Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 02/11

Bản tin Biển Đông ngày 02/11

Bản tin Biển Đông ngày 02/11/2016.

Tổng thống Duterte – Ảnh: Reuters

1) Ông Carpio: Philippines cần tìm kiếm giải pháp đôi bên cùng có lợi trong tranh chấp Biển Đông, một kịch bản nhằm giữ thể diện cho Trung Quốc

Ngày 1/11, trang GMA News đưa tin:

Trong buổi phỏng vấn với Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Philippines Duterte tới Trung Quốc và sự kiện ngư dân Philippines được tự do đánh cá ở khu vực bãi cạn Scarborough sau đó, Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio cho biết: “Philippines sẽ tìm kiếm một giải pháp “đôi bên cùng có lợi” và một kịch bản nhằm “giữ thể diện” cho Trung Quốc trong vấn đề các yêu sách chồng lấn ở Biển Đông”. Ông Carpio nhận thấy việc phía Trung Quốc rời khỏi bãi cạn Scarborough không phải là từ nguyên nhân “họ đã thua”, do đó ông đề xuất Philippines cần tìm kiếm “một giải pháp không mang tính lối mòn” để Trung Quốc có cơ hội được giữ thể diện, có thể là “Philippines sẽ đưa ra tuyên bố rằng Trường Sa là khu vực bảo tồn biển”. Ông phân tích, đây sẽ là một giải pháp “đôi bên cùng có lợi”, kể cả Trung Quốc bởi nước này có số lượng tiêu thụ cá bình quân lớn nhất thế giới, phục vụ cho 1,4 tỉ người. Bên cạnh đó, ông Carpio nhấn mạnh tầm quan trọng của những phát ngôn về vấn đề chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough khi đưa ra đàm phán giữa hai nước, cần đặc biệt tránh đưa ra hiểu nhầm rằng Philippines công nhận chủ quyền hay quyền chủ quyền của Trung Quốc với bãi cạn, chẳng hạn như “Trung Quốc cho phép Philippines đánh cá ở đó”. Một giải pháp khác ông Carpio đặt ra đó là hai bên cũng có thể thực hiện chương trình phát triển chung ở khu vực Bãi Cỏ Rong phù hợp với pháp luật Philippines và tuân thủ thỏa thuận thương mại tương tự.

2) “Thực sự điều gì đã thay đổi ở bãi cạn Scarborough?”

Ngày 1/11, tạp chí The Diplomat đăng tải bài viết “Thực sự điều gì đã thay đổi ở bãi cạn Scarborough?” của nhà báo Ankit Panda của The Diplomat

Trong bài viết, nhà báo Ankit Panda đánh giá sự kiện ngư dân Philippines đã có thể tiếp cận và đánh cá ở khu vực bãi cạn Scarborough, tuy không thể đưa quy chế của bãi cạn trở lại đúng như trước khi Trung Quốc ngang nhiên dùng vũ lực để giành sự kiểm soát khu vực song phía Philippines đang ghi nhận sự thay đổi này là biểu hiện thiện chí của Trung Quốc sau chuyến thăm của Tổng thống Duterte. Đối với Bắc Kinh, sự chuyển biến mới này ở bãi cạn Scarborough có thể mang đến một số “thuận lợi” nhất định: dù không công nhận Phán quyết Trọng tài ngày 12/7 nhưng việc Trung Quốc bỗng “cho phép” các ngư dân được đi vào khu vực bãi cạn dễ dàng là cách để nước này thể hiện cho dư luận quốc tế thấy rằng Trung Quốc trên thực tế đang “tuân thủ” Phán quyết trong phạm vi những kết luận liên quan đến bãi cạn Scarborough. Bên cạnh đó, Trung Quốc tự xem chiến thuật “cây gậy và củ cà-rốt” của nước này là đã “đạt được mục đích” trong việc giải quyết vấn đề quan hệ cũng như tranh chấp Biển Đông với hai chính quyền khác nhau của Philippines từ 2012. Cụ thể hơn, Trung Quốc đã nhận thấy việc duy trì quan hệ tốt đẹp với Philippines thông qua cầu nối là bãi cạn Scarborough có tầm quan trọng nhất định bởi lẽ Manila sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm tới. Quan trọng hơn, với Trung Quốc, hạ nhiệt căng thẳng một chút ở khu vực này “cũng chẳng mất gì” bởi lẽ nếu có thể làm được việc này, chủ nghĩa dân tộc trong nước sẽ “tạm để yên”, chính quyền Trung Quốc không bị xem là “đã từ bỏ” bãi cạn Scarborough bởi lẽ theo lý luận của phía nước này, “các ngư dân Philippines đã không tự đi vào khu vực bãi cạn”. Tuy nhiên để biết được rằng sự kiện này có thể tác động đến tương lai tranh chấp Biển Đông như thế nào còn tùy thuộc vào việc những hành động thiện chí giữa hai bên có thể kéo dài bao lâu.

3)  Cựu Thượng Nghị sĩ Philippines: hành động của Trung Quốc đối với bãi cạn Scarborough thực chất là nhằm khẳng định “quyền sở hữu”

Ngày 2/11, tờ Philippine Star đưa tin:

Trong buổi phỏng vấn với hãng tin The STAR, cựu Thượng Nghị sĩ Philippines Aquilino Pimentel cảnh báo rằng việc Trung Quốc quyết định để ngư dân Philippines được quay trở lại bãi cạn Scarborough bằng phương thức “cho phép” thực chất là “một hành động thể hiện quyền sở hữu”, nhấn mạnh “điều này sẽ không cản trở yêu sách của Philippines liên quan đến chủ quyền đối với bãi cạn”. Liên quan đến chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Duterte, ông Pimentel cho rằng việc tăng cường quan hệ với Nga và Trung Quốc không có nghĩa rằng quan hệ với các đồng minh truyền thống như Mỹ sẽ suy giảm bởi “cần phải hiểu tuyên bố của Tổng thống là nhằm thúc đẩy chính sách đối ngoại độc lập nhưng không cắt đứt quan hệ với Mỹ và các nước đồng minh hiệp ước khác như Nhật Bản” và “Tổng thống cũng hiểu rằng, về khía cạnh an ninh quốc gia, Philippines không thể bảo vệ chủ quyền một mình mà vẫn cần có các nước bạn bè đồng minh”. Một đồng minh của Tổng thống Duterte, Thượng Nghị sỹ Alan Peter Cayetano, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề đối ngoại Thượng viện, cũng khẳng định ông Duterte sẽ không bao giờ thỏa hiệp vấn đề chủ quyền của Philippines dù có tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh. Ông Cayetano cũng kêu gọi chính quyền cần cẩn trọng khi đưa ra tuyên bố bên nào “cho phép” bên nào bởi lẽ các nhà lãnh đạo đều cần phải cẩn trọng trong phát ngôn, chúng có thể chống lại họ trong tương lai.

RELATED ARTICLES

Tin mới