Tuesday, January 7, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiBộ GTVT lên tiếng về vốn vay TQ làm đường cao tốc

Bộ GTVT lên tiếng về vốn vay TQ làm đường cao tốc

Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam mới chỉ dừng lại ở ý tưởng trình lên Chính phủ, nên chưa thể bàn sâu về vấn đề nguồn vốn vay từ đâu.

Bộ GTVT sẽ xin ý kiến cộng đồng về dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam

Chủ đầu tư phải đứng ra vay

Vừa qua, tại tọa đàm “Giải đáp câu hỏi nóng về đầu tư cao tốc Bắc –Nam”, TS Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, đã chỉ rõ với tổng vốn đầu tư 230.000 tỷ đồng là bài toán khó cho vốn vay nội địa. Chính vì thế, theo ông Nghĩa, có thể hướng doanh nghiệp vay vốn từ nước ngoài, nên chọn Trung Quốc để tránh rủi ro về tỷ giá.

Trước đề xuất trên của chuyên gia, trao đổi với chúng tôi, ngày 27/10, ông Nguyễn Nhật – Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: “Đó là những ý kiến được đưa ra, góp ý cho dự án, chúng tôi sẽ tổng hợp lại, đánh giá và xem xét. Sau đó, đưa ra cộng đồng xin ý kiến, rồi mới phân tích dựa trên các yếu tố cụ thể.

Chúng tôi ghi nhận những ý kiến đóng góp này, ghi nhận ý kiến tất cả mọi bên, đặc biệt với tuyến đường huyết mạch, trọng điểm như đường bộ cao tốc Bắc – Nam”.

Với những lời đề nghị muốn đầu tư hạ tầng giao thông của các nhà đầu tư Pháp, châu Âu trong thời gian vừa qua, ông Nhật cho rằng: “Mình kêu gọi đầu tư thì phải kêu gọi chính thức, ai để ý muốn đầu tư thực sự thì mới biết là lựa chọn đơn vị nào. Hiện nay chưa có dự án cụ thể nên cũng khó trong việc tính toán lựa chọn đơn vị nào là đầu tư.

Khi nào làm đến các bước nghiên cứu tính khả thi, từng đoạn, từng tuyến một thì mới nghiên cứu sâu các vấn đề đó, còn bây giờ chỉ mới là chủ trương”.

Khẳng định rõ thêm về cơ chế vay, theo ông Nhật, với dự án này, các chủ đầu tư phải đứng ra vay, chứ Bộ không phải là người đứng ra bảo lãnh.

Sẽ rút kinh nghiệm vấn đề thu phí ở các dự án BOT

Riêng về vấn đề thu phí BOT sau khi xây dựng, Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định: “Với các dự án BOT chắc chắn cần minh bạch trong vấn đề thu phí, nếu đường cao tốc Bắc-Nam đưa vào xây dựng, Chính phủ nhất trí làm, thì Bộ sẽ xem xét, rút kinh nghiệm từ các dự án BOT đã làm trước đây đảm bảo công khai từ mức phí, đến thời gian thu phí.

Và với dự án này, Bộ sẽ xin ý kiến của tất cả cộng đồng, xã hội, sau đó tổng hợp lại rồi công khai để cho mọi người đều biết”.

Trước đó, trao đổi với chúng tôi về dự án trên, ĐBQHVN Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho biết: “Quan điểm của tôi vẫn cho rằng, nếu thực hiện dự án trên nên thực hiện theo phương án xã hội hóa, dứt khoát không sử dụng ngân sách nhà nước. Nhà nước chỉ đáp ứng một nguồn ngân sách cơ bản, còn lại giao doanh nghiệp tự thu xếp vốn.

Khi doanh nghiệp tự đứng ra thu xếp vốn, họ sẽ lựa chọn, cân nhắc được nguồn vốn nào là tốt nhất, hiệu quả nhất, phù hợp nhất với mục đích đầu tư của doanh nghiệp.

Cũng cần phải lưu ý rằng, song song với dự án trên chúng ta đã có dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng toàn tuyến QL1A cũ với tổng số vốn đầu tư khoảng 126.415 tỉ đồng.

Đây là một dự án lớn, xuyên suốt chiều dài đất nước vì vậy cần đặt vấn đề xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc – Nam thời điểm này đã phù hợp và cần thiết hay chưa? Và nếu thực hiện thì phải thực hiện thế nào? Nên thực hiện ngay một lúc toàn dự án hay nên chia dự án làm nhiều phân kỳ, nhiều giai đoạn? Chỗ nào cần thì làm trước, tuyến nào chưa cần thiết thì để làm sau?”.

Về việc vay vốn từ Trung Quốc để xây dựng dự án trên, ông Cường cho rằng, không phân biệt nguồn gốc đồng vốn đó đến từ nước Nhật, nước Trung Quốc hay Pháp… chỉ nên quan tâm tới hiệu quả sử dụng của nguồn vốn đó thế nào. Nguồn vốn đó có đáp ứng được nhu cầu huy động của doanh nghiệp và có giúp doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh doanh hay không?.

“Tôi không có ác cảm với riêng nguồn vốn từ Trung Quốc hay của bất kể nước nào. Vấn đề tôi nhấn mạnh là chúng ta phải làm tốt, làm chặt ngay từ đầu. Không riêng với nguồn vốn nước ngoài, ngay cả nhiều dự án trong nước hiện chúng ta cũng chỉ tính được nguồn vốn trong giai đoạn rất ngắn”, ông Cường nhấn mạnh.

Cũng đưa ra quan điểm về dự án trên, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói thẳng là không ủng hộ xây dựng dự án này mà cần đẩy mạnh phát triển giao thông thủy và giao thông hàng hải.

Dự án này chắc chắn phải trình ra Quốc hội. Có hai cách, một là Bộ GTVT sẽ trình cả gói hai là trình tựng dự án nhỏ. Nếu sử dụng chiêu trò láu cá, chẻ nhỏ dự án thì bắt buộc Bộ GTVT phải trình phương án duyệt ngân sách hàng năm, bao gồm ngân sách cho phát triển trung hạn và ngắn hạn. Với cách thức này, đến một hào Bộ GTVT cũng phải trình.

RELATED ARTICLES

Tin mới