Trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua, TT Philippines Duterte dường như không vượt qua được “bài kiểm tra” ngoại giao với nước lớn đầu tiên trên cương vị nguyên thủ quốc gia.
Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) tiếp đón Tổng thống Philippines Duterte. Ảnh: BBC
Trong suốt chuyến thăm chính thức kéo dài ba ngày (18-21/10), ông Duterte đã tạo ra rất nhiều cung bậc cảm xúc cho dư luận với các phát ngôn, hành động khiến chính nước chủ nhà phải bất ngờ.
BBC ngày 21/10 đã bình luận rằng, không thể nhận biết được phong cách ngoại giao của người đứng đầu nhà nước Philippines. Chính vì vậy, cho đến nay vẫn khó nhận định chiến lược ngoại giao mới của Manila dưới thời Duterte là gì.
Ông khiến giới phân tích băn khoăn với dự đoán Philipines sẽ “gần Trung xa Mỹ” sau chuyến công du này của ông Duterte.
Từ góc độ chính sách ngoại giao, kết quả chuyến đi của ông Duterte khó có thể xem là một thành công.
Manila từ vị thế đối tác thành “cầu cạnh” Trung Quốc
Trước chuyến công du Trung Quốc của Duterte, Manila được cho là chiếm lợi thế lớn từ phán quyết của Toà trọng tài thường trực (PCA) The Hague hôm 12/7, bác bỏ “quyền lịch sử” mà Bắc Kinh tuyên bố ở biển Đông và cơ sở pháp lý của yêu sách “Đường 9 đoạn”.
Bản thân Tổng thống Philippines cũng khẳng định sẽ nêu phán quyết này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng thực tế cho thấy, ông Duterte không những không tận dụng lợi thế đó, mà còn đánh mất vị trí của Manila trong con mắt của Bắc Kinh.
Từ vị thế một đối tác quan trọng mà Trung Quốc cần phải tìm cách và phải đánh đổi nhiều lợi ích để lôi kéo, nay Manila đã ở vị thế “cầu cạnh”.
Bảo bối mà Toà trọng tài trao cho Phillipines nay chẳng còn bao giá trị, khi ông Duterte nói với Bắc Kinh rằng “cá của bạn là cá của tôi”. Trong lúc cao hứng, ông Duterte còn đề nghị được tham gia liên minh Nga – Trung, hình thành một “liên minh tay ba” thách thức cả thế giới.
Trước hành động đó, Moscow không khỏi ngỡ ngàng, Bắc Kinh không khỏi bối rối. Còn với Washington thì ông Duterte gây không ít ngạc nhiên khi tuyên bố: “Mỹ là nước lớn nhưng chỉ biết nói nhiều”, theo BBC.
Các quan chức chính phủ Philippines đã phải liên tục đính chính các phát ngôn của Tổng thống về quan hệ đồng minh với Mỹ, song cả Trung Quốc và Mỹ chắc chắn đã lưu lại từng hành động, lời nói của ông Duterte trong thử thách ngoại giao đầu tiên này, để dùng làm công cụ hành xử.
Sau chuyến thăm của ông Duterte, Phillipines đã là gì của Trung Quốc? Phillipines còn là gì của Mỹ?
Manila chưa thực sự được xem là đồng minh của Bắc Kinh, đồng thời đang tự xa rời vị thế đối tác thân thiện của Mỹ.
Sau hàng loạt tuyên bố được cho là “thân Trung” của Duterte, Phillipines chắc chắn sẽ thể hiện thái độ thân thiết hơn với Bắc Kinh nhằm nhận được được nhiều lợi ích, nhưng cũng không thể quá lạnh nhạt với Mỹ do chính sách cân bằng ngoại giao, đề phòng bất trắc xảy ra trong quan hệ với “ông lớn phương Đông”.
Ở một mức độ nào đó, Philippines đã đưa mình vào thế kẹt khi lệ thuộc vào tiền viện trợ của Trung Quốc, nhưng phụ thuộc Mỹ trong bảo đảm an ninh quốc gia.
Thăm Trung Quốc, Duterte mất nhiều hơn được?
So với sự đánh đổi về vị thế và hình ảnh quốc gia, số thỏa thuận vay vốn và đầu tư trị giá tổng cộng 24 tỷ USD mà Duterte “thu hoạch” sau 3 ngày ở Trung Quốc dường như không thể bù đắp được.
Sự thay đổi về lập trường ở biển Đông của Philippines tại các hội nghị ASEAN là điều có thể dự đoán.
Trong khi Mỹ-Philippines khó có thể “bình thường” như trước sau khi ông Duterte tuyên bố chấm dứt các cuộc tập trận và tuần tra chung giữa 2 bên ở biển Đông, Manila cũng khó kỳ vọng nhiều vào Nhật Bản hay Nga.
Giới chuyên gia phân tích, Tokyo sẽ là chất xúc tác giúp đảm bảo sự nồng ấm cho quan hệ Mỹ-Philippines vì tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á với việc xoay trục đối ngoại của Washington và sự vận hành của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trong khi đó, Manila không còn nhiều thứ để có thể đánh đổi với liên minh Nga – Trung nhằm gia tăng lợi ích.
Hơn 13 tỷ USD mà hơn 400 doanh nghiệp Phillipines tháp tùng ông Duterte nhận được qua chuyến công du là một con số quá khiêm tốn với lợi ích mà Bắc Kinh sẽ khai thác được từ Phillipines. Không những vậy, nếu Manila không khéo xử lý thì có thể những gì Phillipines có được sẽ là “bánh vẽ” từ Trung Quốc.
Trước đó, chỉ với một chuyến thăm của Tập Cận Bình tới Bangladesh, Bắc Kinh “vung” cho quốc gia hơn 30 năm bị Trung Nam Hải lãng quên này tới hơn 40 tỷ USD. Tầm quan trọng của Bangladesh và Phillipines đối với các mưu đồ chiến lược của Bắc Kinh được xem là không thua kém gì nhau, thậm chí Phillipines còn được xếp trên.
Còn nhiều hệ luỵ cho Phillipines từ hiệu ứng quốc tế không mấy tích cực sau chuyến thăm của ông Duterte đến Trung Quốc.
Người dân Philippines “có lẽ” sẽ được trở lại bãi cạn Scarborough đánh cá (mà không vấp phải sự quấy rối của Trung Quốc) trong vài ngày tới, như Duterte hứa hẹn sau chuyến thăm, nhưng những gì Phillipines có rủi ro mất đi hoặc phải đánh đổi không tương xứng sau đó mới quyết định chuyến đi của ông có phải là một thất bại hay không.