Thursday, April 25, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiLiệu Nhật Bản có làm Philippines quay lại với Mỹ?

Liệu Nhật Bản có làm Philippines quay lại với Mỹ?

Mối quan hệ Washington và Manila ngày càng diễn biến xấu do đó Nhật Bản được kỳ vọng là nhà kiến tạo hòa bình giữa Mỹ và Philippines khi mà Tổng thống Duterte sắp sang thăm Tokyo.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu tại Bắc Kinh hôm 20/10.

Theo tờ Japan Times, trong bối cảnh ông Rodrigo Duterte chuẩn bị có chuyến thăm đầu tiên tới Nhật Bản vào tuần tới trên cương vị Tổng thống Philippines, Tokyo đang được kỳ vọng đóng vai trò là nhà kiến tạo hòa bình trong mối quan hệ giữa Washington và Manila sau khi ông Duterte cho những lời lẽ chỉ trích và thậm chí xúc phạm nặng nề đối với Tổng thống Barack Obama. 

Trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày bắt đầu từ ngày 25/10 tới, nhiều khả năng Tổng thống Duterte sẽ tìm kiếm các khoản hỗ trợ kinh tế và đầu tư từ Nhật Bản để vực dậy nền kinh tế Philippines. 

Về phần mình, phát biểu trước giới phóng viên hôm 21/10, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược với Philippines”. 

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, mối quan tâm hàng đầu hiện nay là Thủ tướng Shinzo Abe sẽ nhấn mạnh tới mức độ nào về các tranh chấp lãnh thổ và phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế hồi tháng Bảy phủ nhận chủ quyền phi lý “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông với người đồng cấp Philippines. Bởi đây là những yếu tố làm cục diện chính trị tại khu vực châu Á thay đổi nhanh chóng.  

Trong khi đó, Tổng thống Duterte đang có những động thái làm thay đổi cán cân địa chính trị trong khu vực khi đe dọa cắt đứt quan hệ với Mỹ và chuyển sang thắt chặt quan hệ với Trung Quốc bất chấp những bất đồng chủ quyền ở Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh. 

Hôm 21/10, sau chuyến thăm 4 ngày tới Bắc Kinh và trở về quê nhà Davao, Tổng thống Philippines Duterte đã đính chính tuyên bố trước đó về việc “chia tay” với Mỹ không có nghĩa là cắt đứt mọi quan hệ. 

“Khi bạn nói ‘cắt đắt quan hệ’ nghĩa là bạn cắt đứt các mối quan hệ ngoại giao. Nhưng tôi không làm như vậy. Tại sao ư? Bởi đó là lợi ích lớn nhất của đất nước tôi do đó tôi vẫn duy trì mối quan hệ này”, hãng tin AP dẫn lời ông Duterte. 

Theo một quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Tokyo muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Manila – Washington bởi nó liên quan tới mối quan hệ đồng minh Nhật Bản – Mỹ. Tuy nhiên giới chuyên gia cảnh báo, Nhật Bản cần cân nhắc hành động để tránh chọc tức Tổng thống Duterte, người từng nhiều lần chỉ trích nước Mỹ và Tổng thống Obama sau khi ông này lên tiếng quan ngại về chiến dịch chống ma túy, khiến hơn 3.000 người thiệt mạng ở Philippines. 

Ngoài ra, Nhật Bản cũng không nên chỉ trích cuộc chiến chống ma túy ở Phlippines bởi đây hiện là mối ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Duterte và cũng không nên quá nhấn mạnh tới phán quyết của Tòa quốc tế bởi nó sẽ ảnh hưởng tới vị thế trung lập của Tokyo đối với các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. 

Ông Tetsuo Kotani, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện các mối quan hệ quốc tế Nhật Bản nhận định Tokyo cần có một chiến lược với Philippines dựa trên các mối quan hệ vững chắc như hỗ trợ xây dựng và đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm chuẩn bị cho thời cơ Manila sẵn sàng chia tay với Bắc Kinh. 

Hồi tuần trước, ông Duterte đã ra tuyên bố cho rằng không có gì đảm bảo rằng Bắc Kinh sẽ không tiến hành quân sự hóa tại bãi cạn Scarborough, khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh và Manila trên Biển Đông. Theo ông Kotani, “sẽ tới lúc Tổng thống Duterte suy nghĩ lại về các mối quan hệ với Bắc Kinh và khi đó Nhật Bản sẽ giúp Philippines”. 

Trong phiên họp với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 20/10, hai nhà lãnh đạo Manila và Bắc Kinh đã đồng thuận nối lại các cuộc thảo luận về vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, Philippines đã nhận được khoản hỗ trợ tài chính trị giá 13,5 tỷ USD từ Trung Quốc phục vụ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, chiến dịch chống ma túy và chương trình tuần tra hàng hải. 

Trước đó, mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đã rơi xuống đáy căng thẳng khi cựu Tổng thống Benigno Aquino III gửi đơn kiện Bắc Kinh lên Tòa quốc tế liên quan tới việc Trung Quốc bành trướng chủ quyền trên Biển Đông. Còn trong bối cảnh hiện nay, Nhật Bản được kỳ vọng là nhà kiến tạo hòa bình giữa Mỹ và Philippines. 
RELATED ARTICLES

Tin mới