Kinh tế Trung Quốc đi lên với cùng vận tốc trong ba quý liên tiếp. Liệu tốc độ tăng trưởng quá đều của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới có là sự thật?
Ảnh minh họa: AFP.
Theo CNN, các nhà phân tích cảnh báo rằng sự tăng trưởng nhất quán như trên không bền vững và chưa đưa ra bức tranh đầy đủ về những gì đang thực sự diễn ra.
Đại lục nhận được sự thúc đẩy trong năm nay nhờ thị trường bất động sản nóng đỏ cùng chi tiêu, cho vay được chính phủ hậu thuẫn. Kinh tế nước này tăng 6,7% trong quý 3/2016, theo số liệu chính thức báo cáo hôm nay 19.10. Con số trên đúng bằng số liệu hai quý trước và phù hợp với dự báo kinh tế.
“Các số liệu chính thức về GDP Trung Quốc vẫn còn quá ổn định để chúng tôi nói nhiều về hiệu suất của nền kinh tế này. Thước đo riêng của chúng tôi về hoạt động kinh tế cho thấy tăng trưởng cuối cùng sẽ thực sự đi lên vào quý 4, dù sự cải thiện rõ không kéo dài”, chuyên gia kinh tế Trung Quốc Julian Evans-Pritchard tại Capital Economics nói.
Giới phân tích đã và đang bày tỏ nhiều lo ngại về tác động tiềm năng trong tương lai từ giá bất động sản “trên trời” tại một số thành phố lớn Trung Quốc. Đầu tư chậm chạp từ các hãng tư nhân và mức nợ tăng cao cũng là vấn đề. Theo các nhà kinh tế, nhu cầu kiềm chế cho vay và giá cả nhà đất có thể khiến mức tăng trưởng của Trung Quốc gặp nhiều biến động trong quý tới.
Nhiều chuyên gia, thậm chí một số quan chức chính phủ, cũng nghi vấn về độ chính xác của mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. “Như mọi lần, số liệu GDP đến cùng với một số hoài nghi. Về phần mình, chúng tôi cho rằng kinh tế Đại lục đang đi lên chậm hơn so với mức mà số liệu chính thức thể hiện”, chuyên gia Evans-Pritchard nói.
Trước hôm nay, Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 6,6% trong cả năm 2016, thấp hơn nhiều so với mức 6,9% hồi năm ngoái, vốn là lúc mà Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất trong 25 năm. Mục tiêu tăng trưởng của nước này trong năm nay là giữa 6,5% và 7%, song giới chuyên gia được hãng tin CNN khảo sát cho rằng tốc độ thực sẽ giảm còn 6,3%.
Giới chức Trung Quốc đang cố gắng giữ thăng bằng khi đưa nền kinh tế thoát cảnh phụ thuộc vào xuất khẩu, đầu tư công được thúc đẩy bởi nợ. Dữ liệu công bố từ đầu năm đến nay cho thấy nỗ lực trên phần nào thành công với mức chi tiêu tiêu dùng chiếm miếng bánh lớn hơn của nền kinh tế.