Saturday, December 28, 2024
Trang chủĐàm luậnLiệu Mỹ có ngồi yên để ông Duterte phá hỏng thế cờ...

Liệu Mỹ có ngồi yên để ông Duterte phá hỏng thế cờ ở châu Á?

Đang là một đồng minh chủ chốt tại châu Á, Philipines dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Duterte đang muốn trở thành như “kẻ thù” của Mỹ nếu xét trên các tuyên bố của ông Duterte. Liệu Washington có ngồi yên trong lúc ông Duterte tìm cách thay đổi bàn cờ mà Mỹ đã thiết lập ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương?

Tổng thống Philippines Duterte (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp ngày 20/10/2016 tại Bắc Kinh.

Từ khi lên làm Tổng thống Philippines, ông Duterte đã không tiếc lời đả kích Mỹ, vốn là đồng minh kết ước của nước ông. Theo giới bình luận, ông Duterte rất tức giận phương Tây, đặc biệt là Mỹ, vì đã chỉ trích ông về mặt nhân quyền kể từ khi ông tung chiến dịch truy quét ma túy ở Philippines, trong khi ông lại được Bắc Kinh thông báo tặng 15 triệu USD để hỗ trợ chương trình chống ma túy của ông. Là một người có xu hướng hơi thiên tả, những tuyên bố trước đây của ông Duterte về Mỹ có thể hiểu được.

Thế nhưng hôm 20/10, tuyên bố tại Bắc Kinh của ông Duterte “Tôi loan báo quyết định chia tay với Mỹ, cả về quân sự lẫn kinh tế” thực sự gây sửng sốt vì được thực hiện trước một nhóm doanh nhân Trung Quốc và Philippines, sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Và để cho câu nói của mình thêm trọng lượng, ông Duterte đã kèm theo một số lời nguyền rủa Tổng thống Barack Obama như thường lệ. Với tuyên bố trên, theo báo The Straits Times của Singapore, ông Duterte có lẽ đã đẩy vấn đề đến cực hạn, và đã lao vào một canh bạc hệ trọng nhất trong cuộc đời ông.

Hiện có hai luồng ý kiến khác nhau về khả năng hành động của Mỹ với chính quyền của ông Duterte. Giáo sư Carlyle A. Thayer, thuộc học viện Quốc phòng Úc, nhận định rằng chiến lược tái cân bằng sang châu Á của Tổng thống Obama còn sống thêm được hơn hai tháng nữa một chút. Người sẽ lên làm tổng thống Hoa Kỳ sẽ đưa Mỹ dấn thân vào khu vực với một cái tên gọi mới. Có thể nói, các phát biểu của Tổng thống Duterte đã phá hoại liên minh Mỹ-Philippines. Điều này tạo ra làn sóng bất ổn chiến lược trong toàn khu vực. Hải quân và Không quân Mỹ vẫn có thể duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong vùng. Nhưng có thể ông Duterte sẽ giảm bớt sự hiện diện này nếu như không hủy bỏ Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng với Mỹ.

Lực lượng Mỹ cũng sẽ chấm dứt sự hiện diện luân phiên và sẽ không còn có khả năng đối phó với mọi tình huống ở Biển Đông. Về khía cạnh kinh tế trong chiến lược tái cân bằng của ông Obama, hiệp định tự do mậu dịch TPP thực sự đã chết bởi tư tưởng chống toàn cầu hóa mạnh mẽ tại Mỹ.

Theo giáo sư Thayer, trước mắt chắc chắn chính quyền Obama sẽ không làm cho các vấn đề trở nên tồi tệ hơn đối với tân tổng thống Mỹ. Do vậy, Mỹ sẽ có thái độ ôn hòa kín đáo. Bằng chứng là các phát ngôn viên của Mỹ chỉ nói là chính phủ Mỹ chưa được thông báo chính thức về bất kỳ phát biểu nào của Tổng thống Duterte.

Cũng như giai đoạn 1991-1992 khi Philippines hủy bỏ các hợp đồng thuê căn cứ Vịnh Subic và căn cứ không quân Clark, Hoa Kỳ sẽ phải tôn trọng chủ quyền của Philippines. Các nhà ngoại giao Mỹ sẽ giữ liên lạc với các quan chức ngoại giao và quốc phòng Philippines, những người xử lý tốt nhất mối quan hệ song phương để tìm hiểu những gì đang thực sự diễn ra.

Nhưng theo giáo sư Thayer, điều trớ trêu là sự xoay trục hiện nay của ông Duterte dường như sẽ làm giảm thái độ quyết đoán cũng như tiến trình quân sự hóa của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Triển vọng hai bên bắt đầu thương lượng về vấn đề Biển Đông cũng là một động thái tích cực. Ông Duterte đã nói là ông phải tôn trọng Hiến pháp Philippines (liên quan đến việc hạn chế sự tham gia của đối tác nước ngoài trong hoạt động thăm dò dầu khí) và ông sẽ không thể bỏ qua phán quyết của Tòa Trọng Tài.

Giờ đây, Trung Quốc có được sự khích lệ thúc đẩy các biện pháp ngoại giao nhằm củng cố sự hiện diện của họ tại Biển Đông. Điều này có thể giúp duy trì nguyên trạng ổn định tương đối. ASEAN và các thành viên của khối này chỉ có thể thoái lui và ủng hộ hoặc không can thiệp vào cuộc đàm phán song phương giữa Trung Quốc và Philippines. Philippines sẽ sớm làm chủ tịch luân phiên ASEAN với hậu quả là có thể Manila cùng với Phnom Penh chống lại mọi sáng kiến mà Trung Quốc không đồng tình.

Một số người đã căn cứ vào thực tế hiện nay là Philippines tùy thuộc rất lớn vào Mỹ về cả phương diện viện trợ quân sự, hợp tác kinh tế lẫn đầu tư, do đó có thể nghĩ đến phương án cắt viện trợ quân sự. Thế nhưng, để chống lại ý tưởng đó, nhiều quan chức trong chính quyền Duterte đã không ngần ngại cho rằng nếu không có sự trợ giúp của Mỹ, thì Manila hoàn toàn có thể quay sang nhờ Nga và Trung Quốc hỗ trợ.

Hôm 20/10, Bộ trưởng Thương mại Philippines Ramon Lopez cho biết là nhân chuyến công du Trung Quốc của Tổng thống Duterte, hai bên đã ký kết những hợp đồng trị giá 13,5 tỉ USD. Con số này đã cao hơn hẳn so với số tiền Mỹ đầu tư trực tiếp vào Philippines hiện nay chỉ khoảng 4,7 tỉ USD mà thôi.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Washington sẽ không ngồi yên để ông Duterte phá hỏng hết thế cờ mà Mỹ đã bày ra ở châu Á. Trong một bài viết ra ngày 22/10 trên tờ nhật báo Singapore The Straits Times, nhà báo Ravi Velloor đã đưa ra 3 điểm yếu đe dọa tới sinh mệnh chính trị của tân Tổng thống Duterte.

Thứ nhất là chủ nghĩa dân tộc Philippines. Trước đây, chủ nghĩa dân tộc đó có đối thủ là Mỹ, một tình trạng kéo dài cho đến khi Hoa Kỳ rút khỏi hai căn cứ Subic và Clark trong những năm 1990. Thế nhưng hiện nay, chủ nghĩa dân tộc đó đã chuyển thành chống Trung Quốc sau các hành vi hung hăng và quyết đoán của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Cho dù ngành công nghiệp và kinh doanh ở Philippines, cũng như ở nhiều quốc gia ở Đông Nam Á khác, đều do người gốc Hoa thống tri, nhưng tâm lý chống Trung Quốc do vấn đề Biển Đông lại rất phổ biến. Chính yếu tố đó đã khiến cho người tiền nhiệm của ông Duterte là cựu tổng thống Benigno Aquino rất được lòng dân. Có lẽ cựu thị trưởng thành phố Davao đã nghĩ rằng chỉ số được lòng dân cực cao của ông – ông đứng thứ hai trong bảng xếp hạng các tổng thống được lòng dân nhất sau 100 ngày đầu tiên tại chức, chỉ thua ông Fidel Ramos mà thôi – sẽ đủ để giúp ông chống lại tình cảm chung của người dân Philippines, mà một kết quả thăm dò mới nhất cho thấy là có đến hai trên ba người có thiện cảm với Mỹ, so với vỏn vẹn 31% không thích Mỹ và Trung Quốc.

Điểm thứ hai, mà ông Duterte cần ghi nhớ là trọng lượng của phương Tây và Mỹ trong kinh tế Philippines. Khi ông thông báo “chia tay” với Mỹ cả trên mặt kinh tế, có lẽ ông đã không tính đến một thực tế không gì lay chuyển nổi: đó là việc kinh tế Philippines đã khởi sắc nhờ vào việc giành được một mảng lớn chưa từng thấy của ngành công nghiệp gia công “thuê ngoài”(outsourcing) trên thế giới, bắt nguồn từ quan hệ chặt chẽ của Philippines với phương Tây, đặc biệt là với Mỹ.

Manila hiện nay được coi đã vượt qua Mumbai (Ấn Độ) trong tư cách là điểm đến được ưa chuộng của những tập đoàn công ty muốn thuê ngoài để xử lý các dịch vụ gia công. Các thành phố như Cebu ở Philippines cũng xuất hiện trên bản đồ ngành outsourcing, vì thế giới ngày càng phát hiện ra tài năng nói tiếng Anh của cư dân trong quần đảo.

Do việc các khách hàng của Philippines đều là các tập đoàn đa quốc gia phương Tây, ông Duterte có thể đẩy vận mệnh của hàng trăm nghìn thanh niên Philippines vào hoàn cảnh khó khăn nếu xa rời Mỹ về mặt chiến lược.

Ngoài ra, theo The Straits Times, còn có vấn đề kiều hối, nguồn ngoại tệ quan trọng cho Philippines. Hơn hầu như bất kỳ nền kinh tế nào khác, Philippines lệ thuộc rất nhiều vào số 30 tỷ USD mà nước này nhận được hàng năm từ những người lao động ở ngoại quốc gửi về. Nguồn kiều hối từ Arập Xê út và các nước vùng Vịnh đứng đầu bảng, nhưng sát theo sau là Mỹ. Với giá dầu sụt giảm, nguồn kiều hối từ vùng Vịnh đang ít đi. Trong trường hợp mà Mỹ áp đặt các hạn chế hoặc đánh thuế trên các khoản kiều hối gửi về Philippines để trả đũa ông Duterte, có thể sẽ có làn sóng phản đối của các gia đình trên toàn quốc vốn đang sống nhờ vào các khoản tiền này.

Thứ ba, theo The Straits Times, điều cần theo dõi sắp tới đây không phải là động thái của ông Duterte, mà là của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nếu ông Tập không cho phép ngư dân Philippines trở lại ngư trường truyền thống của họ xung quanh bãi cạn Scarborough, điều đó nó sẽ chứng tỏ là ông bỏ rơi một người hâm mộ mới trong khối ASEAN, và như vậy sẽ giáng một đòn chính trị chí mạng trên đầu ông Duterte.

Nhưng trả bãi Scarborough lại cho Manila, là điều trước mắt không thể làm được cho dù đã có một phán quyết trọng tài có lợi cho Manila. Bởi vì Bắc Kinh sẽ phải cẩn trọng về những gì có thể xảy ra nếu chẳng may ông Duterte đột ngột rời khỏi chính trường, hay là bị cách chức. Dẫu sao thì Philippines, đã có một lịch sử lâu dài về các các cuộc đảo chính nối tiếp nhau…

Một số chuyên gia khác lại cho rằng chính quyền Mỹ không nên lo ngại quá đáng. Ông Duterte nổi tiếng là một con người thực dụng, và ông hoàn toàn có thể nối lại với Mỹ nếu nhận thấy rằng quyền lợi của Philippines nhiều hơn khi chơi với Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới