Singapore và Trung Quốc có thể là đối tác, nhưng không phải là “người một nhà” – học giả Singapore nêu rõ.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình (trái) đến thăm Singapore năm 1978, được Thủ tướng
Lý Quang Diệu đón tiếp như khách quý, chứ không phải “người thân”. Ảnh: The Straits Times
The Straits Times ngày 21/10 đã đăng bài viết của Tiến sĩ Tommy Koh, Chủ tịch Hội đồng của Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore, nhắc lại rằng Singapore không phải là một “quốc gia của người Hoa”, dù đa số người dân Singapore mang gốc Hoa. Vì vậy, người Trung Quốc cần phải nhận thức rõ ràng, không nên nhầm lẫn điều này.
Theo ông Koh thì phần lớn người dân Singapore là người gốc Hoa, đó là tài sản chung và tạo ra thuận lợi cho quan hệ song phương.
Tuy nhiên, đó cũng là yếu tố khiến Singapore kỳ vọng Trung Quốc sẽ tôn trong địa vị pháp lý của Singapore. Là một quốc gia có chủ quyền và ngoại giao độc lập, lợi ích của Singapore không phải lúc nào cũng giống của Trung Quốc.
Koh viết, “nhiều người bạn Trung Quốc nhận thức nhầm lẫn Singapore là một quốc gia của người Hoa, mô tả quan hệ Singapore – Trung Quốc là quan hệ của ‘những người thân’. Vì vậy Singapore phải chia sẻ với Trung Quốc không giống như những quốc gia ASEAN khác”.
Người Trung Quốc cố tình “hiểu nhầm”?
Ngay từ thời lập quốc rất khó khăn nhưng cố Thủ tướng Lý Quang Diệu vẫn quyết chọn chính sách ngoại giao độc lập hoàn toàn với Trung Quốc, dù 75% dân số Singapore khi đó là người gốc Hoa.
Phải 25 năm sau ngày độc lập (9/8/1965), quan hệ Singapore – Trung Quốc mới được thiết lập vào năm 1990.
Có thể nhận diện ba lý do người Trung Quốc “nhầm lẫn” về quan hệ song phương.
Thứ nhất, thế giới lưỡng cực đang thành hình với sự đối trọng giữa Mỹ và Trung Quốc tại Châu Á – Thái Bình Dương. Trong khi đó Singapore được xem là nơi cạnh tranh quyền lợi của hai “ông lớn” này.
Hiện nay, với Bắc Kinh thì Singapore vẫn bị xem là nghiêng về phía Mỹ và ảnh hưởng tới những tính toán của Trung Quốc.
“Một số người bạn Trung Quốc không hài lòng với mối quan hệ ấm áp mà Singapore được hưởng từ Washington. Họ đã cáo buộc Singapore là một đồng minh của Mỹ và đứng về phía Mỹ”, ông Tommy Koh nhận định.
Thứ hai, xung đột lợi ích giữa Trung Quốc và ASEAN. Nếu Singapore là “người nhà” của Trung Quốc thì đương nhiên đảo quốc sư tử sẽ trợ giúp các mưu đồ chiến lược của Trung Nam Hải, mà quan trọng nhất là khơi thông “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” qua khu vực Đông Nam Á.
Trong khi đó, với Singapore thì “bất kỳ nỗ lực phá hoại sự đoàn kết ASEAN sẽ được Singapore coi là mối đe dọa đến lợi ích quốc gia của mình. Singapore muốn ASEAN đoàn kết để có thể có tiếng nói chung về bất kỳ vấn đề quan trọng nào, bao gồm vấn đề Biển Đông”, theo The Straits Times.
Rõ ràng khi Singapore là “người ngoài” thì Bắc Kinh bất lợi không ít.
Thứ ba, Singapore là một trung tài chính lớn của thế giới. Nếu “có được” Singapore thì Bắc Kinh sẽ tận dụng được ba trung tâm tài chính quan trọng của châu Á là Hồng Kông, Thượng Hải và Singapore.
Khi đó ba trung tâm tài chính lớn này cùng với Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu sẽ kết nối dịch vụ, thúc đầy nhanh việc quốc tế hoá đồng nhân dân tệ.
Không những vậy, trung tâm tài chính Singapore áp dụng quy định từ chối trao đổi thông tin khách hàng với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng như từ chối ký hiệp định công bố thông tin liên quan đến EU, theo Global Links Asia.
Như vậy, nếu lôi kéo được Singapore thì việc hiện thực hoá ý đồ thống trị của Bắc Kinh sẽ đạt hiệu quả cao nhất.
Singapore phân định rạch ròi để tránh “tai bay vạ gió” vì Trung Quốc
Theo ông Tommy Koh, quan hệ giữa Singapore – Trung Quốc là độc nhất vô nhị, vì không có quốc gia nào trên thế giới có tỉ lệ dân số người Hoa lớn như Singapore. Tuy nhiên, về mặt nhà nước thì Trung Quốc và Singapore là rất khác biệt. Trung Quốc là nước lớn, có tầm nhìn thế giới của một nước lớn, còn Singapore là nước nhỏ, tầm nhìn của nước nhỏ.
“Và với vị thế của một nước nhỏ để tồn tại và phát triển độc lập thì Singapore cần hỗ trợ của luật pháp quốc tế. Với nước nhỏ, luật pháp quốc tế được xem là cả lá chắn lẫn thanh gươm. Singapore mong muốn tranh chấp giữa các quốc gia cần được giải quyết theo quy định của luật pháp luật quốc tế, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực”, theo The Straits Times.
Thủ tướng Lý Hiển Long (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: The Straits Times
Singapore muốn Trung Quốc hiểu tại sao Singapore luôn gắn mọi vấn đề với việc tôn trọng luật pháp quốc tế. Đây là định hướng nhận thức rất quan trọng mà Singapore phải thông đạt với người bạn lớn, bởi nếu không rạch ròi giữa đối tác – người bạn và đồng minh – người nhà thì luật pháp sẽ gặp rủi ro bị vô hiệu hóa.
Từ khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình thực hiện cải cách mở cửa, Singapore đã tích cực hỗ trợ Trung Quốc xây dựng nền kinh tế hiện đại.
Ngày nay, Singapore là một đối tác chủ động trong hỗ trợ sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Singapore là một trong những thành viên đầu tiên tham gia sáng lập AIIB, và hiện nay Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc.
Điều đó khiến cho nhiều người Trung Quốc lầm tưởng Singapore là “người thân”, từ đó có thể xử lý các vấn để dựa trên “tình thân” thay cho luật pháp. Trong trường hợp đó, Singapore có thể bị xem là “cánh tay nối dài” giúp thực hiện những nhiệm vụ mà Bắc Kinh không thể hoặc không hiệu quả bằng.
Vì vậy việc Singapore phải nhắc nhở cho Trung Quốc hiểu rằng hai nước có quan hệ đối tác hữu nghị chứ không phải “người nhà” là cực kỳ quan trọng. Sự rạch ròi nhằm giữ cho Singapore những gì đã có được sau bao năm xây dựng và phát triển.
Tác giả Tommy Koh là người dẫn đầu phái đoàn Singapore đàm phán thiết lập quan hệ với Trung Quốc năm 1990 càng hiểu rõ hơn sự cần thiết của việc rạch ròi này.