Monday, November 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ vẫn đề phòng ông Duterte?

TQ vẫn đề phòng ông Duterte?

Thái độ có phần hờ hững của Bắc Kinh trước chuyến thăm của ông Duterte trái ngược hoàn toàn với thái độ nhiệt tình trước đây của họ khi đón tiếp ông Benigno Aquino, tháng 8/2011.

Ảnh minh họa.

Ngày 18/10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Đây là chuyến công du tới quốc gia ngoài khối ASEAN đầu tiên sau ba tháng ông lên nắm quyền.

Bộ Ngoại giao Philippines ngày 14/10 tiết lộ, Tổng thống Duterte sẽ hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 20/10, sau đó, hai nhà lãnh đạo sẽ chứng kiến lễ ký một số thỏa thuận hợp tác và biên bản ghi nhớ.

Tuy nhiên, trong các buổi họp báo từ ngày 12 -18/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ thông báo, hai bên đang tiến hành đối thoại để đưa ra những thỏa thuận, văn bản cụ thể.

Điều này trái ngược hoàn toàn thái độ nhiệt tình trước đây của Bắc Kinh khi đón tiếp Tổng thống Benigno Aquino III vào tháng 8/2011. Vậy đâu là lý do dẫn đến thái độ “đề phòng” của Bắc Kinh với Manila hiện nay?

Bài học từ chuyến thăm Trung Quốc của ông Aquino

Tháng 8/2011, Bắc Kinh đã đặt kỳ vọng rất cao vào chuyến thăm của cựu Tổng thống Benigno Aquino III với hy vọng ông Aquino có thể kiểm soát quan hệ song phương trong tranh chấp biển Đông cũng như có phương thức nhằm hạ nhiệt leo thang căng thẳng khu vực.

Trong năm ngày diễn ra chuyến thăm, hai bên đã ký kết loạt thỏa thuận với trị giá 7 tỷ USD, đồng thời Bắc Kinh tuyên bố viện trợ không hoàn lại cho lĩnh vực kỹ thuật của Manila với số vốn đầu tư lên tới 20 triệu Nhân dân tệ.

Thông cáo chung hai nước khẳng định, hai bên sẽ thông qua đàm phán hiệp thương nhằm giải quyết những tranh chấp liên quan.

Tuy nhiên, sau khi về đến Philippines, cựu Tổng thống Aquino đã đưa ra thông báo, Manila sẽ mua chiếc tàu chiến thứ 2 thuộc lớp Hamilton của Washington vào năm 2012 nhằm đối đầu với Bắc Kinh trên biển Đông.

Đến tháng 4/2012, sau tranh chấp bãi cạn Scarborough, chính phủ của Aquino chính thức đệ đơn lên Tòa trọng tài thường trực (PCA) để kiện Trung Quốc về yêu sách “đường chín đoạn” trên biển Đông.

Giới phân tích nhận định, từ kinh nghiệm và bài học thực tiễn trong quan hệ song phương dưới thời kỳ cựu Tổng thống Aquino III, Trung Quốc càng không thể yên tâm với Tổng thống đương nhiệm Duterte. Đặc biệt hơn, trước nay ông Duterte thường nổi tiếng với những phát ngôn trái chiều.

Ví như, từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Duterte đều phát biểu mong muốn tiến hành đối thoại song phương với Trung Quốc về vụ kiện biển Đông nhưng tính đến thời điểm hiện tại, trước và trong chuyến thăm, ông đều tuyên bố sẽ không đưa vấn đề biển Đông vào chương trình nghị sự.

Đặc biệt, sau chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Phillippines tiếp tục tới thăm Nhật Bản – quốc gia ủng hộ phán quyết vụ kiện biển Đông.

Theo Đa chiều, kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, Duterte sẽ thay đổi thái độ như thế nào luôn là nỗi lo thường trực của Bắc Kinh.

“Giá trị” của Duterte trong quan hệ Trung – Mỹ

Tổng thống Duterte đang thực hiện chính sách “thân Trung, xa Mỹ”. Ông từng nhiều lần chỉ trích Mỹ, thậm chí dành những phát ngôn không hay cho Tổng thống Barack Obama khiến quan hệ hai nước leo thang căng thẳng.

Hơn nữa, ông còn tuyên bố yêu cầu trục xuất lực lượng đặc nhiệm Mỹ ra khỏi đảo Mindanao cũng như kêu gọi ngừng tuần tra chung giữa hai nước.

Tuy nhiên, những động thái trên vẫn chưa ảnh hưởng sâu sắc đến nền tảng quan hệ của Washington – Manila. Đầu tháng 10, Duterte cũng nhấn mạnh sẽ không phá vỡ liên minh quân sự hiện nay cũng như tuyên bố sẽ không có ý định lập liên minh quân sự với Trung Quốc.

Trong khi đó, Duterte liên tục đưa ra phát ngôn lấy lòng Trung Quốc, hy vọng Bắc Kinh “thực sự giúp đỡ” Manila về phương diện kinh tế. Ngay từ số lượng thành viên đoàn tháp tùng trong chuyến thăm lần này cho thấy, ông rất chú trọng vào quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc.

Một số ý kiến cho rằng, trong vấn đề biển Đông, ông không thể hiện sự nhượng bộ đáng kể mà chỉ tạm thời không đề cập đến vụ kiện biển Đông không có nghĩa ông sẽ bỏ qua.

“Thái độ khác nhau của Duterte với Trung Quốc, Mỹ có phải đang nhằm dò la Bắc Kinh và gây sức ép lên Washington? Hay đây là một chiêu ngư ông đắc lợi? Trung Quốc cần phải quan sát cách Duterte xử lý quan hệ Mỹ – Philippines mới có thể quyết định bước đi tiếp theo”, Đa chiều bình luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới