Tuesday, December 24, 2024
Trang chủBiển nóng"Nếu TPP không được Quốc hội Mỹ thông qua, còn ai tin...

“Nếu TPP không được Quốc hội Mỹ thông qua, còn ai tin Hoa Kỳ nữa”

Còn người Nhật, nếu họ thấy Mỹ bắt đầu ít đáng tin cậy hơn trong vai trò đối tác, bạn không thể biết những gì họ sẽ làm.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ảnh: AP / Steffi Loos.

The Straits Times ngày 27/10 đăng nội dung cuộc phỏng vấn Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long của Tổng biên tập tạp chí Times, Ian Bremmer xung quanh Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama.

Theo đó Thủ tướng Lý Hiển Long nhận định, TPP có ý nghĩa nhiều hơn một thỏa thuận thương mại hay vấn đề công ăn việc làm đối với người Mỹ. Nó còn là uy tín và địa vị của Hoa Kỳ trong khu vực, là lòng tin của các đồng minh và đối tác với Washington.

TPP mà “chết yểu” thì uy tín của Hoa Kỳ cũng sa sút

Trước câu hỏi của Ian Bremmer: “Hậu quả của việc không có TPP là gì?”, ông Lý Hiển Long cho biết:

“Vị thế của các bạn sẽ tụt xuống trong quan hệ với rất nhiều quốc gia trên thế giới. Đối thủ cũng như bạn bè của các bạn sẽ nói:

Quý vị nói về chiến lược xoay trục, phát triển các mối quan hệ. Quý vị có thể di chuyển tàu sân bay quanh khu vực, nhưng tàu sân bay có thể hỗ trợ được gì?

Nó phải là một mối quan hệ hợp tác kinh tế sâu rộng hơn. Các bạn không làm những gì mà người Trung Quốc làm. Trung Quốc đi quanh khu vực này với kẹo trong túi họ.

Trung Quốc họ có viện trợ, họ có các thỏa thuận hữu nghị, họ xây cho bạn một tòa trụ sở Văn phòng Thủ tướng, Văn phòng Tổng thống hay trụ sở Bộ Ngoại giao.

Đối với Trung Quốc, thương mại là một phần mở rộng trong chính sách đối ngoại của họ. Còn các bạn thì không làm những thứ “lặt vặt” này.

Một trong những cái lớn lao mà các bạn đã làm đó là giải quyết vấn đề TPP với những gì ông Obama đã làm được.

Nó cho thấy rằng các bạn nghiêm túc, các bạn đang chuẩn bị làm sâu sắc thêm mối quan hệ, rằng các bạn đang có lợi ích cần phải giữ gìn ở đây.

Bây giờ nếu các bạn nói không thể có TPP sau khi Việt Nam đã tham gia, sau khi Nhật Bản đã tham gia, thậm chí Thủ tướng Shinzo Abe đã phải rất khó khăn để sắp xếp các vấn đề cho ngành nông nghiệp, công nghiệp ô tô, đường và sữa cho TPP.

Bây giờ các bạn lại nói: “Chúng tôi đi đây, chúng tôi không tin vào thương vụ này”. Vậy thì còn ai tin vào các bạn nữa?

TPP không chỉ là vấn đề thương mại, mà còn là vấn đề chiến lược. Ở Đông Bắc Á, CHDCND Triều Tiên vẫn không thể đoán trước, họ vẫn theo đuổi vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Các bạn không muốn Triều Tiên làm điều đó, các bạn cũng không muốn người Nhật Bản làm điều đó, vậy lấy gì để kiềm chế họ?

Đó là uy tín của bạn trong vai trò đồng minh, và trong vai trò vật cản.

Tôi không nghĩ rằng thất bại trong việc phê chuẩn TPP sẽ giúp tăng cường uy tín của các bạn, hoặc giúp ông Abe vốn đã phải xé rào để hỗ trợ TPP và đang chuẩn bị cho quá trình phê chuẩn nó.

Ông Obama đã không nỗ lực hết sức để thúc đẩy TPP trong nước, ông bỏ vốn chính trị cho nó hơi muộn.”

Rodrigo Duterte, Biển Đông và quan hệ Trung – Mỹ

Xung quanh câu hỏi ông đánh giá như thế nào về những gì ông Rodrigo Duterte có thể làm sau hàng loạt phát biểu chống Mỹ, Thủ tướng Singapore cho hay:

“Tôi không biết, bởi vì đây mới là giai đoạn đầu. Lập trường riêng của ông Duterte theo tôi nghĩ là có chiều sâu. Tôi không nghĩ rằng ông ấy đang đóng kịch.

Ông ấy sẽ làm gì tiếp theo, lập trường của các thuộc cấp trong lực lượng vũ trang hay trong chính quyền của ông như thế nào, liệu họ có gây ảnh hưởng đến ông ấy hay ông ấy ảnh hưởng ngược lại họ, chỉ có thời gian mới có câu trả lời. Tôi không muốn suy đoán.”

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Lý Hiển Long nhận định:

“Mỗi quốc gia yêu sách ở Biển Đông đều có quan hệ rộng lớn hơn với Trung Quốc. Không ai trong số này muốn đẩy quan hệ ấy đến bờ vực.

Vì vậy sẽ có những cuộc chơi. Mỹ sẽ hành động như thế nào, thỏa hiệp thương mại là gì, những quan hệ liên minh hay đối tác mà Mỹ cố gắng xây dựng, cố gắng có được là gì?

Người Trung Quốc tỏ ra khá rõ ràng trong việc xác định lợi ích của họ là gì và (hành động) nhất quán để thúc đẩy lợi ích đó.”

Nếu Mỹ “xoay trục” sang châu Á thất bại, Nhật Bản, Ấn Độ có thể nổi lên trong vai trò cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc

Thủ tướng Lý Hiển Long nhận định, trong thực tế Mỹ có rất nhiều bạn bè, đối tác và rất nhiều lợi ích trong khu vực. Các khoản đầu tư của Mỹ ở châu Á là rất lớn, thiện chí của khu vực này với Hoa Kỳ cũng rất lớn.

Nếu nhìn vào các nước ASEAN có thể thấy, thực tế các nước thành viên khối đều rất vui khi thấy Mỹ hiện diện trong khu vực. Nó có nghĩa là sự thịnh vượng, mang lại nhiều lựa chọn để thúc đẩy sự ổn định.

Vì vậy nói Mỹ không có lợi ích quan trọng trong khu vực, hay khu vực này không còn quan trọng đối với Mỹ trong 10 năm tới là không chính xác. Bà Hillary Clinton biết rõ điều này.

Điều đó không có nghĩa là mong muốn Mỹ hiện diện ở đây với chiến hạm, mà là sự có mặt thân thiện, lành tính và hỗ trợ.

Ian Bremmer đặt câu hỏi: “Nếu chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á được xem như thất bại trong vòng 5 đến 10 năm tới, ngài có nghĩ rằng Trung Quốc là lực lượng thay thế duy nhất, hay chúng ta sẽ phát triển hướng tới một tình huống đa phương?”

Ông Long bình luận: “Điều đó còn phụ thuộc vào việc người Ấn Độ, người Nhật Bản sẽ làm gì.

Quy mô kích thước kinh tế Ấn Độ không lớn bằng Trung Quốc. GDP Trung Quốc gấp 3 lần họ, nhưng Ấn Độ đang phát triển.

Ông Narendra Modi đang cố gắng thiết lập chỗ đứng cho Ấn Độ và họ có lợi ích bên ngoài tiểu lục địa Nam Á. Họ có mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc, bao gồm cạnh tranh và tranh chấp biên giới.

Điều này phục thuộc vào cách họ tham gia vào các vấn đề khu vực. Tôi nghĩ rằng, lợi ích của họ sẽ thúc đẩy chiến lược của họ chủ động hơn, nhưng vẫn cần phải theo dõi.

Còn người Nhật, nếu họ thấy Mỹ bắt đầu ít đáng tin cậy hơn trong vai trò đối tác, bạn không thể biết những gì họ sẽ làm.

Bộ trưởng Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản trong tháng Hai năm nay đã nói rằng, (phát triển) vũ khí hạt nhân không chống lại Hiến pháp Nhật Bản.”

Người viết cho rằng, một phần bài phỏng vấn Thủ tướng Lý Hiển Long được trích dẫn trên đây cho thấy tầm nhìn chiến lược của một chính khách tầm cỡ quốc tế.

Không những ông Lý Hiển Long đã thấy trước tình hình và khả năng diễn biến, nhưng vẫn nỗ lực hết mức có thể để cứu TPP, mà còn chủ động có những nước cờ chuẩn bị ứng phó với những đổi thay một khi TPP thất bại.

Những thay đổi trên vũ đài chính trị quốc tế vốn đã khó lường kể từ khi Trung Quốc thọc xuống Biển Đông, nay có thể sẽ diễn ra chóng vánh và phức tạp sau cuộc bầu cử Mỹ ngày 8/11 tới.

Các chuyến công du con thoi của Thủ tướng Lý Hiển Long sang thăm chính thức Hoa Kỳ, đi Trung Quốc dự G-20, thăm Nhật Bản, thăm Australia, thăm Ấn Độ…nhiều khả năng là để đón đầu một xu thế mới.

Singapore đang không chỉ cam chịu đóng vai trò nhân vật phụ trong khu vực, mà còn nỗ lực tìm cách thay đổi cuộc chơi, không để cục diện Trung – Mỹ cạnh tranh và cân bằng ở châu Á xoay vần thành cục diện Trung Quốc một mình một chiếu, cho dù họ luôn sẵn kẹo trong túi.

RELATED ARTICLES

Tin mới