Quan hệ Ấn Độ- Pakistan đã gia tăng căng thẳng khi pháo liên tục nã ở khu vực tranh chấp sau khi hai bên từ chối quan chức ngoại giao của nhau.
Kashmir vẫn luôn là điểm nóng trong quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan.
Ngày 28/10, Pakistan đã cáo buộc Ấn Độ tiếp tục nã pháo nhằm vào các ngôi làng dọc Ranh giới Kiểm soát (LoC) ở khu vực tranh chấp Kashmir do Pakistan kiểm soát, khiến 3 dân thường thiệt mạng, trong đó có một phụ nữ, một bé gái và 5 người bị thương.
Phó Cao ủy Pakistan Zeeshan Nisar cho biết, vụ việc xảy ra tại các quân khu Nakyal và Tatta Pani thuộc khu vực Kashmir.
Người phát ngôn quân đội Pakistan, Trung tướng Asim Salem Bajwa cảnh báo, nếu Ấn Độ tiếp tục vi phạm thỏa thuận ngừng bắn và vượt qua lằn Ranh giới kiểm soát thì phía Pakistan đã chuẩn bị để đối phó với mọi tình huống.
Họ đã nhiều lần vi phạm vượt qua đường Ranh giới kiểm soát và bắn về phía chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ tự ý có các hành động gây hấn với phía Ấn Độ nhưng chúng tôi luôn cảnh giác, chúng tôi đã chuẩn bị cho mọi tình huống và sẵn sàng đáp trả các hành động gây hấn của họ”, Tướng Bajwa nói.
Động thái mới giữa 2 quốc gia này cho thấy sự gia tăng căng thẳng, đặc biệt là mới trước đó 1 ngày, cả 2 đã cùng tuyên bố trục xuất nhân viên ngoại giao của đối phương.
Vụ việc cụ thể xảy ra hôm 27/10 khi Ấn Độ cáo buộc nhân viên ngoại giao Pakistan làm việc ở bộ phận cấp thị thực của Cao ủy Pakistan tại New Delhi bị tình nghi điều hành một đường dây gián điệp thu thập thông tin nhạy cảm về các chiến dịch an ninh của Ấn Độ dọc biên giới nước này.
Theo cảnh sát, 2 nghi can Ấn Độ và nhà ngoại giao Pakistan bị bắt quả tang cùng với nhiều tài liệu giả mạo, bản đồ liên quan đến quốc phòng, sơ đồ triển khai quân và danh sách sĩ quan đang làm việc dọc biên giới Ấn Độ-Pakistan.
Nhà ngoại giao Pakistan sau đó được thả tự do theo quy định miễn trừ ngoại giao nhưng bắt buộc phải rời khỏi Ấn Độ trước ngày 29/10.
Về phía Cao ủy Pakistan tại New Delhi đã phủ nhận các cáo buộc của Ấn Độ và tuyên bố cơ quan này “chưa bao giờ tham gia vào bất kỳ hoạt động nào không phù hợp với vị thế ngoại giao của mình”.
Sau đó, đêm 27/10, phía Pakistan đáp trả bằng cách thông báo với Cao ủy Ấn Độ tại Islamabad rằng họ không chấp nhận một nhà ngoại giao Ấn Độ tên Surjeet Singh thuộc Văn phòng Cao ủy Ấn Độ và cho ông này thời hạn 48 giờ để rời Pakistan.
Lý do được đưa ra là ông này “vi phạm Công ước Vienna và quy tắc ngoại giao đã được thiết lập”. Pakistan không nói rõ hành vi vi phạm của nhà ngoại giao Ấn Độ là gì.
Phía Ấn Độ đã có phản ứng khi cho rằng hành động của phía Pakistan là hoàn toàn vô căn cứ khi không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào.
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan gia tăng sau vụ tấn công đẫm máu ở khu vực Uri, bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ làm 18 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Kết quả điều tra ban đầu do Ấn Độ tiến hành xác định một trong những kẻ tấn công ở Uri là Hafiz Ahmed, người đến từ khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát.
Tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn sau vụ việc Ấn Độ tuyên bố quân đội nước này đã tiến hành các cuộc đột kích nhằm vào cơ sở của các nhóm khủng bố bên kia đường Ranh giới Kiểm soát trong rạng sáng 29/9.
Trong các ngày sau đó đã liên tiếp xảy ra những vụ đấu súng kéo dài nhiều giờ đồng hồ tại Ranh giới Kiểm soát giữa các binh sĩ Ấn Độ và Pakistan.
Yếu tố Trung Quốc
Liên quan tới căng thẳng giữa hai nước Ấn Độ và Pakistan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 29/9 cho biết đã liên hệ với cả hai bên qua các kênh khác nhau nhằm hạ nhiệt căng thẳng đồng thời đề nghị hai nước xử lý thỏa đáng những khác biệt và hợp tác để duy trì hòa bình, an ninh trong khu vực.
“Chúng tôi hy vọng Ấn Độ và Pakistan có thể tăng cường liên lạc và xử lý thỏa đáng bất đồng, hợp tác cùng nhau duy trì hòa bình và an ninh của khu vực”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết.
Khu vực phát triển kinh tế trọng yếu ở Trung Nam Á theo chiến lược Trung Quốc. |
Trước đó, hồi đầu tháng 10, Trung Quốc và Pakistan tổ chức sự án phát triển nhằm mục đích liên kết cảng Gwadar ở phía tây nam Pakistan với khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, thông qua mạng lưới đường cao tốc, đường sắt và đường ống vận chuyển dầu khí có tên Hành lang kinh tế Trung Quốc- Pakistan (CPEC).
CPEC thực chất là mạng lưới giao thông dài khoảng 3.000 km từ Gwadar tới Kashgar, được khởi động tháng 4/2015, chi phí ước khoảng 46 tỷ $, tiến độ hoàn thành trong vài năm.
“Đây là khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc, là công cụ làm thay đổi luật chơi chiến lược trong khu vực, đưa Pakistan thành một thực thể thịnh vượng hơn và mạnh mẽ hơn trong tương lai”, Firstpost nhấn mạnh.
Hồi tháng 3 vừa qua, cơ quan tình báo Ấn Độ báo cáo chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi cho biết quân đội Trung Quốc sẽ sớm được triển khai ở Pakistan để tăng cường an ninh cho Hành lang CPEC, dài hơn 3.000 km.
Không những vậy, Pakistan đã triển khai 3 lữ đoàn bộ binh độc lập và 2 trung đoàn pháo binh để bảo vệ các đường cao tốc trong tuyến hành lang CPEC.
Gwadar, nằm bên bờ biển Ả rập thuộc tỉnh Balochistan của Pakistan, có vị trí chiến lược giữa Nam và Trung Á với Trung Đông, nằm ở cửa vịnh Ba Tư, ngay bên ngoài eo Hormuz, cửa ngõ lưu thông của khoảng 40% lượng dầu mỏ thế giới.
Nếu cảng Gwadar được Trung Quốc giúp đỡ, sẽ trở thành quân cảng và nơi đổ bộ của quân đội Trung Quốc tại Ấn Độ Dương và Vịnh Ba Tư. Điều này sẽ ảnh hưởng tới vai trò cường quốc hải quân quan trọng nhất tại vùng Ấn Độ Dương của Ấn Độ.