Một kết quả cùng thắng cho tất cả các bên là hoàn toàn có thể: Mỹ vẫn giữ được quan hệ đồng minh, Trung Quốc sẽ có thêm người bạn mới có giá trị.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: True News.
South China Morning Post ngày 18/10 đưa tin, giới phân tích Trung Quốc cảnh báo ông Rodrigo Duterte rằng, Bắc Kinh sẽ “chịu đựng” việc ông đưa vấn đề Biển Đông khi sang thăm chính thức, nhưng Tổng thống Philippines đừng gây xáo trộn chuyến thăm.
Ông Rodrigo Duterte đặt chân đến Trung Quốc ngày hôm nay, bắt đầu chuyến thăm chính thức 4 ngày thay vì 2 ngày như kế hoạch ban đầu. Tháp tùng ông có hơn 400 lãnh đạo doanh nghiệp Philippines.
Tổng thống Philippines sẽ hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào thứ Năm này. Ông cũng sẽ hội kiến với Thủ tướng Lý Khắc Cường, Chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang.
Những “cảnh báo” từ giới học giả Trung Quốc
Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông được South China Morning Post dẫn lời nói rằng:
“Nhiệm vụ chính của ông Rodrigo Duterte tại Bắc Kinh là để sửa chữa mối quan hệ song phương, tăng cường hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Đó là điều quan trọng đối với ông ta.
Trung Quốc đã dự kiến từ trước và hoàn toàn hiểu khả năng ông Duterte có thể sẽ nêu vấn đề Phán quyết Trọng tài trong chuyến thăm, vì áp lực từ xã hội và các phe phái chính trị đối lập Philippines.
Nếu không nêu vấn đề này ra, ông ấy không thể ăn nói với người dân nước mình. Tuy nhiên tốt hơn là ông Duterte đừng nhấn mạnh vào Phán quyết Trọng tài, hay yêu cầu đàm phán dựa trên phán quyết này.
Duterte thừa hiểu rằng, ông ta sẽ (chẳng) thu hoạch được gì, nếu chỉ tập trung vào Phán quyết Trọng tài trong suốt chuyến thăm của mình.”
Ông Hứa Lợi Bình, một nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết, tuyên bố chung Trung Quốc – Philippines trong chuyến thăm này sẽ thúc đẩy các phương pháp giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua hợp tác.
Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã thì đưa tin, ông Rodrigo Duterte ca ngợi Bắc Kinh hào phóng trong giúp đỡ các nước đang phát triển. Mục đích chuyến thăm của ông là tìm kiếm giúp đỡ của Trung Quốc để phát triển đất nước.
Còn Dai Fan, một chuyên gia về Đông Nam Á từ Đại học Kỵ Nam ở Quảng Châu bình luận, chương trình nghị sự của hai bên đã được xác định trước khi ông Duterte đến Bắc Kinh.
Ông Duterte không thể nào nói về tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc từ đầu đến cuối trong suốt chuyến thăm, vì như thế khác nào tát vào mặt Trung Quốc ngay trên đất Trung Quốc.
Ông Rodirgo Duterte thăm Trung Quốc là quá thông minh
Cũng trên South China Morning Post, hai nhà nghiên cứu Eduardo Araral từ Đại học Quốc gia Singapore và Richard Heydarian từ Philippines, ca ngợi chuyến đi Trung Quốc của Tổng thống Duterte là nước cờ thông minh.
Rodrigo Duterte đã đúng khi tìm cách tối đa hóa lợi ích cho đất nước mình.
Nếu Mỹ thực sự không muốn mất đồng minh Philippines thì thứ nhất, thay vì chỉ trích Rodrigo Duterte, hãy giúp ông ấy chống tội phạm ma túy như Washington đã làm với Mexico, Colombia.
Một ví dụ cụ thể là Mỹ có thể giúp Philippines xây dựng các trung tâm cai nghiện ma túy, điều Trung Quốc đang cam kết sẽ làm.
Thứ hai là, Mỹ nên thay đổi cách tiếp cận vấn đề nhân quyền, hãy soi gương trước khi chỉ trích người khác.
Thứ ba, mặc dù cả Mỹ và Nhật Bản đều từng đã đô hộ Philippines trong quá khứ, nhưng Rodrigo Duterte chỉ trích riêng Hoa Kỳ còn Nhật Bản thì không.
Đó là vì Nhật Bản là nhà tài trợ lớn nhất của Philippines, nhiều hơn Mỹ. Nhật Bản cũng tôn trọng Rodrigo Duterte, xin lỗi người dân Philippines về quá khứ chiến tranh.
Hoa Kỳ thì chưa có biểu hiện nào về sự ăn năn với tội ác trong quá khứ.
Thứ tư, Mỹ nên cung cấp viện trợ tương xứng với quan hệ đồng minh lâu năm nhất tại châu Á.
Khoản viện trợ 180 triệu USD một năm của Mỹ để sử dụng 5 căn cứ quân sự của Philippines, theo ông Duterte là quá “hời” cho Mỹ.
Ai Cập, Pakistan và Jordan nhận được hàng tỉ USD viện trợ mỗi năm trong những năm gần đây, trong khi những nước này không theo nền dân chủ phương Tây, chẳng phải đồng minh hiệp ước và cũng chẳng cho Mỹ truy cập, sử dụng căn cứ quân sự.
Cuối cùng, Washington cần làm rõ mức độ cam kết với Hiệp ước an ninh song phương ký năm 1951. Những cam kết trên miệng ông Obama không đủ để Rodrigo Duterte và dân Philippines yên tâm.
Còn với Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ phải dốc hầu bao cho Philippines để lôi kéo quốc gia này khỏi ảnh hưởng của Mỹ.
Đầu tiên là gia tăng đầu tư, hợp tác thương mại và viện trợ cho Philippines theo những gì Rodrigo Duterte mong muốn.
Trung Quốc cũng có khả năng cho phép các ngư dân Philippines quay lại đánh bắt ở Scarborough.
Đó là cách Bắc Kinh tạo vốn liếng chính trị cho Duterte, để ông tiếp tục hoạt động đàm phán, đối thoại với Trung Quốc.
Khi gặp ông Tập Cận Bình thứ Năm này, Tổng thống Duterte thực tế không mong đợi Trung Quốc sẽ tôn trọng Phán quyết Trọng tài.
Đồng thời ông biết rõ Trung Quốc muốn Philippines nằm trong tầm ảnh hưởng của họ.
Trong khi vị Tổng thống này ý thức được rằng, đất nước mình là một thị trường mới nổi đang bủng nổ, một cầu thủ địa chính trị mới nổi ở Đông Á.
Và ông đang được cả 2 siêu cường săn đón, trong khi Rodrigo Duterte không bị buộc phải lựa chọn hoặc Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc lúc này.
Vì vậy chuyến thăm Trung Quốc là một hành động cân bằng tinh tế, sắc sảo của chính khách Rodrigo Duterte.
Một kết quả cùng thắng cho tất cả các bên là hoàn toàn có thể: Mỹ vẫn giữ được quan hệ đồng minh, Trung Quốc sẽ có thêm người bạn mới có giá trị bất chấp Phán quyết Trọng tài, còn Rodrigo Duterte thì tối đa hóa lợi ích cho quốc gia, dân tộc.