Friday, April 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ phát triển tàu sân bay theo mẫu Mỹ loại biên

TQ phát triển tàu sân bay theo mẫu Mỹ loại biên

Theo mạng quân sự Sina, Trung Quốc sẽ đóng hàng không mẫu hạm thứ 2 theo nguyên mẫu tàu sân bay lớp Kitty Hawk đã bị loại biên của Mỹ.

Tàu Liêu Ninh, tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc hiện nay

Không đủ sức đóng tàu động cơ hạt nhân

Trang quân sự Sina của Trung Quốc có bài viết cho rằng tàu sân bay nội địa thứ hai Type 002 được lên kế hoạch chế tạo tại nhà máy đóng tàu Trường Hưng – Giang Nam.

Truyền thông Trung Quốc cũng nhấn mạnh tàu này sẽ được trang bị những thành quả khoa học công nghệ và hệ thống điện tử, vũ khí mới nhất những năm gần đây của Trung Quốc, và khẳng định sức chiến đấu của nó sẽ không bình thường.

Tuy nhiên, chiếc tàu sân bay nội thứ hai này sẽ có thiết kế tương tự tàu sân bay lớp Kitty Hawk Mỹ (loại tàu sân bay động cơ thông thường cuối cùng của Mỹ), có lượng giãn nước đầy đạt 80.000 tấn, toàn bộ áp dụng đường băng nối thẳng, đã lắp 4 máy phóng hơi nước.

Đồng thời khẳng định, Tàu sân bay Type 002 là phiên bản nâng cấp của tàu sân bay Type 001, tính năng của nó vượt xa tàu sân bay Liêu Ninh. Và việc giống với công nghệ Mỹ, có thể coi là tàu sân bay nội thực sự của Trung Quốc.

Trước hết, thiết bị động lực (động cơ) của tàu sân bay Type 002 được cải thiện ở mức độ rất lớn. Thiết bị động lực này áp dụng tua-bin khí cỡ lớn do Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển, có thể cung cấp động lực mạnh cho tàu sân bay, tăng mạnh lượng giãn nước và khả năng vận chuyển hiệu quả của tàu sân bay. So với Type 001, số lượng máy bay hải quân có thể cũng sẽ tăng lên.

Thứ hai, không tiếp tục sử dụng phương thức cất cánh kiểu nhảy cầu của tàu sân bay Type 001 (công nghệ của Nga), áp dụng đường băng cỡ lớn góc chếch kiểu nối thẳng và phương thức cất cánh máy phóng, vì vậy có thể rút ngắn lớn khoảng cách thời gian cất cánh cho máy bay.

Với phương án này, Trung Quốc có thể cất hạ cánh máy bay cảnh báo sớm cánh cố định trên tàu sân bay, nâng cao bán kính tác chiến và phạm vi cảnh báo sớm của tàu sân bay, nâng cao hiệu suất tác chiến.

Đồng thời, để chuẩn bị cho tàu sân bay Type 002 này, Trung Quốc cũng ra sức phát triển chiến đấu cơ tàng hình J-31 phiên bản hải quân, có khả năng phù hợp cho việc cất cánh kiểu đường băng nối thẳng và máy phóng.

Có thể thấy, sau khi sở hữu tàu sân bay Liêu Ninh vốn là một con tàu cũ của hải quân Liên Xô, cùng với việc đóng mới tàu sân bay Type 001 giống với các thiết kế của Nga. Thì hiện tại, Trung Quốc đã nhắm đến các công nghệ Mỹ trong việc phát triển tàu sân bay của mình.

Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ nhắm đến công nghệ đóng tàu sân bay động cơ thông thường lớp Kitty Hawk cho thấy, gần như chắc Trung Quốc chưa đủ khả năng đóng tàu sân bay chạy động cơ hạt nhân như tàu lớp Nimitz hiện nay của Hải quân Mỹ.

Trung Quốc trả giá

Việc không thể đóng tàu sân bay động cơ hạt nhân cho thấy công nghiệp quốc phòng Trrung Quốc còn khá sơ khai, vì vậy sản phẩm quốc phòng nước này đang dần trở nên ế ẩm ngay trên những thị trường truyền thống của nước này.

Theo Tạp chí Kanwa, Trung Quốc đã gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm khách hàng ở Triển lãm Hàng không và Quốc phòng châu Phi tại thủ đô Pretoria của Nam Phi hồi tháng trước, kể cả khi Bắc Kinh đã đưa ra gói “cho vay” để hỗ trợ khách hàng trong quá trình chào bán các mẫu máy bay huấn luyện L-15 Falcon hay chiến đấu cơ JF-17.

Lý giải cho sự “ế ẩm” nêu trên của Trung Quốc tại Triển lãm Hàng không và Quốc phòng châu Phi, ông Andrei Chang, người sáng lập Kanwa, cho rằng có khả năng là do tác động từ thương vụ bán trực thăng Harbin Z-9 giữa Trung Quốc và Cameroon.

Sau khi nhận được 4 chiếc trực thăng tấn công từ Trung Quốc, 1 trong số những chiếc Z-9 đã gặp tai nạn ngay khi được chuyển giao. Theo ông Chang, Cameroon đang đàm phán với Bắc Kinh về vụ tai nạn này và không có ý định mua thêm bất cứ loại vũ khí nào từ Trung Quốc do những lo ngại về chất lượng.

Trong khi đó, Giáo sư Jonathan Holslag, người đứng đầu nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc đương đại có trụ sở ở thủ đô Brussels của Bỉ, cho rằng các khách hàng trước đây của Trung Quốc đang lo ngại về chất lượng vũ khí của nước này, nhận định:

“Cuộc đua trên thị trường vũ khí ngày càng khốc liệt và nhiều nước sẵn sàng đưa ra các đề nghị hấp dẫn. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng bảo trì và huấn luyện sử dụng là những phần quan trọng trong các thương vụ bán vũ khí, còn Trung Quốc vẫn cách khá xa mới đáp ứng được những yêu cầu này”.

Không chỉ ở châu Phi, các tập đoàn sản xuất vũ khí của Trung Quốc cũng đang loay hoay trong quá trình tìm kiếm khách hàng ở châu Á, đặc biệt là khi có thông tin cho biết tên lửa chống hạm C-705 đã bắn không trúng mục tiêu trong cuộc tập trận do quân đội Indonesia tiến hành hồi tháng 9.

Tạp chí quân sự IHS Jane’s cho biết 2 tên lửa C-705 đã không bắn trúng mục tiêu sau khi được phóng đi từ tàu chiến lớp KCR-40 của Hải quân Indonesia trong cuộc tập trận quy mô lớn mang tên Armada Jaya 2016 hồi tháng 9.

Một “thất bại” khác của Trung Quốc trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí phải nhắc tới là việc Sri Lanka có thể rút khỏi thương vụ mua chiến đấu cơ JF-17. Tháng trước, Tạp chí quân sự Kanwa đưa tin Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena đã đề cập tới khả năng huỷ các giao dịch vũ khí với Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn với Tạp chí quân sự Kanwa, Tư lệnh Không quân Sri Lanka Kolitha Gunathilake đã bác bỏ thông tin cho rằng nước này đã ký hợp đồng mua JF-17 từ Trung Quốc hoặc Pakistan, đồng thời cho biết Sri Lanka không ủng hộ thương vụ này.

Tướng Gunathilake, người cũng thừa nhận Sri Lanka cần mua chiến đấu cơ thế hệ mới để thay thế các mẫu đã lạc hậu như J-7 của Trung Quốc hay MiG-27 của Nga và đang cân nhắc mua máy bay F-16 cũ của Mỹ, nói:

“Tôi không đưa ra quyết định cuối cùng và cho tới nay, tôi mới chỉ tham dự một buổi trình diễn hoạt động mô phỏng của chiếc JF-17 trên mặt đất. Phải thừa nhận rằng kinh phí là một vấn đề khi mẫu máy bay đó quá đắt”.

RELATED ARTICLES

Tin mới