệ sinh và khiến thanh niên kết hôn muộn hơn, thậm chí là không lập gia đình, Wang nhận xét.
“Về ngắn hạn, Trung Quốc có khả năng tăng dân số nhưng về lâu dài, đất nước chưa chắc đạt được tổng tỷ suất sinh hơn 1,5 con cho một cặp vợ chồng”, Wang nói.
Chính sách một con ở Trung Quốc chỉ được nới lỏng từ năm 2013 và mới được xóa bỏ đầu năm nay. Ảnh: Kevin Frayer |
Xi Wei, bố của một bé trai 9 tuổi, nói rằng anh và vợ sẽ không sinh thêm con. Ngoài giờ học ở trường, con trai của họ phải học thêm giờ ngoại khóa và cả ngày thứ bảy. Cả hai vợ chồng và con trai đều cảm thấy kiệt sức vì áp lực xã hội buộc cậu bé “không được phép tụt hậu”.
Bản thân Xi và vợ đều là con một nên hai người cảm thấy chẳng có vấn đề gì nếu con trai cũng giống họ.
“Sau ngần ấy năm, tất cả mọi người đều đã quen với việc chỉ có một con”, Xi nói. “Không thể sinh con thứ hai khi mà mọi nguồn lực xã hội đều không hỗ trợ việc này”.