Bản tin Biển Đông ngày 24/10/2016.
Chiến hạm USS Decatur tại cảng Haifa, Israel năm 2009 – Ảnh: AFP.
1) Tàu khu trục Hải quân Mỹ khẳng định tự do hàng hải ở Hoàng Sa
Ngày 21/10, các trang CNN, The Japan Times, UPI, Fox News, Sydney Morning Herald, BBC, Reuters, The Diplomat… đưa tin:
Ngày 21/10, theo thông tin từ các quan chức của Mỹ, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ USS Decatur đã thực hiện chiến dịch tự do hàng hải gần đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Mặc dù tàu USS Decatur không đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo này song tàu khu trục Mỹ đã bị 3 tàu Trung Quốc bám theo và may mắn không có bất cứ va chạm nào xảy ra giữa hai bên. Cùng ngày, tại cuộc họp báo, Người Phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest xác nhận việc tàu khu trục USS Decatur đã đi vào khu vực gần các đảo do Trung Quốc yêu sách một cách bất hợp pháp trên Biển Đông, đồng thời, đồng thời khẳng định hoạt động này là nhằm chứng minh rằng các nước ven biển “sẽ không hạn chế một cách phi pháp các quyền hàng hải, tự do và sử dụng hợp pháp biển cả mà Mỹ cũng như tất cả các quốc gia có quyền thực hiện theo luật pháp quốc tế”. Hoạt động tự do hàng hải này là hoạt động đầu tiên diễn ra kể từ sau khi Phán quyết Tòa Trọng tài vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc được đưa ra hồi tháng 7.
Theo The Diplomat, có hai điểm đáng chú ý về hoạt động hàng hải lần này. Đầu tiên, đó là mặc dù Hải quân Mỹ đã khẳng định sẽ tiến hành các FONOP một cách thường xuyên trên Biển Đông nhưng đã có một khoảng thời gian dài “khác thường” so với lần FONOP trước của tàu William P. Larence, đến 164 ngày, so với 3 cuộc FONOP trước chỉ kéo dài đến 95 ngày và 105 ngày. Nhiều khả năng Hải quân Mỹ đã thực hiện FONOP mà không đưa ra tuyên bố công khai ngay lập tức, như khẳng định của ông James Schoff, cựu cố vấn cao cấp về chính sách Đông Á, Bộ Quốc phòng. Thứ hai, quyết định của Mỹ không đưa USS Decatur vào khu vực đảo Phú Lâm cũng đã gây chú ý bởi đảo Phú Lâm, đảo tự nhiên lớn nhất ở cả Hoàng Sa và Trường Sa và là tiền đồn quân sự lớn của Trung Quốc với lực lượng đóng quân trên đảo lên đến khoảng 1400 binh lính, đồng thời là nơi Trung Quốc đặt rất nhiều trang thiết bị quân sự hiện đại bao gồm hệ thống tên lửa đất đối không, tên lửa hành trình chống hạm, máy bay do thám và máy bay chiến đấu đa nhiệm. Trung Quốc thay vì công khai phản ứng đã đưa 3 tàu đến bám sát tàu USS Decatur.
2) Chính giới Trung Quốc lớn tiếng phản đối việc tàu khu trục của hải quân Mỹ thực hiện hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông trong khi học giả Trung Quốc lại lo sợ nguy cơ gia tăng xung đột ở khu vực.
Ngày 22/10, các trang Reuters, Channel News Asia, China.org.cn, CCTV… đưa tin:
Ngày 22/10, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur đã đến gần khu vực 12 hải lý gần các đảo Tri Tôn và Phú Lâm trên Hoàng Sa của Việt Nam hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, một động thái mà các quan chức Mỹ khẳng định là đã thách thức “Các yêu sách biển phi lý” của Trung Quốc. Các quan chức này cũng cho biết sau khi phía Trung Quốc cử 3 tàu bám theo, tàu USS Decatur đã rời khỏi khu vực và để xảy ra va chạm nào giữa hai bên. Tuy vậy các học giả Trung Quốc lại thấp thỏm lo lắng cho rằng động thái này là “một thách thức có chủ đích” được thực hiện sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố nước này sẽ “rời bỏ” Mỹ. Bộ Quốc phòng Trung Quốc lên án hành động này của Mỹ là “phi pháp và gây hấn”. Trái với những thông tin được truyền thông công bố, ông này lớn tiếng khẳng định “chỉ có hai tàu chiến của Trung Quốc là tàu Quảng Châu và Lạc Dương đã tiếp cận và cảnh báo tàu Mỹ rời khỏi khu vực”. Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian lớn tiếng cáo buộc “Mỹ là kẻ gây rối trật tự Biển Đông” và cảnh cáo “Trung Quốc sẽ cùng các nước khác trong khu vực bảo vệ vững chắc hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông”. Cùng mạch này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã ngay lập tức đưa ra tuyên bố chỉ trích động thái này “đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc” và “là hành động gây hấn cực kỳ thiếu trách nhiệm” – thứ luận điệu vẫn thường được “nhai lại” trong các phát biểu của Bộ Ngoại giao nước này
Các chuyên gia Trung Quốc trong khi đó lại “tỏ ra lo lắng” rằng nguy cơ kích hoạt ngòi nổ ở điểm nóng Biển Đông sau cuộc tập trận “tự do hàng hải” mới đây của Hải quân Mỹ trên các vùng biển tranh chấp. Cụ thể, giới quan sát quân sự và ngoại giao cảnh báo nguy cơ xung đột quân sự giữa hai cường quốc thế giới có thể gia tăng do những chuyển biến trong cân bằng quyền lực phụ thuộc vào bất cứ thay đổi chiến lược nào của phía Philippines. Giáo sư Su Hao, Đại học Quan hệ quốc tế Trung Quốc, cho rằng hoạt động mới đây của tàu USS Decatur tới gần đảo Phú Lâm là “đặc biệt nghiêm trọng” do đảo này là nơi đặt trụ sở chính quyền cấp tỉnh của “thành phố Tam Sa”, “hòn đảo trọng yếu mà Trung Quốc đang kiểm soát. Ông Ni Lexiong, một nhà bình luận thuộc chuyên ngành các vấn đề quân sự tại Thượng Hải cho biết, “Mỹ muốn chứng tỏ rằng dù thiếu đi sự ủng hộ của Philippines, Mỹ vẫn có đủ ý chí và khả năng để tiếp tục thực hiện hoạt động tự do hàng hải”
3) Áp dụng điển hình “Hiệp ước Nam Cực” cho tranh chấp Biển Đông
Ngày 23/10, tờ Otago Daily Times đăng tải bài viết “Áp dụng điển hình “Hiệp ước Nam Cực” cho tranh chấp Biển Đông”:
Bài viết giới thiệu bình luận của ông Kenneth Keith, thẩm phán đầu tiên của New Zealand được đề cử vào Tòa án Công lý quốc tế (International Court of Justice – ICJ) trong một cuộc phỏng vấn sau buổi thảo luận “Hòa bình thế giới qua Luật pháp quốc tế: vai trò của ICJ và các Tòa án, Tòa Trọng tài quốc tế” với Đại học Otago, New Zealand, về đề xuất giải pháp hạ nhiệt căng thẳng Biển Đông bằng cách “tiếp cận” Hiệp ước Nam Cực. Ông Kenneth nhấn mạnh, Tòa Trọng tài quốc tế vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về tranh chấp ở Biển Đông “không phải là điểm kết thúc, mà chỉ là xuất phát điểm cho các cuộc đối thoại tiếp theo giữa các quốc gia liên quan trong vấn đề Biển Đông” bởi “các nước này vẫn phải tiếp tục hợp tác với nhau”. Theo ông, Hiến chương Liên hợp quốc quy định các quốc gia phải giải quyết tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, Hiến chương của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) cũng đã nhấn mạnh việc hợp tác quốc tế và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Ông nhấn mạnh, các vấn đề về dầu mỏ, khí tự nhiên, khoáng sản và tài nguyên thủy hải sản cũng là những yếu tố quan trọng.
Ông Kenneth cho biết, mô hình Hiệp ước Nam Cực từ lâu đã được đánh giá là thành công. Nhiều quốc gia, trong đó có New Zealand, đã tiến hành nghiên cứu ở Nam Cực, nhưng khu vực đã được phi quân sự hóa, và vấn đề sở hữu được đặt sang một bên.
4) Đài Loan sẽ chế tạo tàu ngầm trong tình hình địa chính trị đang thay đổi tại Châu Á
Ngày 23/10, tạp chí Nikkei đưa tin:
Theo nguồn tin, Đài Loan đang triển khai chế tạo tàu ngầm nội địac theo chỉ đạo của Tổng thống Thái Anh Văn nhằm tăng cường năng lực phòng thủ trong bối cảnh những những lo ngại về vai trò của Mỹ đối với an ninh khu vực Đông Á đang ngày càng gia tăng. Theo nghiên cứu, Đài Loan đang lên kế hoạch dành ra 14,8 tỉ đô-la Mỹ để chế tạo các tàu chiến và tàu ngầm cho riêng nước này từ 2018 – 2040.
Chứng kiến rất nhiều mô hình từ phòng chỉ huy tàu ngầm đến các loại tên lửa chống hạm trong cuộc triển lãm hàng hải và quốc phòng được tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Kaohsiung hồi giữa tháng 9, đã có ý kiến nhận xét “quan điểm (của Đài Loan) đã hoàn toàn thay đổi dưới thời chính quyền mới”. Sự thay đổi này cho thấy chính quyền Tổng thống Thái Anh Văn đã nhận thức được những chuyển biến sắp tới ở Washington, khi ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump liên tục tuyên bố Mỹ sẽ không thể bảo vệ toàn bộ thế giới và kêu gọi việc cắt giảm chi tiêu quân sự, trong khi Đài Loan đang ngày càng đóng vai trò địa chính trị quan trọng do vị trí chiến lược của nước này gần với các lợi ích biển của Trung Quốc. Theo đánh giá, việc phát triển hệ thống tàu ngầm trong nước là một động thái “mang tính biểu tượng” bởi tàu ngầm có thể giúp tăng cường khả năng răn đe của Đài Loan đối với các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông và thúc đẩy vị thế chiến lược của Đài Loan. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng Đài Loan vẫn cần sự trợ giúp từ nước ngoài do thiếu kinh nghiệp xây dựng một tàu ngầm hoàn chỉnh, bao gồm hệ thống vũ khí và thông tin. Vấn đề nguồn vốn cũng đang gặp nhiều khó khăn bởi không rõ Đài Loan có thể có đủ vốn để việc chế tạo tàu ngầm được thực sự bắt đầu trong khi vẫn phải đối mặt với các thách thức tài chính, chẳng hạn như chi tiêu phúc lợi và cải cách cơ cấu công nghiệp.
5) Nhật Bản sẽ làm rõ chính sách đối ngoại của Tổng thống Duterte Ngày 23/10, trang Inquirer.net đưa tin:
Ngày 23/10, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Philippines Atsushi Ueno cho biết Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ nghe giải thích từ Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về định hướng chính sách đối ngoại mới của Philippines sau tuyên bố bất ngờ về việc ông Duterte sẽ tiến tới thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc. Sau khi trở về từ chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc, ông Duterte có giải thích rằng, phát biểu của ông về việc “rời bỏ” Mỹ, đồng minh lâu năm và hậu thuẫn quân sự vững chắc của Philippines, không có nghĩa là “cắt đứt quan hệ ngoại giao với Washington” mà chỉ là “từ bỏ một chính sách đối ngoại”. Trước đó, ông này đã tuyên bố sẽ chấm dứt quan hệ hợp tác quân sự với Mỹ, một động thái mà một số chuyên gia cho rằng đó là một sai lầm trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tiếp tục tạo ra các thách thức trên Biển Đông.
Theo dự kiến, ông Duterte sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Abe và các nhà chủ doanh nghiệp lớn của Nhật Bản nhân chuyến thăm 3 ngày đến Nhật Bản bắt đầu từ ngày 25/10. Ông cũng sẽ gặp Nhật Hoàng Akihito nhân dịp Philippines và Nhật Bản thúc đẩy quan hệ song phương 60 năm. Ông Ueno cho biết ông hoàn toàn tin tưởng rằng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước sẽ tiếp tục được duy trì trong nhiệm kỳ của ông Duterte. Tờ Yomiuri Shimbun, tờ báo hàng đầu của Nhật Bản, cho hay Tokyo “đang vô cùng bối rối” bởi tuyên bố mới của Tổng thống Duterte sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tờ báo này giải thích, sự “bối rối” này xuất phát từ những lo ngại về việc Nhật Bản sẽ phải đánh giá lại chiến lược chung với Mỹ nhằm ủng hộ Philippines trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Tờ báo cũng trích dẫn lời của Ngoại trưởng Fumio Kishida: “Việc nhận được câu trả lời trực tiếp của ông Duterte sẽ tạo điều kiện trao đổi tốt hơn về vấn đề này”. Ngoài ra ông Uneno cũng tiết lộ, phía Nhật Bản mong muốn được thúc đẩy hợp tác song phương với Philippines cũng như quan hệ đối tác chiến lược trong các vấn đề an nninh, kinh tế và quốc phòng, cũng như các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở Mindanao… nhân chuyến thăm này
6) Nhật Bản muốn Ấn Độ tỏ rõ lập trường về vấn đề Biển Đông Ngày 24/10, trang Times of India đưa tin:
Trong buổi phỏng vấn với tạo chí Times of India, ông Yuki Tamura, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách khu vực phụ trách vấn đề Biển Đông, Bộ Ngoại giao Nhật Bản khẳng định Tokyo đang khuyến khích Ấn Độ bày tỏ lập trường về các vấn đề liên quan đến Biển Đông bởi an ninh biển có ý nghĩa hết sức quan trọng. Phát biểu này cho thấy phía Nhật Bản đang kỳ vọng nhiều hơn vào việc Ấn Độ có thể trở thành đối tác không thể thiếu trong việc ngăn chặn Trung Quốc thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông dù nước này không phải là một bên của tranh chấp lãnh thổ ở khu vực này
Trước Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á diễn ra tháng trước, ông Tamura cũng tuyên bố rằng Nhật Bản và Ấn Độ đã phối hợp, cùng nỗ lực đưa hợp tác an ninh biển vào danh sách ưu tiên tại Hội nghị Thượng đỉnh này. Ngoài ra, nhiều khả năng an ninh biển sẽ được đưa vào nội dung trao đổi trong cuộc gặp cấp cao giữa Thủ tướng Ấn Độ và người đồng cấp Shinzo Abe tại Tokyo trong năm nay. Vấn đề Biển Đông cũng đã được nêu cụ thể trong tuyên bố chung Ấn Độ – Nhật Bản sau Hội nghị Thượng đỉnh gần đây nhất được tổ chức tại Delhi. Phía Nhật Bản cũng tỏ lo ngại rằng sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông có thể sẽ lan sang Biển Hoa Đông trong tương lai, bởi trước khi Tòa Trọng tài vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc diễn ra, Trung Quốc đã có những dấu hiệu muốn “thách thức” lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản bằng cách đưa tàu hải quân vào vùng Tiếp giáp lãnh hải của Nhật Bản trong phạm vi 12 hải lý xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
7) Điện Malacanang (Phủ Tổng thống Philippines): không loại trừ Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc
Ngày 23/10, trang GMA News đưa tin:
Ngày 23/10, Bộ trưởng Truyền thông Philippines Martin Andanar khẳng định Chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ không gác vấn đề Phán quyết Toà Trọng tài quốc tế vụ kiện Biển Đông sang một bên trong các cuộc đàm phán song phương với phía Trung Quốc. Tuyên bố này được đưa ra nhằm khẳng định lại lần nữa rằng Philippines sẽ không từ bỏ các yêu sách của nước này trên Biển Đông, sau khi Thượng Nghị sĩ mới đắc cử Risa Hontiveros “hiểu nhầm” rằng dường như ông Duterte định bỏ qua “thắng lợi mang tính lịch sử tại Toà Trọng tài” khi chuyển sang đối thoại song phương với phía Trung Quốc.
8) Nhân dân Nhật báo đe dọa: Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép Mỹ “chạy như điên” trên Biển Đông
Ngày 23/10, Thời báo Hoàn cầu đăng tải bản dịch tiếng Anh của bài bình luận “Nhân dân Nhật báo đe dọa: Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép Mỹ “chạy như điên” trên Biển Đông” của nhà báo Zhongsheng được đăng cùng ngày trên tờ Nhân dân Nhật báo:
Trong bài bình luận, nhà báo Zhongsheng đe dọa rằng Trung Quốc sẽ không cho phép Mỹ “chạy như điên” trên các vùng nước ở Biển Đông, sau sự kiện một tàu khu trục gắn tên lửa hành trình của hải quân Mỹ có tên USS Decatur “đi qua” vùng nước của Hoàng Sa ngày 21/10 “mà không có sự cho phép của Trung Quốc. Bài báo đã chỉ trích thậm tệ hành động của Mỹ là “xuất phát từ tư tưởng bành trướng”, không những không gia tăng được ảnh hưởng của nước này ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương mà còn giảm đi do “đây là hành động gây ra sự thù địch và gây rối. Ông Zhongsheng còn ngang nhiên tuyên bố, chính quyền Trung Quốc kiên quyết phản đối và sẽ thực hiện “nhiều biện pháp xử lý hữu hiệu”, lấy cớ “Mỹ củng cố âm mưu bành trướng với những hành động quân sự” để gợi ý về kế hoạch “tăng cường quốc phòng của Trung Quốc” nhằm “củng cố sức mạnh để bảo vệ các lợi ích của riêng nước này”.
Ông này tiếp tục xuyên tạc, bám vào những luận điệu hết sức vô cớ của các quan chức Bắc Kinh, rằng việc đi vào “các vùng biển của Trung Quốc” một cách “bất hợp pháp mà không có sự cho phép đã vi phạm nghiên trọng chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, vi phạm cả luật quốc tế lẫn luật của Trung Quốc”, cụ thể là Tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc về đường cơ sở lãnh hải năm 1996, đồng thời “đe dọa đến hòa bình, an ninh cũng như trật tự tại các vùng biển có liên quan”. Ngoài ra, bài báo cũng cáo buộc hành động của Mỹ là lấy cớ “hoạt động tự do hàng hải” để xâm phạm chủ quyền, an ninh và các lợi ích biển của các quốc gia trong khu vực; chỉ trích chiến lược “Tái cân bằng” gây ra tác động tiêu cực, chứng minh rõ ràng Mỹ là “kẻ chuyên đi gây rối thực thụ” ở Biển Đông.
9) Hành xử khó hiểu của ông Duterte sẽ khiến Trung Quốc ngày càng liều lĩnh ở Biển Đông
Ngày 24/10, tạp chí The Straits Times đăng tải bài viết “Hành xử khó hiểucủa ông Duterte sẽ khiến Trung Quốc trở nên liều lĩnh hơn ở Biển Đông” của tác giả Richard Javad Heydarian, giáo sư chuyên ngành khoa học chính trị tại Đại học De La Salle, Philippines:
Trong bài viết, giáo sư Richard Javad Heydarian bày tỏ sự lo ngại đặc biệt đối với tình hình Biển Đông sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Phillipines Rodrigo Duterte. Ông đánh giá, hành xử của vị Tổng thống “bất quy tắc” của Philippines đang khiến định hướng chính sách đối ngoại của Philippines ngày càng trở nên mơ hồ, vô hình trung khiến Trung Quốc trở nên liều lĩnh hơn trên Biển Đông.
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Duterte tới Trung Quốc đã cho thấy những nỗ lực nhằm đưa vấn đề bình thường hóa vào nội hàm quan hệ song phương và giảm căng thẳng ở Biển Đông. Tuy nhiên không có gì đảm bảo rằng việc ông Duterte “thân thiện” với Trung Quốc có thể được suy diễn thành hai nước sẽ có bất kỳ quan hệ đối tác chiến lược lâu bền hay một thỏa hiệp thực sự nào ở các vùng biển tranh chấp. Ông cho rằng, vì lý do “choáng ngợp” trước sự “tiếp đón nồng hậu” và chiêu bài “củ cà rốt kinh tế tầm cỡ” của phía Trung Quốc, ông Duterte đã sai lầm khi quyết định đưa ra tuyên bố “rời xa” Mỹ, đồng minh hiệp ước duy nhất của Philippines . Nhiều người Philippines dường như đã tỏ ra thất vọng khi ông Duterte không thể đạt được bất kỳ thỏa hiệp nhất định nào về vấn đề Biển Đông, tâm điểm chính trong vấn đề quan hệ giữa hai nước nằm trong trọng tâm chuyến thăm cấp Nhà nước bốn ngày của ông Duterte. Với điểm nhấn chính trong chương trình nghị sự của ông Duterte là các vấn đề về kinh tế, có thể thấy rõ ràng chính quyền của ông Duterte đang có chủ đích muốn biến Trung Quốc từ một bên đối đầu gay gắt trong vấn đề lãnh thổ thành một đối tác phát triển của quốc gia
Không riêng phía người dân trong nước, ngay cả phía Trung Quốc cũng nghi ngờ lập trường chiến lược mới của Philippines bởi lo ngại những động thái “khó đoán định” của ông Duterte có thể thay đổi một sớm một chiều. Do đó, trước tình hình này, sẽ khó có thể trông đợi Trung Quốc đàm phán bất kỳ thỏa hiệp nào với Manila trong tương lai gần trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc cũng sẽ được lợi từ việc ông Duterte từ chối đưa vụ kiện Trọng tài Biển Đông ra các diễn đàn quốc tế bởi Trung Quốc sẽ có thể tránh được “thảm kịch ngoại giao sau Phán quyết” để nhúng tay sâu hơn nữa vào các vùng biển trên Biển Đông. Các nước Đông Nam Á khác cũng không khỏi lo sợ khả năng Trung Quốc có thể trở thành một đồng minh tiềm năng của Philippines, kéo theo đó, các nước này sẽ từ bỏ quyết tâm đẩy lùi tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.