Giữa Singapore với các siêu cường, đặc biệt là Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai bên bình đẳng và cùng có lợi, hoàn toàn không có chuyện “chiếu trên – chiếu dưới”.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long gặp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte
bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Viêng Chăn, Lào, ảnh: Philstar.
Ngày 30/10, tờ The Independent, Singapore đăng bài bình luận: “Sự thay đổi của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngả về Trung Quốc cho thấy Thủ tướng Lý Hiển Long đang để mất ảnh hưởng của Singapore.”
Những tiếng nói trái chiều chỉ trích Thủ tướng Singapore
Tác giả bài viết này cho rằng:
“Thay đổi thái độ của Rodrio Duterte với Trung Quốc rõ ràng làm gia tăng những rắc rối nghiêm trọng trong ASEAN, đặc biệt là khi Philippines trở thành Chủ tịch luân phiên của khối trong năm tới, 2017.
Các quốc gia ASEAN khác như Campuchia và Lào đã xoay trục về phía Trung Quốc. Tiếp theo là Malaysia, khi Thủ tướng Najib Razak bắt đầu thăm chính thức Trung Quốc từ hôm nay.
Malaysia dự kiến sẽ đàm phán mua tàu chiến tác chiến gần bờ do Trung Quốc chế tạo khi ông Najib đến Bắc Kinh. Đây sẽ là thỏa thuận đầu tiên có ý nghĩa quốc phòng giữa Malaysia với Trung Quốc.
Khi Thủ tướng Najib Razak tới Bắc Kinh bắt đầu chuyến thăm kéo dài 1 tuần, mối quan tâm chủ yếu của ông sẽ là đảm bảo nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc để thúc đẩy kinh tế của Malaysia.
Điều này khác hoàn toàn với nhà lãnh đạo của chúng tôi (Thủ tướng Lý Hiển Long) khi ông thăm Trung Quốc để đầu tư và làm giàu cho nền kinh tế Trung Quốc, trong khi nền kinh tế Singapore cũng đang suy giảm nhanh chóng.
(Thủ tướng Lý Hiển Long đã tới thăm những khu công nghiệp có vốn đầu tư của Singapore tại Trung Quốc như SIP, Thiên Tân Eco City, Trùng Khánh Raffles Mall City…).
Những nhận xét gần đây của Singapore liên quan đến Phán quyết Trọng tài 12/7 về tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc với Philippines đã khiến Trung Quốc phản ứng với Singapore bằng những cách không thể tưởng tượng được, trong khi Singapore không phải là một bên yêu sách.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Times tuần trước, Thủ tướng Singapore ca ngợi chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, trong khi “hạ bệ” Trung Quốc như một cái kẹo, chúng ta có thể lại tiếp tục chọc giận Trung Quốc:
“Các bạn (Hoa Kỳ, ông Lý Hiển Long nói với Tổng biên tập Tạp chí Times – người viết chú thích) không làm những gì mà người Trung Quốc làm. Trung Quốc đi quanh khu vực này với kẹo trong túi họ.
Trung Quốc họ có viện trợ, họ có các thỏa thuận hữu nghị, họ xây cho bạn một tòa trụ sở Văn phòng Thủ tướng, Văn phòng Tổng thống hay trụ sở Bộ Ngoại giao.
Đối với Trung Quốc, thương mại là một phần mở rộng trong chính sách đối ngoại của họ. Còn các bạn thì không làm những thứ “lặt vặt” này.”
Singapore đã thất bại thảm hại trong vai trò hiện tại của mình là nước điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc. Đó là vì sự non nớt và ngây thơ của nhà lãnh đạo chúng tôi trong việc xử lý các vấn đề địa chính trị và ngoại giao.
Còn Rodrigo Duterte mặc dù cá tính bướng bỉnh, nhưng đã cho thấy ông rất xuất sắc trong việc thể hiện hiệu lực của Phán quyết Trọng tài và sự sắc sảo, khôn ngoan khi đối phó với Trung Quốc.
Các tàu tuần tra Trung Quốc không còn được nhìn thấy hoạt động ở khu vực Scarborough, và ngư dân Philippines đang tự do đánh bắt tại đây với sản lượng tài nguyên nghề cá dồi dào.
Đó là thành quả chưa đầy 1 tuần sau khi ông Rodrigo Duterte thăm chính thức Trung Quốc và cam kết củng cố quan hệ song phương gần gũi hơn.
Trong Hội nghị thượng đỉnh G-20 (thực tế là hội nghị thượng đỉnh ASEAN, người viết chú thích) vào đầu tháng Chín vừa qua tại Viêng Chăn, Lào, Thủ tướng Lý Hiển Long đã gặp ông Rodrigo Duterte lần đầu tiên và chúc mừng ông đắc cử Tổng thống, đồng thời “nhiệt tình” mời ông Duterte thăm Singapore.
Điều này diễn ra trong bối cảnh Duterte từng chỉ trích Singapore khi còn là Thị trưởng Davao. Ông Duterte từng gọi Singapore là “một đơn vị đồn trú đóng giả quốc gia” và văng một câu rất bậy bạ.
Ngày 30/10 tờ Sunday Times đưa tin, Rodrigo Duterte có kế hoạch thảo luận về vấn đề tội phạm trên biển với Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Tờ báo dẫn lời ông Duterte nói:
“Sau chuyến thăm thành công đến Trung Quốc, Brunei và Nhật Bản, tôi sẽ đến Malaysia để hoàn thành chương trình công du của mình, vì đó là những quốc gia quan trong đối với tôi.”
Hình như Rodrigo Duterte bỏ ngoài tai lời mời nhiệt tình của Thủ tướng Lý Hiển Long, Singapore không có sức nặng nhiều trong phương trình địa chính trị của Philippines.
Đặc biệt, điều này xảy ra ngay cả khi chúng ta phải thừa nhận rằng, một lực lượng lao động tinh hoa Philippines ở Singapore đang cướp nhiều công ăn việc làm của người dân sở tại.
Đây có thể là điều đáng lo ngại về sự cô lập của Singapore khỏi các nước thành viên ASEAN vì những gì thuộc về lãnh đạo đã mất ảnh hưởng của chúng ta.”
Cá nhân tôi cho rằng, việc có những ý kiến khác nhau trong xã hội là điều hết sức bình thường. Cho nên người viết không ngạc nhiên khi thấy chính sách đối ngoại của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long không phải ai cũng đồng tình, thậm chí có người phản đối như tác giả bài viết trên.
Sẽ không cần phải lên tiếng nếu bài viết này không đề cập đến cục diện Biển Đông, chiến lược đối ngoại của Philippines và Singapore.
Tuy nhiên, The Independent, Singapore đã đưa ra nhiều bình luận về cục diện an ninh, địa chính trị khu vực nằm trong sự quan tâm của tôi, và tôi thiết nghĩ, cũng cần phân tích và làm rõ vài vấn đề mà tác giả bài viết trên đặt ra.
Hiểu sai phát biểu của ông Lý Hiển Long, vị thế và chính sách đối ngoại của Singapore
The Independent, Singapore cùng đề cập đến bài phỏng vấn Thủ tướng Lý Hiển Long của Tạp chí Times mà tôi cũng đã đề cập và phân tích trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Tuy nhiên dường như tác giả bài viết này đã suy đoán sai những đánh giá của ông Lý Hiển Long về Hoa Kỳ và Trung Quốc, bằng việc trích dẫn một vài câu nói của ông Long và tách chúng hoàn toàn khỏi ngữ cảnh, toàn bộ nội dung trả lời phỏng vấn Times.
Ngay cả câu nói của Thủ tướng Lý Hiển Long được The Independent, Singapore trích dẫn, cũng không có dấu hiệu nào cho thấy ông Lý Hiển Long “hạ bệ” Trung Quốc hay chỉ đề cao chiến lược xoay trục sang châu Á của Hoa Kỳ.
Ngược lại, người viết nhận thấy ông Lý Hiển Long đã đánh giá một cách khách quan, sát thực cả mặt mạnh lẫn mặt yếu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng với những tác động, ảnh hưởng của nó đối với khu vực Đông Nam Á.
Thứ hai, đọc những lời so sánh với Campuchia, Lào, Philippines và Malaysia để chê trách ông Lý Hiển Long “không chịu xoay trục sang Trung Quốc” của The Independent người viết có cảm giác, dường như tác giả đã đánh đồng hoàn cảnh, vị thế, vai trò và chiến lược đối ngoại của Singapore với các nước này.
Singapore là một quốc đảo phát triển chủ yếu dựa vào thương mại. Hoạt động giao lưu hợp tác thương mại giữa Singapore với khu vực và thế giới sẽ bị tắc nghẽn nếu nổ ra chiến tranh, xung đột ở Biển Đông.
Đó là lý do tại sao ông Lý Hiển Long xác định: Biển Đông tắc, Singapore chết.
Về hợp tác kinh tế – thương mại giữa Singapore với Trung Quốc, ông Long xác định rất rõ:
“Chúng tôi muốn kinh doanh và hợp tác giữa Singapore và Trung Quốc tiếp tục phát triển, vì đây là những thỏa thuận có lợi cho cả hai bên. Nếu chúng bị gián đoạn, cả hai bên đều thiệt.”
Nói nôm na, Singapore là quốc gia phát triển, sống chủ yếu dựa vào thương mại, nên vấn đề quốc đảo này quan tâm trong hợp tác với Trung Quốc là thị trường, là cơ hội đầu tư kinh doanh chứ không phải sống dựa vào đồng vốn từ Trung Quốc như một số nước đang phát triển khác.
Vì vậy, việc Thủ tướng Lý Hiển Long sang thăm các khu công nghiệp, khu chế xuất mà Singapore đầu tư tại Trung Quốc thiết nghĩ là điều hoàn toàn hợp lý.
“Bắt chước” một số nhà lãnh đạo khác như ông Duterte đi Trung Quốc để tìm kiếm đầu tư, vay tiền mới là bất thường, bởi “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh.”
Mặt khác, trong quan hệ hợp tác này giữa Singapore với các siêu cường, đặc biệt là Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai bên bình đẳng và cùng có lợi, hoàn toàn không có chuyện “chiếu trên – chiếu dưới” hay quan hệ bất bình đẳng.
Thiết nghĩ làm được điều này là thành công to lớn rất đáng ngưỡng mộ của các nhà lãnh đạo Singapore. Không hiểu tại sao The Independent lại chỉ muốn Singapore “xoay trục sang Trung Quốc” giống một số nước đang phát triển khác?
Thứ ba, Singapore và vương quốc Anh được xem là hai quốc gia phát triển hàng đầu thế giới về các dịch vụ pháp lý quốc tế. Đó cũng là lý do tại sao rất nhiều hợp đồng giao dịch quốc tế quan trọng thường chọn đơn vị tư vấn pháp lý từ Anh hoặc Singapore.
Vì vậy thượng tôn pháp luật luôn là kim chỉ nam và nguyên tắc sống còn đối với Singapore. Việc quốc đảo này ủng hộ và bảo vệ Phán quyết Trọng tài là một trong những ví dụ rõ nét thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật.
Còn nếu vì sợ làm mất lòng Trung Quốc mà ngoảnh mặt, quay lưng với công pháp quốc tế như hàm ý của The Independent, người viết cho rằng Singapore sẽ đánh mất chính mình.
Nếu như thế, tương lai của quốc đảo này cũng sẽ đi vào ngõ cụt.
So sánh ông Lý Hiển Long với ông Rodrigo Duterte là khập khiễng
Tôi cho rằng, nhận định ông Rodrigo Duterte đối thoại với Trung Quốc (The Independent, Singapore gọi là “xoay trục”) làm gia tăng rắc rối nghiêm trọng trong ASEAN là không có cơ sở.
Ngược lại, việc đối thoại với Trung Quốc nhằm tháo ngòi nổ xung đột Biển Đông của ông Rodrigo Dutert chẳng làm tổn hại gì đến Phán quyết Trọng tài 12/7, mà ở góc độ nào đó có thể khiến phán quyết được thực thi trong thực tế.
Ví dụ về việc ngư dân Philippines có thể trở lại Scarborough đánh bắt mà không bị Trung Quốc sách nhiễu, dù là tạm thời, cũng là một bước tiến đáng ghi nhận.
Lập luận của The Independent, Singapore cũng tự mâu thuẫn nhau, khi câu đầu thì chỉ trích chiến lược đối thoại với Trung Quốc của ông Duterte là làm rối loạn ASEAN, câu sau lại ca ngợi ông khôn ngoan khi đối phó với Trung Quốc, dùng điều này để chỉ trích ông Lý Hiển Long.
Cách tiếp cận của ông Lý Hiển Long và ông Rodrigo Duterte với Phán quyết Trọng tài 12/7 hoàn toàn không mâu thuẫn nhau, mà đều góp phần thúc đẩy thực thi phán quyết trong thực tế, nhưng xuất phát từ thực tiễn và lợi ích khác nhau của mỗi nước.
Với Philippines, thắng kiện thì cũng đã thắng rồi. Nhưng thắng kiện mà để xảy ra xung đột, chiến tranh thì phần thiệt chắc chắn thuộc về họ.
Bởi vậy ưu tiên hàng đầu của Manila sau vụ kiện là quay trở lại bàn đối thoại với Trung Quốc, tháo ngòi nổ xung đột, gác tranh chấp để thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực khác.
Các tranh chấp ở Biển Đông vô cùng phức tạp, không thể giải quyết trong một sớm một chiều hay bằng một hoặc một vài phán quyết.
Nhưng không thể phủ nhận vai trò của Phán quyết Trọng tài trong việc làm rõ việc ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982 ở Biển Đông.
Còn với Singapore, tự do hàng hải, hàng không, hòa bình ổn định ở Biển Đông cũng như tính thượng tôn của luật pháp quốc tế gắn liền với lợi ích sống còn của quốc đảo này.
Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo Singapore cổ vũ các bên, đặc biệt là Trung Quốc tuân thủ Phán quyết Trọng tài.
Tuy nhiên giữa pháp lý và chính trị bao giờ cũng có những khoảng cách nhất định, đặc biệt là trong quan hệ với các siêu cường.
Bởi thế Thủ tướng Lý Hiển Long không thụ động ngồi chờ diễn biến tình hình, mà ông đã rất chủ động đón đầu các xu thế mới để tối đa hóa lợi ích cho đất nước mình.
Ông Lý Hiển Long đã và đang góp phần rất tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông. Điều này đã được chúng tôi phân tích qua nhiều bài viết trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Còn việc ông Duterte không “đếm xỉa” đến lời mời thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Lý Hiển Long, không có nghĩa là vai trò, vị thế, ảnh hưởng của Singapore đối với khu vực Đông Nam Á sụt giảm.
Ông Lý Hiển Long là một chính khách đẳng cấp quốc tế, lịch thiệp và văn minh. Việc ông Long không “chấp” những phát biểu công kích Singapore trong quá khứ của ông Duterte không có nghĩa là Lý Hiển Long “lép vế” trước Rodrigo Duterte.
Nhận thấy những vấn đề được đặt ra trong bài viết trên của The Independent, Singapore cũng là mối quan tâm chung, là đề tài tranh luận của giới nghiên cứu, nên người viết đưa ra một số bình luận của mình, ngõ hầu giúp bạn đọc có thêm một hướng tiếp cận với vấn đề mình quan tâm.