Các nhà đầu tư tư nhân VN hiện nay cũng có nguồn lực tài chính rất tốt, nên đầu tư xây dựng theo hình thức PPP, thay vì vay vốn Trung Quốc.
Không nên vay vốn Trung Quốc xây đường cao tốc Bắc -Nam
Đó là quan điểm của PGS.TS Phạm Xuân Mai – Khoa Kỹ thuật giao thông, ĐH Bách khoa – ĐHQG TP.HCM với chúng tôi trước đề xuất vay vốn Trung Quốc làm đường bộ cao tốc Bắc – Nam.
Những rủi ro khó lường từ vay vốn Trung Quốc
PV:– Vừa qua, tại tọa đàm “Giải đáp câu hỏi nóng về đầu tư cao tốc Bắc –Nam”, TS Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, đã chỉ rõ với tổng vốn đầu tư 230.000 tỷ đồng là bài toán khó cho vốn vay nội địa. Chính vì thế, theo ông Nghĩa, có thể hướng doanh nghiệp vay vốn từ nước ngoài, nên chọn Trung Quốc để tránh rủi ro về tỷ giá. Ông bình luận như thế nào về đề xuất này?
Trong bối cảnh gánh nặng nợ công cao, sức ép trả nợ sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, theo ông, có nên đặt vấn đề đi vay để đầu tư tuyến đường cao tốc Bắc Nam hay không?
PGS.TS Phạm Xuân Mai: – Nhà thầu Trung Quốc thi công từ trước đến nay chất lượng vô cùng kém, giá cả thì không chính xác, đặc biệt với các công trình lớn, yêu cầu chất lượng cao, nên không thể tin tưởng.
Còn việc vay vốn Trung Quốc nếu dẫn đến việc nhà thầu nước này thi công tuyến đường trọng yếu Bắc – Nam thì vô cùng nguy hiểm. Cho nên việc tính toán vay vốn cho dự án này phải cân nhắc cẩn trọng.
Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng châu Á là những Ngân hàng cho vay nhưng được tổ chức đấu thầu quốc tế, rộng rãi,, đó là những Ngân hàng chính thức, có uy tín. Đường cao tốc rất quan trọng nên cần các nhà thầu có kinh nghiệm, khả năng trình độ cao, còn nhà thầu quá nhiều tiền lệ xấu là rất đáng ngại, không lường được hậu họa.
Mặt khác, cũng không thể lập luận là do đồng nhân dân tệ không có rủi ro về tỷ giá, vì tỷ giá đồng USD trong vòng vài năm thì cũng chỉ thay đổi vài %, biến động nhiều là những đồng tiền khác. Đây là đồng tiền mà cả thế giới dùng, chứ đâu riêng gì VN mà chúng ta lo sợ.
Trong khi, Trung Quốc từ trước đến nay cho vay tiền luôn đi kèm với các điều kiện, không ai khẳng định lần này ký hợp đồng xong họ sẽ không ra điều kiện nào, trong đó có cho nhà thầu Trung Quốc xây dựng công trình.
Thiết nghĩ, chúng ta nên hạn chế các công trình làm với Trung Quốc, còn nếu có thì phải làm với các nhà thầu lớn, có kiểm định năng lực rõ ràng, còn đâu chỉ làm với các nước châu Âu, quốc tế.
Hơn nữa, riêng về tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, chắc chắn là phải làm vì một nước cần phải có đường cao tốc, nhưng chưa cần thiết phải làm ngay. Bởi vì, chúng ta đã đầu tư quá dàn trải, nhưng toàn đầu tư sai lầm, như tuyến đường Hồ Chí Minh, tuyến đường ven biển, là 2 tuyến đường xây dựng lên nhưng không phục vụ phát triển kinh tế, vì không có người sử dụng.
Tuy nhiên, do chúng ta làm lỡ dở từ trước, không phá dỡ các tuyến đường đã xây dựng trước được. Mà có cải tạo tuyến đường Hồ Chí Minh thành đường cao tốc cũng không được, vì đường đó không ai đi, đường QL1 thành cao tốc cũng không cải tạo lên được, vì cần diện tích rộng.
Bình thường các nước chỉ có 2 đường đó là đường quốc lộ và đường cao tốc, trong khi, chúng ta có 4 loại đường. Đây là những sự sai lầm và giờ không thể sửa hoặc bỏ lỗi sai ấy, chỉ có thể làm tiếp một tuyến đường khác, nghĩa là sai thì cứ sai.
Điều đáng nói, nguồn lực từ các nhà thầu không hề nhỏ, với dự án trên nếu làm hợp tác công tư là tốt nhất – PPP, DN VN có thể làm được, công nghệ xây dựng VN có thể làm được các tuyến đường cao tốc đó, không việc gì phải đi vay vốn Trung Quốc.
PV:– Đề cập đến vốn vay từ Trung Quốc, dư luận cũng như các chuyên gia đều lo ngại, bài học của đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sẽ lặp lại. Việt Nam sẽ không chủ động được về nguồn vốn, công nghệ, chậm tiến độ, đội vốn… Ông chia sẻ thế nào với những lo ngại trên? Liệu chúng ta có tránh được vết xe đổ nói trên nếu cơ chế, cách thức đầu tư vẫn như hiện nay?.
PGS.TS Phạm Xuân Mai: – Theo tôi, các DN tư nhân hiện nay ở VN, nguồn lực tài chính khá lớn, nên có thể kêu gọi nguồn lực trong nước để tham gia xây dựng hạ tầng giao thông, theo hình thức đối tác công tư như trên đã đề cập.
Vì thế, không có lý do gì chúng ta phải tiếp tục sống với các lo ngại từ vốn vay và nhà thầu Trung Quốc, trong các dự án huyết mạch.
Còn dự án Cát Linh – Hà Đông, đã có bài học quá lớn, cho nhà thầu Trung Quốc vào làm, rồi tiến độ, chất lượng, tài chính hoàn toàn sai so với hợp đồng mà không xử lý được. Trong khi, công nghệ đường sắt đô thị không phải là khó đối với Trung Quốc, nhưng có thể là các nhà thầu không có kinh nghiệm.
Dư luận hoàn toàn có thể lo ngại khi lại thấy yếu tố Trung Quốc trong dự án cao tốc Bắc – Nam. Bây giờ, VN phải nghiên cứu lại cơ chế, cách thức đầu tư làm sao cho hiệu quả, các nước trên thế giới đã làm rất nhiều đường cao tốc, đường sắt đô thị nên hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm.
Ở đây chỉ do chúng ta quản lý quá yếu kém, không phải do trình độ mà do nhóm người lợi ích, tham nhũng, hối lộ nhiều nên mới dẫn đến những vết xe đổ đau xót như vậy.
Nên chọn nguồn đầu tư từ châu Âu
PV:– Một vấn đề khác được đặt ra, trong bối cảnh Bộ GTVT vừa xin một số cơ chế đặc thù cho tuyến đường cao tốc Bắc-Nam: chỉ định thầu và lãi suất chỉ định là 14%, dư luận nghi ngại, có sự ưu ái đặc biệt từ phía quản lý cho nhà đầu tư BOT.
Nếu tiếp tục vay vốn nước ngoài, nhà đầu tư BOT sẽ không mất gì, còn trách nhiệm đóng tiền đường và trả nợ lại do người dân gánh chịu. Băn khoăn của dư luận như vậy cần phải được giải đáp như thế nào?
Liệu nghi ngại có những lợi ích nhóm đứng sau dự án này có nên được đặt ra hay không và vì sao?
PGS.TS Phạm Xuân Mai: – Tôi chắc chắn chỉ định thầu mà theo một cơ chế không được kiểm soát thì vô cùng nguy hiểm, vì từ đó sẽ xuất hiện các nhà thầu theo nhóm lợi ích, chỉ nghĩ lợi ích bản thân.
Vì thế, hãy cứ làm theo cơ chế đấu thầu công khai, chọn nhà thầu xứng đáng, có năng lực, nếu cần thiết hãy mời tư vấn nước ngoài vào làm, cho minh bạch, công khai và chính xác.
Còn vấn đề lợi ích nhóm hiện nay hoàn toàn dư luận băn khoăn là hợp lý, vì việc Bộ GTVT xin các cơ chế đặc thù, kể cả mức lợi nhuận trên tổng mức đầu tư, quá phi lý.
Trong tất cả các dự án BOT hiện nay, các nhà đầu tư toàn vay tiền Ngân hàng là chủ yếu, xong cộng tiền lãi phải trả cho khoản tiền vay vào mức thu phí nên giá thành cao. Trong khi, người dân cứ còng lưng ra đóng phí, mà không kiểm soát được mức thu phí cũng như số tiền đã thu được, thậm chí không biết trả bao giờ mới hết.
Căn bản cũng do không ai giám sát, thì mới dẫn đến thực trạng cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ gian lận 500 triệu đồng tiền thu phí/ngày không ai biết.
PV:– Nếu vẫn quyết làm đường cao tốc Bắc – Nam và phải đi vay, theo ông, nên tính toán phương án vay vốn thế nào, vay của ai, trong bối cảnh Pháp và nhiều nước Châu Âu cũng đã đặt vấn đề đầu tư cao tốc ở Việt Nam? Quốc hội nên thể hiện vai trò như thế nào trong dự án này?
PGS.TS Phạm Xuân Mai: – VN nếu vẫn quyết tâm làm thì hãy lựa chọn Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng châu Á, hoặc các nước phương Tây, vì họ sẵn sàng cho vay, cùng hệ thống nhà tư vấn tốt, thuận lợi cho VN làm các công trình lớn.
Cùng với đó, nó đi kèm với các hỗ trợ làm sao để VN phát triển, để đảm bảo đồng vốn và uy tín của họ. Hơn nữa, họ có một cơ chế cho vay minh bạch, không có chuyện nhập nhèm, đặt điều kiện như Trung Quốc.
Còn Quốc hội là đại diện cho dân thì phải là cơ quan giám sát toàn bộ dự án các công trình lớn của nhà nước, không những chất lượng mà phải từ bắt đầu dự án cho đến khi kết thúc, đứng trên lập trường và lợi ích cho dân.