Đó là Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln trong nhiệm kỳ 1861-1865. Trong bài diễn văn xúc động tưởng nhớ các liệt sỹ năm 1863, ông Lincoln đã nói câu “Chính phủ của dân, do dân, vì dân”.
Abraham Lincoln là Tổng thống Mỹ thứ 16. Ông Lincoln thành công trong nỗ lực lãnh đạo đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng hiến pháp, quân sự, và đạo đức – cuộc nội chiến Mỹ – duy trì chính quyền Liên bang. Đồng thời ông chấm dứt chế độ nô lệ, và hiện đại hóa nền kinh tế, tài chính của đất nước. Sinh trưởng trong một gia đình nghèo ở vùng biên thùy phía Tây, kiến thức Lincoln thu đạt được hầu hết là nhờ tự học.
Ngày nay, ông là một trong 3 Tổng thống Mỹ (Washington, Lincoln và Jefferson) có đài tưởng niệm tại khu công viên National Mall ở trung tâm thủ đô Washington.
Nhà tưởng niệm Lincoln tại thủ đô Washington (Mỹ).
Tháng 11 năm 1863, Abraham Lincoln đọc bài diễn văn Gettysburg lịch sử trong buổi lễ khánh thành nghĩa trang Quốc gia. Bài diễn văn khẳng định lại mục đích của cuộc chiến tranh và tưởng nhớ những chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc nội chiến. Diễn văn Gettysburg là diễn từ nổi tiếng nhất của Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln, và là một trong những bài diễn văn được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Trong bài diễn văn chưa tới 300 từ và dài từ 2-3 phút này, Lincoln đã viện dẫn những nguyên tắc về bình đẳng trong bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, và khẳng định rằng cuộc nội chiến là một sự đấu tranh không chỉ cho Liên bang mà để “sản sinh một nền tự do mới”, mang đến cho mọi công dân một sự bình đẳng thật sự.
Đặc biệt bài diễn văn đề cập đến một khái niệm “Chính phủ của dân, do dân, vì dân”, với ý nghĩa rằng: chính phủ không phải là người làm lên lịch sử mà là những người dân, và chính phủ sinh ra để phụng sự nhân dân. Những người dân Mỹ đã vượt trùng khơi, khai sinh vùng đất mới, đã chiến đấu để tạo lên và bảo vệ giá trị nước Mỹ. Còn chính phủ, theo Tổng thống Lincoln, là có “năng lực yếu kém để có thể thêm vào hay bớt đi”, và chính phủ cần phải tiếp bước, cống hiến cho giá trị mà cha ông để lại.
Bài diễn văn Gettysburg
“87 năm về trước, cha ông chúng ta đã đem đến lục địa này một quốc gia mới, thai nghén từ Tự do, và cống hiến vì tinh thần mọi người sinh ra bình đẳng.
Giờ đây chúng ta lâm vào một cuộc nội chiến lớn, thử nghiệm xem quốc gia này, hay bất kỳ quốc gia nào khác đươc thai nghén và cống hiến như vậy, có thể trường tồn hay không. Chúng ta đang tề tựu trên một chiến trường lớn của cuộc chiến này.
Chúng ta đến đây để cống hiến một phần chiến trường làm nơi an nghỉ cuối cùng cho những người hy sinh nơi đây. Họ hy sinh tính mạng để quốc gia này tiếp tục sinh tồn. Đây là việc phù hợp và chính đáng mà chúng ta phải làm.
Nhưng, trong một ý nghĩa lớn lao hơn, chúng ta không thể cống hiến – chúng ta không thể thánh hóa – chúng ta không thể linh thiêng hóa – mảnh đất này. Mà chính những con người dũng cảm, đang sống cũng như đã chết, những người đã chiến đấu nơi đây, đã thánh hóa mảnh đất này. Đó là một điều to lớn hơn những gì mà năng lực yếu kém của chúng ta có thể thêm vào hay bớt đi.
Thế giới sẽ không để ý, cũng như chẳng nhớ được lâu những gì chúng ta nói ở đây. Nhưng thế giới không bao giờ quên điều mà những con người dũng cảm đã làm nơi đây. Chúng ta, những người đang sống, nên cống hiến cho công việc lớn lao còn dang dở này.
Chúng ta hãy cống hiến cho phần công việc còn lại, tiếp bước các anh hùng liệt sĩ. Chúng ta hãy cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp mà họ để lại bằng lòng quyết tâm nhất. Nhất định chúng ta không để những liệt sĩ hy sinh vô ích. Quốc gia này, dưới quyền năng của Chúa, sẽ có một nền tự do mới. Và một chính phủ của dân, do dân, vì dân sẽ không bao giờ lụi tàn khỏi trái đất này”.