Chúng ta đang phát triển quá nhanh để cần một lượng điện năng lớn, buộc phải đánh đổi hiệu quả của các ngành kinh tế khác?
Nhiệt điện than là phương án tối ưu cho phát triển điện rẻ, nhanh.
Liên quan tới kiến nghị của 2 Liên minh trong đó nhắc tới việc xin dừng hẳn các nhà máy nhiệt điện than chưa được xây dựng, TS. Đào Trọng Tứ, Giám đốc trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, nguyên phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho rằng, ông đồng tình với kiến nghị này.
Dừng nhà máy nhiệt điện than chưa xây vì sao?
Theo ông Đào Trọng Tứ, nhìn riêng vào quy hoạch điện ở ĐBSCL mới thấy sự “lạ” và “khó hiểu” bởi rất thiếu các yếu tố thành công.
Thực tế ở nhà máy nhiệt điện than và các vùng lân cận oằn mình gánh chịu các hậu quả môi trường không phải là điều không ai nhìn thấy. Đi tới các khu vực gần nhà máy nhiệt điện than, khung cảnh tan hoang, ảnh hưởng môi trường rất nặng nề và chưa có giải pháp đặc biệt nhằm giám sát quản lý để hạn chế được.
Nhưng lại được nhân rộng mô hình nhiệt điện than ở các khu vực trọng yếu ở vùng không có nguồn than, vùng kinh tế nông nghiệp, không có nhu cầu cao về phát triển điện.
“Phát triển nông nghiệp vốn là thế mạnh của ĐBCSL tạo thành vùng kinh tế trọng điểm. Nhưng bản thân vùng kinh tế này không cần quá nhiều điện như phát triển công nghiệp để phải xây dựng bổ sung tới 14 nhà máy nhiệt điện để phục vụ sản xuất.
Chưa kể, tổ hợp 6 trung tâm ấy trong tương lai không xa sẽ ngốn tới cả 40 triệu tấn than mà nguồn than không còn thì buộc phải nhập khẩu từ nước ngoài. Nguồn nước vốn đã hạn chế cũng buộc phải cắt cho nhiệt điện than thì sẽ ảnh hưởng tới các giá trị kinh tế của ngành khác. Giá trị và hiệu quả tới đâu cũng là điều buộc phải suy xét cụ thể” – TS. Đào Trọng Tứ nói.
Ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện than gồm ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước. Khí thải từ việc đốt than và nhiệt độ nước cao từ hệ thống làm mát thải ra. Vấn đề đặc biệt ở chỗ Việt Nam lại đặt giữa một khu vực đồng bằng phát triển nghề nông để đặt nhà máy đốt than, trong khi lại vận chuyển từ nơi khác đến.
Xét về tính lâu dài, điều này khó khả thi.
TS. Đào Trọng Tứ cũng nhắc tới câu chuyện về công nghệ được sử dụng trong các nhà máy nhiệt điện than.
Liệu việc giảm số lượng các nhà máy nhiệt điện than và nâng cấp các nhà máy đốt than đã xây dựng sẽ làm tăng sản lượng điện và hạn chế ảnh hưởng môi trường?
Đây vẫn là câu hỏi nhưng xuất phát từ thực tế đáng buồn là nhiệt điện than dùng công nghệ Trung Quốc mang lại hiệu quả quá thấp lại gây ảnh hưởng tới các vấn đề xã hội khi công nhân trong các nhà máy này ngập toàn công nhân Trung Quốc đi kèm với ô nhiễm môi trường…
Trung Quốc đã phải đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than của họ vừa qua bởi ô nhiễm. Khi đó gần 50% các nhà máy cùng dây chuyền sản xuất của họ không thể dùng được.
Trong khi đó, Việt Nam lại nhập khẩu hàng loạt các công nghệ đó, nhà đầu tư đó thì chúng ta đã tự nhập khẩu ô nhiễm vào mình.
Câu chuyện thay thế nhiệt điện than chưa hề có lời giải và trong khi xây dựng các giải pháp quản lý để làm thật tốt đối với các nhà máy đã xây thì tìm ra các bằng chứng khoa học thuyết phục về các phương án thay thế nhiệt điện than là điều cần phải làm ngay.
Giải bài toán năng lượng thế nào?
Đặt vấn đề trong bối cảnh sự phức tạp của bài toán năng lượng trong thời điểm hiện nay, theo TS. Đào Trọng Tứ, nhu cầu sử dụng năng lượng ở nước ta ngày càng cao hơn trong khi lượng điện không đủ để đáp ứng. Tổng lượng điện trên đầu người ở Việt Nam hiện vẫn còn thấp so với các nước phát triển.
Điều này đặt ra câu hỏi, điện để phát triển là rất cần vậy nguồn điện từ đâu ra để đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh…?
“Hiện tại, thủy điện đang đóng góp 40% lượng điện sản xuất nhưng tương lai sẽ sớm cạn kiệt. Chúng ta buộc phải phụ thuộc vào nhiệt điện để đảm bảo sản xuất điện đáp ứng các nhu cầu phát triển chung. Theo Quy hoạch điện VII kể cả sau điều chỉnh, đều nhấn mạnh về việc phát triển nhà máy nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện than tập trung vào năm 2030” – TS. Tứ cho hay.
Nhiệt điện than có giá rẻ, có thể đi nhập nếu điều kiện trong nước không cho phép. Hơn nữa công nghệ sử dụng không quá phức tạp, dự án được thực hiện nhanh… Tuy nhiên, tác động liên quan tới nhiệt điện than là điều ít ai có thể phủ nhận liên quan tới sức khỏe con người, môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng tới các ngành sản xuất khác…
“Tôi còn đọc ở đâu đó những ngày gần đây, có ý kiến cho rằng: “Nhiệt điện là cứu cánh”. Điều này, xét cho cùng cũng không sai!” – TS. Đào Trọng Tứ nhận định.
Trong Quy hoạch điện VII, với mục tiêu đến năm 2020 đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm, trong đó giảm năng suất của các nhà máy nhiệt điện than còn chiếm khoảng 42,7% tổng công suất nguồn.
Theo ông Tứ, nếu xét trên các tình hình hiện tại, đây lại là một bài toán khó.
“Năng lượng tái tạo mới bắt đầu đi vào hoạt động chưa thực sự có được các hiệu suất như ý. Chính phủ đã cho tạm ngừng điện hạt nhân. Thủy điện trong tương lai sẽ còn bị giảm nặng nề. Như vậy, chúng ta chỉ còn làm nhiệt điện than. Nếu nói là cứu cánh thì rõ ràng rồi, bởi chỉ còn mình nó. Nếu không thay đổi các quan điểm và định hướng quy hoạch của chúng ta thì bài toán cho năng lượng xanh, cho nhiệt điện than vẫn còn đó” – TS. Đào Trọng Tứ nhận định.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, nếu đặt vấn đề phát triển năng lượng, phát triển kinh tế trong bối cảnh giữa các tác động tiêu cực của nhiệt điện than ảnh hưởng tới các ngành kinh tế khác, ô nhiễm môi trường, sức khỏe của người dân sống cạnh các vùng tập trung làm điện ấy… thì rõ ràng cần phải xem xét lại.
Vì vậy, ông Đào Trọng Tứ cho rằng, ‘có thể thấy rằng 2 Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam và Liên minh Phòng chống Bệnh không lây nhiễm Việt Nam đã tìm ra được phương án là dừng những nhà máy chưa được xây dựng để xem xét tính khả thi. Còn lại các nhà máy đã được xây dựng thì cần bàn bạc cách quản lý chặt chẽ.