Monday, November 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiKiên Giang và mối lo khai thác thủy điện sông Mekong

Kiên Giang và mối lo khai thác thủy điện sông Mekong

Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân Kiên Giang.

1. Khái quát về Kiên Giang
 
Là tỉnh thuộc ĐBSCL, nằm tận cùng phía Tây Nam của Tổ quốc, có địa hình đa dạng như một đất nước Việt Nam thu nhỏ. Kiên Giang có diện tích tự nhiên 634.878 ha, đất nông nghiệp là 570.146 ha; đất trồng lúa 395.460 ha số còn lại là đất trồng cây lâu năm; đất lâm nghiệp; đất nuôi trồng thuỷ sản. Kiên Giang là tỉnh  lớn nhất trong khu vực ĐBSCL.

Kiên Giang có 145 xã, phường, thị trấn trong 15 huyện, thị, thành phố (có 02 huyện đảo và 02 huyện thị biên giới); với 1,762 triệu người vào năm 2015.

Kiên Giang có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực nông, ngư nghiệp duy trì ở mức tăng trưởng khá, sản lượng lương thực năm 2015 dạt 4.64 triệu tấn đứng đầu cả nước và khu vực ĐBSCL. Sản lượng khai thác nuôi trồng thuỷ sản đạt 637.000 tấn năm 2015 tăng 36,7% so với năm 2010.

Bên cạnh những lợi thế, để phát triển kinh tế-xã hội; Kiên Giang là một trong những tỉnh thuộc ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề do hậu quả của việc khai thác thuỷ điện ở thượng nguồn sông Mê Kông trong điều kiện biến đối khí hậu.

2. Tác động của Biến đổi khí hậu – Nước biển dâng và phát triển thuỷ điện ở thượng lưu đối với Kiên Giang và ĐBSCL

2.1. Biến đối khí hậu và nước biển dâng

2.1.1. Biến đổi khí hậu ở thượng lưu sông MêKông.

Theo nghiên cứu ở tổ chức liên Chính phủ về biến đổi khí hậu, đến năm 2030, trên lưu vực sông MêKông, nhiệt độ trung bình tăng khoảng 0,79 oC, lượng mưa trung bình tăng 200 mm (15,3%), chủ yếu vào muà mưa. Lượng mưa về mùa khô tăng ở phía Bắc khu vực và giảm ở phía Nam khu vực, đặc biệt gây tác động lên đến phía hạ lưu dòng chính Mê Kông…

2.1.2. Biến đổi khí hậu ở Kiên Giang và đồng bằng Sông Cửu Long.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở Việt Nam của Bộ Tài nguyên và môi trường đối với vùng ĐBSCL (trong đó có Kiên Giang), ứng với mức theo kịch bản phát triển trung bình nhiệt độ đến năm 2020 tăng 0,4 oC, năm 2030 tăng 0,6oC; 2050 tăng 1 oC.

“Lượng mưa đến năm 2020 tăng 0,3%, năm 2030 tăng 0,4% và đến năm 2050 tăng 0,8%. Đáng lưu ý lượng mưa trong các tháng đầu mùa khô và đầu mùa mưa (từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau) giảm 5,8% vào năm 2020, 8,5% vào năm 2030 và  15,6% vào năm 2050″1. Như vậy, tuy lượng mưa cả năm có xu thế tăng nhưng lượng mưa đầu mùa mưa giảm là nguy cơ thiếu hụt nước tưới cho sản xuất, vụ Hè Thu, nên, nhu cầu lấy nước từ sông kinh lớn hơn.

2.1.3. Nước biển dâng

Theo từ nhiều nguồn nghiên cứu 50 năm qua, mưc nước trung bình vùng Biển Đông của ĐBSCL tăng lên 12 cm. Theo kịch bản Tài nguyên và Môi trường, ứng với mức theo kịch bản phát thải trung bình, mực nước trung bình Biển Đông vùng ĐBSCL tiếp tục tăng thêm 12 cm vào năm 2020, 17 cm vào năm 2030 và 30 cm vào năm 2050; 75 cm vào năm 2100. Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị các ngành và địa phương  sử dụng kết quả theo kịch bản  này để xây dựng chiến lược ứng phó nước biển dâng (NBD). Tuy nhiên, cần lưu ý trong kịch bản trên, vấn đề quan trọng đối với Kiên Giang và ĐBSCL mà báo cáo chưa đề cập, đó là:

Đối với nước biển dâng, chỉ mới công bố mực nước dâng trung bình, trong khi đỉnh và chân triều mới là vấn đề quan trọng, quyết định hình thức và quy mô công trình ứng phó.

3. Ảnh hưởng của việc khai thác thuỷ điện ở thượng nguồn sông Mê Kông hiện nay đối với sản xuất nông nghiệp và môi trường sinh thái ở Kiên Giang và khu vực ĐBSCL.

3.1. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn.
 
Từ năm 2014 đến nay, do tác động của hiện tượng ElNiNo nên mùa khô kéo dài, mùa mưa tới muộn và kết thúc sớm. Từ đầu năm 2015 dòng chảy ở thượng nguồn sông MêKông bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua và không còn khả năng đẩy mặn, dẫn đến tình trạng mặn trên sông đã xuất hiện sớm  hơn gần 2 tháng so với cùng kỳ và xâm nhập mặn sâu về phía thượng lưu, nơi xa nhất gần 100 Km.

Theo số liệu quan trắc, độ mặn lớn nhất đều cao hơn so với trung bình nhiều năm và vượt quá độ mặn lớn nhất cùng kỳ đã từng quan trắc được trong lịch sử: ranh giới độ mặn đã lấn sâu tới 90-95 Km trên sông Vàm Cỏ; 45-65 Km trên sông Tiền, 55-60 Km ở khu vực ven biển Tây (sông Cái lớn).

Phạm vi xâm nhập mặn nêu trên vượt so với mức trung bình nhiều năm trước đây, ít nhất 5-10 Km đối khu vực ven biển Tây; 10-15 Km ở khu vực sông Vàm Cỏ và sông Hậu, đến lớn nhất 20-25 Km đối với sông Tiền. Kết quả quan trắc cũng cho thấy độ mặn lớn nhất cũng cao hơn so với mức lớn nhất cùng kỳ trong lịch sử.

Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nêu trên đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân Kiên Giang và nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại trong vùng ĐBSCL  là 126.798 ha. Các tỉnh có diện tích thiệt hại nhiều là Cà Mau 49.343 ha, Kiên Giang là 34.093 ha, Bạc Liêu: 11.456 ha và Bến Tre là 10.755 ha.

Mặt Khác, theo đánh giá của các nhà khoa học, việc phát triển Thuỷ điện ở thượng lưu sông Mê  Kông của Trung Quốc và trung lưu của Lào và các nước đã giữ lại 75% lượng phù sa; “số phù sa còn lại vào ĐBSCL sẽ giảm từ 26 triệu tấn, còn 7 triệu tấn/năm”2.

Do vậy, diện tích trồng của Kiên Giang và ĐBSCL tới đây sẽ giảm vì thiếu lượng Phù Sa. ĐBSCL sẽ không còn tình trạng sống chung với lũ. Ngoài ra, hạn hán, xâm nhập mặn cũng đã ảnh hưởng lớn đến việc cấp thoát nước sinh hoạt tại một số khu vực sử dụng nước mặt, nhất là các vùng chưa có công trình cấp nước, tập trung ở các khu vực ven sông, ven biển như Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu.

Mặt khác, do nguồn nước cạn kiệt tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu vực ĐBSCL cũng ngày càng phát triển theo hướng tiêu cực làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân trong vùng ĐBSCL.

3.2. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xâm nhập mặn ở ĐBSCL và Kiên Giang.

Có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu  là:

Thứ nhất, do hiện tưởng ElNiNo mạnh và kéo dài kỷ lục  từ năm 2014 đến tháng 5/2016  làm lượng mưa trên toàn lưu vực suy giảm mạnh (khoảng 45% so với lượng mưa trung bình nhiều năm cùng kỳ, lượng mưa trong tháng 1/2016 ở trên toàn lưu vực sông Mê Kông đều sụt giảm nghiêm trọng: sụt giảm 24% ở thượng lưu thuộc tỉnh Vân Nam Trung Quốc; 85% thuộc trung Lưu ở Thái Lan, Lào, Tây Nguyên của Việt Nam và Biển hồ thuộc Căm-Pu-Chia cũng sụt giảm trên 85%. Riêng ĐBSCL, lượng mưa  sụt giảm 30% trong tháng 12/2015, còn tháng 1/2016 sụt giảm tới 100% so với mức trung bình nhiều năm)3.

Thứ hai, do chế độ vận hành, điều tiết của hệ thống các hồ chứa nước trên thượng nguồn sông Mê Kông.

 Ở thượng nguồn phía Trung Quốc có riêng 02 hồ chứa Tiểu Loan và Nộ Trác Độ đã có tổng dung tích tới 22 tỷ m3, còn trên các dòng nhánh (chủ yếu thuộc Lào) các hồ chứa cũng có dung tích khoảng 20 tỷ m3. Với tổng dung tích khoảng 42 tỷ m3, các hồ trên có khả năng điều tiết dòng chảy rất lớn. Nếu chia đều lượng nước để vận hành, điều tiết liên tục trong 6 tháng mùa khô, thì hằng ngày có thể bổ sung thêm khoảng 2.700m3/s. Đây là một lượng nước quyết định đến dòng chính sông Mê Kông và dòng chảy về Việt Nam. Vì vậy, nếu các hồ này không chịu vận hành phát điện, kèm theo là xả nước xuống hạ du, thì dòng chảy  về ĐBSCL sẽ thiếu nước nghiêm trọng.

Thứ ba, do suy giảm dòng chảy trên Biển Hồ và gia tăng khai thác ở khu vực trung lưu.

– Theo quan trắc kiểm soát dòng chảy của Biển Hồ trên sông TonLe Sáp cho thấy cuối mùa lũ 2015, mực nước thấp chỉ đạt 50% so với trung bình nhiều năm, dòng chảy trong tháng 01/2016 sụt giảm 70%, tháng 2/2016 thụt giảm lên tới 77% so với trung bình nhiều năm.

Thứ tư, gia tăng khai thác ở khu vực trung lưu. Gần đây, ở Thái Lan, báo chí cho biết có hai trạm bơm dã chiến đặt tại cửa sông Huổi Luông và Na Khom Pha Nôm, có tổng công suất khoảng 25-30 m3/s. Ngoài ra, Cục Tưới nước Hoàng gia Thái Lan còn có một số trạm bơm dã chiến khác dọc sông MêKông, ước tính lượng nước khai thác dự trữ mùa khô để giải quyết tưới tiêu cho nông nghiệp lên tới trên 10% dòng chảy vào mùa khô của khu vực này.

Thứ năm, dòng chảy đến Tân Châu, Châu Đốc trước khi vào ĐBSCL sụt giảm.

Do lượng mưa sụt giảm, dẫn đến dòng chảy trên sông sụt giảm. Theo quan trắc dòng chảy tại Tân Châu, Châu Đốc tháng 12/2015 sụt giảm 50%; tháng 01/2016 sụt giảm 45%, tháng 02/2016 sụt giảm 32%; tháng 03/2016 sụt giảm 24% so với trung bình nhiều năm.

Thứ sáu, do triều cường tăng cao.

Từ số liệu thực đo thuỷ triều Biển Đông mùa khô 2016 cho thấy, đỉnh triều ngang bằng đỉnh triều lớn nhất lịch sử, chân triều cao hơn chân triều lớn nhất khoảng 0,1-0,2 m và trung bình triều cao hơn trung bình nhiều năm  khoảng 0,3-0,6 m. Biển Tây cũng có chân triều cao hơn chân triều lớn nhất khoảng 0,2-0,3m và trung bình cao hơn trung bình nhiều năm, khoảng 0,4-0,6m. Như vậy, mực nước biển cao hơn mực nước sông nên xâm nhập mặn là điều không tránh khỏi ở cùng ĐBSCL và Kiên Giang.

 3.3. Giải pháp phòng chống, hạn hán, xâm nhập mặn Kiên Giang và  ĐBSCL.

Có nhiều giải pháp, cả trước mắt và lâu dài. Song cần tập trung giải quyết có hiệu quả một số giải pháp chủ yếu dưới đây:

Một là, tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo nhất là dự báo hạn hán theo tháng, theo năm.

Hai là, chủ động rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch để ứng phó với biến đổi khí hậu và khai thác thuỷ điện ở thượng nguồn sông Mê Kông.

Chủ động rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, đặc biệt là quy hoạch thuỷ lợi tổng thể tỉnh Kiên Giang cũng như khu vực ĐBSCL; quy hoạch nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trên cơ sở khả năng thực tế của nguồn nước và những dự báo  về biến động của nguồn nước, xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu, nước biển dâng theo các kịch bản đã được công bố. Đồng thời, trên cơ sở quy hoạch, tiến hành tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Trước hết, tái cơ cấu nhận thức về nông nghiệp; nông nghiệp không phải chủ yếu tập trung trồng lúa, mà bao gồm trồng lúa, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản, trồng cây ăn trái để xuất khẩu. Thứ hai, tái cơ cấu về quy hoạch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cũng như vùng ĐBSCL. Một khi ảnh hưởng của BĐKH và ảnh hưởng chế độ vận hành, điều tiết của hệ thống  các hồ chứa nước trên thượng nguồn sông Mê Kông.

Kiên Giang và ĐBSCL không còn tình trạng sống chung với lũ, phù sa ngày càng giảm, không thể mở rộng diện tích trồng lúa thì phải chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi trồng thuỷ sản và trồng cây ăn trái. Thứ ba, tái cơ cấu trong việc lãnh đạo, điều hành. Trong lãnh đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cũng như lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, cần xác định lại  khu vực nào trồng lúa, khu vực nào nuôi trồng thuỷ sản và trồng cây ăn trái để xuất khẩu.

Nếu trước đây nhiều tỉnh xác định lúa là số 1, nuôi trồng thuỷ sản là thứ hai, trồng cây ăn trái là thứ ba, thì bây giờ phải xác định nuôi trồng thuỷ sản là thứ nhất (do ảnh hưởng của BĐKH, xâm nhập mặn và nước biển dâng; lúa là thứ hai và cây ăn trái để xuất khẩu  là thứ ba (cơ cấu nông nghiệp là: nuôi trồng thuỷ sản, trồng lúa và trồng cây ăn trái để xuất khẩu).

Thứ ba, tập trung xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch tài nguyên nước ở Kiên Giang và vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu và tác động của các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông; tập trung điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, để phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn; xây dựng các công trình khai thác  nước ngầm để kết hợp dự phòng sẵn sàng ứng phó với xâm nhập mặn khi cần thiết. 

Thứ tư, việc xây dựng kết cấu hạ tầng cần phải có sự phối kết hợp giữa  tỉnh Kiên Giang và các tỉnh trong vùng ĐBSCL và bảo đảm tính thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, quan tâm nhiều hơn đến ảnh hưởng của việc khai thác thuỷ điện ở thượng nguồn. Cần nhận thức cho đúng tác hại của việc khai thác thuỷ điện ở thượng nguồn chẳng những dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn  mà còn ảnh hưởng đến việc ngăn chặn Phù sa, huỷ hoại môi trường sinh thái ở Kiên Giang và vùng ĐBSCL.

Thứ năm, kiến nghị với Chính Phủ thông qua kênh ngoại giao đàm phán với các nước trong khu vực sông Mê Kông. Cần có quy định các nước ở thượng nguồn phải xả nước về mùa khô để các nước hạ lưu không bị ảnh hưởng hạn hán và xâm nhập mặn.

Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách quy hoạch mới phù hợp  với ảnh hưởng của việc khai thác thuỷ điện ở thượng lưu trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và nước biển dâng  đối với ĐBSCL nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng. Đồng thời xây dựng và duy trì mạng lưới thông tin, nâng cao cảnh báo thời tiết thiên tai. Các Viện, Trường về ngành chuyên môn cần nghiên cứu nhiều giống mới, thử nghiệm nhiều mô hình sản xuất thích nghi với những ảnh hưởng trên.

RELATED ARTICLES

Tin mới