Với 114 tàu chiến và 45.800 lính thuỷ, lực lượng phòng vệ biển (Hải quân) Nhật Bản được xem là số 1 châu Á, hơn hẳn Trung Quốc, về sức mạnh và tính cơ động cao, theo báo The National Interest (Mỹ).
Tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo, trông như tàu sân bay – Ảnh: Reddit
Lực lượng này tuy nằm dưới cái tên “phòng vệ biển” nhưng lại không thua kém, nếu không nói là hơn hẳn hải quân nhiều nước, với đội tàu khu trục, tàu ngầm điện – diesel, tàu đổ bộ chở xe tăng cùng các lực lượng mặt đất khác, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản có thể săn tìm tàu ngầm, đánh bại các cuộc tấn công của hải quân thù địch, và bắn hạ các tên lửa đạn đạo của kẻ thù.
Xương sống của hải quân Nhật là ở đội 46 tàu khu trục và tàu hộ tống, nhiều hơn hẳn số tàu chiến của hải quân Anh và Pháp cộng lại. Tổ chức theo các đội tàu hộ tống, hải quân Nhật được thiết kế để bảo vệ đất nước, tái chiếm lãnh thổ và bảo vệ các tuyến đường biển.
Hùng mạnh nhất là các tàu khu trục lớp Kongo, với 4 chiếc. Đây là loại tàu khu trục đóng theo mẫu tàu khu trục lớp Arleigh Burke (lớp Flight I) của Mỹ, với 4 chiếc Kongo, Kirishima, Myoko và Chokai. Bốn tàu này trang bị hệ thống phòng không Aegis có thể dò tìm và đánh trả các mối đe doạ từ trên không, cung cấp khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo cho Nhật. Chỉ cần 2 chiếc tàu loại này là đủ bảo vệ hầu hết nước Nhật, theo The National Interest.
Tàu lớp Kongo vũ trang 90 ống phóng tên lửa loại thẳng đứng Mark 41, có thể phóng tên lửa chống tên lửa đạn đạo loại SM-3 Block IB và tên lửa phòng không SM-2MR. Tàu có 1 khẩu pháo loại 127 mm, 8 tên lửa diệt hạm Harpoon, 6 ống phóng ngư lôi chống tàu ngầm và 2 khẩu pháo bắn nhanh tầm gần Phalanx loại 20 mm.
Tàu khu trục lớp Kongo, chiếc Kongo – Ảnh: defenseindustrydaily
|
Một loại tàu khác cũng hùng mạnh không kém là tàu khu trục lớp Izumo, đi vào hoạt động từ 25.3.2015, mới nhìn tưởng đó là tàu sân bay vì có đường băng và kích cỡ đồ sộ: dài dài 248 m, lượng choán nước tối đa 24.000 tấn, chở được 14 trực thăng, có thang máy nâng và cất máy bay từ hangar trong bụng lên sàn tàu. Nhìn giống tàu sân bay nhưng Nhật khăng khăng rằng đây chỉ là “tàu khu trục chở trực thăng”. Tàu này có thể hỗ trợ tấn công đổ bộ, vận tải, săn ngầm. Chiếc thứ hai là Kaga đang đóng.
Lực lượng tàu ngầm của Nhật đang xây dựng để có đến 22 chiếc nhằm đối phó sức mạnh của hải quân Trung Quốc. Tàu ngầm Nhật gồm 2 loại, loại tàu Oyashio và mới nhất là tàu lớp Soryu.
Tàu ngầm lớp Soryu có lượng choán nước 4.100 tấn, là tàu lớn nhất của Nhật kể từ lớp tàu I-400 thời Thế chiến II. Tàu trang bị động cơ không phụ thuộc không khí Stirling nên có thể ở dưới lòng biển suốt 2 tuần mà không cần nổi lên. Tàu có tốc độ 28 km/giờ khi chạy nổi và 37 km/giờ khi lặn.
Tàu vũ trang 6 ống phóng ngư lôi 533 mm, có thể phóng 20 quả ngư lôi loại Type 89 tự sản xuất hoặc tên lửa diệt hạm Harpoon (Mỹ sản xuất, loại dùng cho tàu ngầm). Tàu còn có thể rải mìn phong toả eo biển.
Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật với đặc tính chạy êm, có khả năng tàng hình trước sonar của đối phương – Ảnh: military-today.com |
Sau cùng, Nhật còn 3 tàu đổ bộ chở xe tăng lớp Osumi. Loại tàu này cũng như tàu sân bay thu nhỏ với sàn tàu dài 130 m, tuy nhiên tàu này không có thang nâng máy bay như tàu Izumo. Tàu có thể chở 1.400 tấn hàng hoá, 14 xe tăng loại Type 10 hoặc Type 90, và 1.000 lính, cùng các tàu đổ bộ cao tốc chạy đệm không khí loại LCAC của Mỹ. Lớp tàu này giúp quân đội Nhật khả năng cơ động đổ bộ tái chiếm đảo khi xảy ra chiến tranh.
Bài báo của National Interest dẫn ra một ví dụ cho thấy hải quân Nhật Bản là số 1 châu Á qua việc ứng phó với thảm hoạ động đất và sóng thần năm 2011. Vào ngày 11.3.2011, trận động đất mạnh 9 độ richter xảy ra ở ven biển phía bắc Nhật Bản, tàn phá kinh hoàng hàng loạt thành phố ven biển. Phó đô đốc Hiromi Takashima, chỉ huy vùng hải quân ở Yokosuka liền ra lệnh toàn bộ lực lượng phòng vệ biển tiến về phía bắc ứng cứu nạn nhân động đất. Chiếc tàu hải quân Nhật đầu tiên đến nơi chỉ 45 phút sau khi xảy ra động đất, và 17 tàu khác chở đầy hàng cứu trợ đến nơi trong vòng 18 giờ.
Việc phản ứng nhanh lẹ của hạm đội Nhật cho thấy tính chuyên nghiệp và hiệu quả của hải quân Nhật, theo The National Interest.