Một phong trào của nhân dân Trung Quốc kiện cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân đã thu hút gần hai triệu người ủng hộ tại Châu Á.
Chủ tịch Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào, đang nói chuyện với cựu Tổng bí thư Giang Trạch Dân trong một cuộc họp diễn ra vào ngày 3/9/2005 tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Tính đến nay, hơn 1,8 triệu người từ Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản đã ký tên vào bản kiến nghị kêu gọi các cơ quan tư pháp tối cao của Trung Quốc truy tố ông Giang Trạch Dân, cựu Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Giang từng bị một tòa án ở Tây Ban Nha phát lệnh truy nã quốc tế hồi tháng 2 năm 2014 cùng cựu Thủ tướng Lý Bằng vì tội diệt chủng đối với người dân Tây Tạng, theo hãng tin CNN.
Tuy nhiên, ông này đang đối mặt với một tội diệt chủng khác kéo dài từ năm 1999 đến nay đối với Pháp Luân Công, một môn khí công cổ xưa của Trung Quốc hiện phổ biến tại nhiều nước trên thế giới.
Vào tháng 7 năm 1999, ông Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc với chỉ lệnh ‘bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể’.
Hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ, tra tấn, lạm dụng tại các nhà tù, các trung tâm tẩy não và các trại lao động, đồng thời trở thành đối tượng chính của tội ác diệt chủng giết người lấy nội tạng.
Theo báo cáo mới nhất được công bố hồi tháng 6 của cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilguor, luật sư nhân quyền David Matas và nhà báo điều tra Ethan Gutman, ước tính có đến 1,5 triệu ca cấy ghép tạng diễn ra Trung Quốc kể từ năm 2000, trong đó phần lớn đến từ các học viên Pháp Luân Công.
Trước những lời lên án của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn luôn phủ nhận hoạt động mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công.
Theo cô Theresa Chu, một luật sư nhân quyền Đài Loan và là điều phối viên của chiến dịch thu thập chữ ký thỉnh nguyện tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cô không lạc quan rằng chính quyền Trung Quốc sẽ tiến hành điều tra các cáo buộc về mổ cướp nội tạng, hay đưa ông Giang ra toà án hình sự quốc tế.
Hồi tháng 9, Trung Quốc hứa hẹn sẽ hợp tác với Uỷ ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhưng cam kết này được thực hiện đến đâu vẫn còn là mối hoài nghi. Cô Chu cho biết bất kỳ dạng hợp tác nào về nhân quyền đều chỉ có ý nghĩa khi chính quyền Trung Quốc chấm dứt cuộc đàn áp 17 năm qua đối với Pháp Luân Công, đồng thời giao nộp những bằng chứng về tội ác của ông Giang ra Liên Hiệp Quốc và cho phép tiến hành các cuộc điều tra độc lập tại Trung Quốc.
Phát biểu với Đài truyền hình Tân Đường Nhân tại New York, cô Chu cho biết: “Nếu chính quyền Trung Quốc không đưa ông Giang ra xét xử theo luật pháp của họ thì chúng tôi có thể yêu cầu công tố viên trưởng [của Tòa án Hình sự Quốc tế] điều tra, theo quy định bổ sung về thẩm quyền của Tòa án Hình sự Quốc tế”.
Theo thống kê của trang Minh Huệ, trang web chuyên đưa tin về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, hơn 209.800 học viên của môn tập này từ khắp thế giới đã đệ đơn kiện ông Giang lên toà án tối cao của chính quyền Trung Quốc kể từ giữa 2014.
Trong số gần hai triệu người ủng hộ, có đến 1,6 triệu người đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, theo cô Theresa Chu.
Các học viên Pháp Luân Công biểu tình ôn hòa trước Đại sứ quán Trung Quốc tại New York, ngày 3/7/2015 yêu cầu hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để kiện Giang Trạch Dân.
Ngay tại Trung Quốc, nơi cuộc đàn áp vẫn đang diễn ra từng ngày, phong trào ủng hộ đơn kiện ông Giang cũng bùng nổ. Tại Triều Dương, một thành phố với hơn nửa triệu dân thuộc tỉnh Liêu Ninh ở phía bắc Trung Quốc, hơn 30.000 người dân đã ký tên đề nghị đưa ông Giang ra trước công lý. Hơn 6.000 người khác tại Trương Gia Khẩu và các khu vực lân cận thuộc tỉnh Hà Bắc cũng đã ký tên vào đơn thỉnh nguyện này.